Các tin tức tại MEDlatec

Trật khớp ngón tay: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý hiệu quả

Ngày 17/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Trật khớp ngón tay là chấn thương thường gặp, đặc biệt ở những người thường xuyên chơi thể thao hoặc lao động chân tay. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, trật khớp có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng vận động của bàn tay. Cùng tìm hiểu chi tiết về khái niệm, dấu hiệu và cách xử lý trật khớp hiệu quả trong bài viết sau.

1. Trật khớp ngón tay là gì?

Trật khớp ngón tay xảy ra khi các đầu xương ở khớp ngón tay bị lệch ra khỏi vị trí bình thường, do tác động lực mạnh từ bên ngoài. Khớp ngón tay bao gồm ba đốt (đốt gần, đốt giữa và đốt xa), trong đó khớp giữa và khớp gần là hai vị trí dễ trật nhất. 

Tình trạng này làm gián đoạn sự liên kết của khớp, gây đau nhức và hạn chế vận động. Nếu không được nắn chỉnh kịp thời và đúng kỹ thuật, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến biến dạng hoặc cứng khớp

Trật khớp ngón tay là chấn thương phổ biến, xảy ra khi các đầu xương ở khớp ngón tay bị lệch khỏi vị trí bình thường

2. Nguyên nhân gây trật khớp ngón tay

Trật khớp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: 

  • Chấn thương: Va đập mạnh, ngã chống tay hoặc bị vật nặng đè lên ngón tay, làm tăng nguy cơ trật khớp. 
  • Hoạt động thể thao: Người chơi các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, võ thuật có nguy cơ cao bị trật khớp do vận động mạnh hoặc sai kỹ thuật. 
  • Sinh hoạt thường ngày: Vặn tay mạnh, đập tay vào vật cứng hoặc cử động đột ngột trong sinh hoạt là những yếu tố có thể gây trật khớp ngón tay. 
  • Bệnh lý xương khớp: Ở những người mắc các bệnh như loãng xương, viêm khớp,… thường có cấu trúc xương yếu, dễ trật khớp hơn so với người bình thường. 

3. Dấu hiệu nhận biết trật khớp

Thực tế, không nhiều người hiện nay có thể nhận biết chính xác các dấu hiệu trật khớp ở ngón tay, dẫn đến xử lý sai cách hoặc chậm trễ điều trị. Khi gặp chấn thương ở ngón tay, bạn có thể nhận diện trật khớp qua một số biểu hiện như: 

  • Đau nhức dữ dội vùng khớp: Cơn đau xuất hiện đột ngột ngay khi chấn thương xảy ra, có thể lan rộng ra vùng bàn tay hoặc cánh tay. 
  • Khớp bị biến dạng bất thường: Ngón tay có thể bị lệch khỏi trục bình thường, cong vẹo hoặc gập với góc lạ. 
  • Sưng nề và bầm tím: Vùng quanh khớp bị trật có thể sưng to, chuyển màu tím bầm do tụ máu dưới da. 
  • Giới hạn vận động rõ rệt: Người bị trật khớp sẽ khó hoặc không cử động được ngón tay, mất khả năng cầm nắm.
  • Có thể nghe thấy tiếng “rắc”: Ở một số trường hợp có thể nghe thấy âm thanh bất thường khi trật khớp xảy ra. 

Đau nhức dữ dội vùng khớp là dấu hiệu điển hình của tình trạng trật khớp

4. Cách xử lý trật khớp hiệu quả 

Xử lý trật khớp đúng cách là bước đầu quan trọng, giúp hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn xảy ra. Dưới đây là các bước xử lý an toàn, hiệu quả mà bạn cần biết. 

Sơ cứu tại nhà 

Ngay khi trật khớp xảy ra, bạn cần giữ tâm lý bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu đúng cách để giảm đau, hạn chế tổn thương thêm trước khi được đưa đến cơ sở y tế. Bao gồm: 

  • Không cố gắng tự nắn chỉnh khớp: Tuyệt đối không ép khớp về vị trí ban đầu nếu không có chuyên môn y tế, tránh làm tổn thương thêm dây chằng, gân hoặc gây gãy xương. 
  • Cố định khớp bị trật: Dùng nẹp, thanh gỗ nhỏ, băng vải, hoặc bất kỳ vật dụng nào có thể giữ cố định ngón tay ở vị trí hiện tại, hạn chế dịch chuyển khớp thêm. 
  • Chườm lạnh: Bạn có thể chườm lạnh lên vùng bị tổn thương trong khoảng 15 - 20 phút, giúp giảm sưng, giảm đau và hạn chế tụ máu. 
  • Tránh vận động: Không cố cử động hay co duỗi ngón tay, đồng thời giữ tay trong tư thế nâng cao để tránh phù nề. 

Thăm khám và điều trị y tế 

Bên cạnh các bước sơ cứu tại nhà, thăm khám và điều trị y tế cũng là điều vô cùng quan trọng. Bạn cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để được thăm khám lâm sàng và chụp X-quang, nhằm xác định chính xác tình trạng khớp. Dựa theo đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng xử lý an toàn, hiệu quả. Bao gồm các bước như: 

  • Nắn chỉnh khớp: Bác sĩ sẽ thực hiện nắn chỉnh khớp trong điều kiện vô trùng và có kiểm soát đau. 
  • Cố định khớp sau khi nắn: Sau khi đưa khớp về đúng vị trí, bác sĩ sẽ cố định ngón tay bằng nẹp hoặc băng chuyên dụng trong khoảng 2 - 4 tuần tuỳ mức độ tổn thương. 
  • Dùng thuốc: Người bệnh có thể được kê thuốc giảm đau và kháng viêm nếu cần thiết. 
  • Tập phục hồi chức năng: Sau cố định khớp, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài tập vật lý trị liệu, nhằm phục hồi chức năng vận động của ngón tay và phòng tránh cứng khớp. 

*Lưu ý: Bạn tuyệt đối không nên chủ quan khi bị trật khớp ngón tay. Việc chậm trễ khi xử lý hoặc điều trị sai cách có thể dẫn đến biến chứng lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cầm nắm và chức năng vận động của ngón tay. 

Bạn nên đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và xử lý đúng cách

5. Biến chứng có thể gặp nếu không điều trị đúng cách

Việc xử lý không đúng cách tình trạng trật khớp có thể gây ra một số biến chứng sau: 

  • Biến dạng khớp vĩnh viễn: Trường hợp khớp không được nắn đúng vị trí, có thể dẫn đến lệch trục ngón tay. 
  • Cứng khớp: Không vận động đúng cách sau cố định khớp có thể làm ngón tay bị co cứng, mất chức năng. 
  • viêm khớp sau chấn thương: Tổn thương sụn và bao khớp có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp mạn tính. 
  • Đau kéo dài: Người bệnh có thể bị đau mạn tính ngay cả khi trật khớp đã được điều chỉnh. 
  • Tái trật khớp: Ngón tay bị yếu sẽ dễ bị trật lại khi có tác động nhỏ nếu không phục hồi tốt. 

Bài viết trên đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý trật khớp ngón tay hiệu quả. Đây là một chấn thương phổ biến, nhưng nếu không được xử lý đúng cách có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động của ngón tay. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên chủ quan hay tự ý nắn khớp tại nhà nếu không có chuyên môn. Bạn cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn phục hồi. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.