Các tin tức tại MEDlatec

Toàn tập những thông tin cần biết về tình trạng Apxe

Ngày 23/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Apxe là tình trạng phổ biến, hình thành ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em và người có sức đề kháng yếu. Bổ sung những kiến thức chuyên môn liên quan đến tình trạng này sẽ giúp bạn có thể tránh được nhiều phiền toái cũng như tìm ra biện pháp bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

1. Đại cương về apxe

Định nghĩa

Apxe là thuật ngữ dùng để nói lên tình trạng một tổ chức ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể bị viêm, dần dần hình thành các ổ mủ. Bên trong chứa các thành phần bao gồm dịch mủ, xác vi khuẩn, nấm hay một số loại vi trùng khác, xác tế bào bạch cầu và mảnh vụn.

Chỉ cần một tổ chức nào đó trong cơ thể bị nhiễm trùng thì rất dễ hình thành nên khối áp xe trên da hay các cơ quan nội tạng. Thường gặp nhất là ở các vị trí như nách, âm đạo, xung quanh vùng xương cùng cụt, khe rãnh giữa hai mông, hậu môn, chân răng,... hoặc một số cơ quan bên trong cơ thể như gan, não, thận, phổi, vú, trực tràng,...

Các khối áp xe được hình thành sau khi bị nhiễm trùng sẽ sưng, đỏ và gây đau cho bệnh nhân

Nguyên nhân

Nhiễm trùng do các yếu tố sau là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh được hình thành:

  • vi khuẩn xâm nhập vào các mô, tuyến dưới da tạo nên các phản ứng viêm, kích thích hoạt chất trung gian và tế bào bạch cầu thực hiện chức năng đại thực bào chống lại tình trạng nhiễm trùng.

  • Hàng rào miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra phản ứng để loại bỏ vi khuẩn, xác bạch cầu sẽ sản xuất ra dịch mủ và đọng lại trong các khối apxe.

  • Các ổ apxe dưới da hay ở màng cứng cột sống thường do tụ cầu gây ra.

  • Các chất bài tiết của tuyến mồ hôi hay tuyến bã bị tích tụ, không thoát được ra bên ngoài dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và các khối mềm hình thành, tạo môi trường thuận lợi để mầm bệnh phát triển.

  • Ký sinh trùng như giun chỉ, sán lá gan, giòi,... mặc dù ít phổ biến hơn nhưng cũng là nguyên nhân không thể bỏ qua bởi tác nhân này thường gây bệnh ở các nước đang phát triển.

Những trường hợp có nguy cơ cao bị bệnh

Apxe là kết quả của hệ miễn dịch khi có thể có sự xâm nhập của mầm bệnh. Chính vì vậy mà những người có sức đề kháng kém sẽ thường xuyên gặp bệnh này hơn so với một cơ thể khỏe mạnh và rất dễ chuyển sang tình trạng nặng. Những trường hợp có khả năng chống lại nhiễm trùng kém bao gồm:

  • Người uống thuốc Corticoid kéo dài, hóa xạ trị hay thường xuyên tiêm thuốc tĩnh mạch.

  • Các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, HIV,... hay tiểu đường, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu,...

  • Người sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, môi trường, nguồn nước bẩn hoặc thường xuyên tiếp xúc với vùng bị nhiễm trùng, các chấn thương, vết thương hở,... cũng là những trường hợp có khả năng bị bệnh hiện nay.

Người bị bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm là một trong số nhóm đối tượng rất dễ bị apxe

2. Các biểu hiện lâm sàng đặc hiệu của apxe

Nếu bệnh xuất hiện ở phần nông dưới da thì có thể phát hiện dễ dàng bởi bạn nhìn thấy được bằng mắt thường khi các khối này có phản ứng viêm.Trường hợp các khối mềm hình thành rồi chuyển sang đỏ, sưng, căng bóng sẽ gây đau đớn, trên đỉnh đầy mủ. Khi sờ sẽ có cảm giác hơi nóng và đau hơn. Sau khi phần miệng các khối này vỡ ra thì dịch mủ sẽ chảy ra ngoài, gây khó chịu và nếu tiếp xúc với các vùng da lân cận có thể hình thành nên một ổ nhiễm trùng khác.

Đến khi tình trạng nhiễm trùng lan rộng sẽ xâm lấn sâu vào các mô bên trong khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn. Người bệnh có thể đi kèm các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, môi khô, rét run. Nếu apxe hình thành và tiến triển xấu tại gan, bệnh nhân sẽ còn có triệu chứng đau ở vùng hạ sườn bên phải.

3. Chẩn đoán và điều trị apxe

Chẩn đoán

Trường hợp khối mềm được hình thành ở các mô dưới da thì việc chẩn đoán có thể thực hiện thông qua biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện ở các bộ phần bên trong thì cần phải kết hợp giữa triệu chứng với phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như:

  • Xét nghiệm: công thức máu, kiểm tra phản ứng viêm, định lượng Protein C phản ứng,...

  • Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CT Scan, cộng hưởng từ,...

  • Bên cạnh đó thì còn có thể chẩn đoán bệnh thông qua chọc hút - xét nghiệm mủ, cấy mủ, cấy máu,... Qua đó đánh giá tình trạng, mức độ nhiễm trùng cũng như các tổn thương.

Bác sĩ có thể tiến hành chọc dò dịch mủ để tiến hành kiểm tra, chẩn đoán bệnh

Điều trị

Hầu hết với những khối áp xe kích thước nhỏ, dịch mủ ít sẽ tự tiêu và khô lại, đóng vảy rồi khỏi hẳn mà không cần sự can thiệp nào. Tuy nhiên, trường hợp các khối mềm này tiến triển nặng dần, sưng tấy, đau nhiều và có xu hướng lan rộng thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có biện pháp xử lý. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của ổ apxe mà bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp điều trị khác nhau nhau.

  • Các khối này khi xuất hiện dưới mô da thì việc rạch một đường nhỏ để dẫn lưu, đẩy hết dịch mủ ra ngoài sẽ cho hiệu quả điều trị cao. Trường hợp bệnh nhân đau không chịu được thì có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau như Paracetamol, Aspirin. Việc kết hợp với kháng sinh không mang lại hiệu quả trong trường hợp này.

  • Nếu là các ổ apxe sâu trong cơ thể thì việc dẫn lưu dịch mủ ra ngoài được thực hiện thông qua sự điều hướng của siêu âm. Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định với phương pháp điều trị này và nên sử dụng sớm, đủ liều để phát huy hiệu quả.

  • Với tình trạng sốt, đau, mệt mỏi, người bệnh sẽ được bù đắp nước, chất điện giải thông qua dịch truyền tĩnh mạch và tiến hành song song với biện pháp điều trị nói trên.

Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ về những bất thường của cơ thể

Đôi khi một vết cứa nhỏ trên cơ thể cũng có thể hình thành nên khối apxe, chính vì vậy mà bạn cần phải cẩn thận với các vật sắc bén hay nhọn. Dù là bất cứ vấn đề nào thì cũng đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe cơ thể, do vậy mà bạn tuyệt đối không được chủ quan.

Nếu bạn còn bất cứ câu hỏi thắc mắc nào, có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thông qua hotline: 1900.56.56.56 để được tư vấn và hỗ trợ.

Từ khoá: Apxe

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.