Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ bị muỗi đốt sưng cứng: Hướng dẫn xử trí tại nhà

Ngày 17/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trong thời tiết nóng ẩm, đặc biệt là vào mùa hè, muỗi sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Việc trẻ bị muỗi đốt sưng cứng là tình trạng rất phổ biến, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đơn giản. Có những trường hợp vết sưng lành tính, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo phản ứng dị ứng nặng hoặc nguy cơ nhiễm trùng da. Vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân, cách xử trí và thời điểm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế là điều cần thiết mà bất kỳ cha mẹ nào cũng nên nắm rõ.

1. Vì sao da trẻ lại sưng cứng sau khi bị muỗi đốt?

So với người lớn, làn da của trẻ nhỏ mỏng hơn và dễ bị kích ứng hơn nhiều. Khi bị muỗi đốt, muỗi sẽ tiết một lượng nhỏ nước bọt vào da để ngăn máu đông lại, giúp chúng hút máu dễ dàng hơn. Trong nước bọt này chứa các protein lạ, và vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên cơ thể thường phản ứng mạnh với những chất này. Phản ứng miễn dịch gây ra hiện tượng viêm tại chỗ, biểu hiện bằng các triệu chứng như sưng, đỏ, nóng rát, đau nhức và đôi khi khiến vết đốt trở nên cứng.

Phản ứng miễn dịch với nước bọt của muỗi khi bị muỗi đốt khiến da trẻ bị bị sưng cứng

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ vết muỗi đốt ở trẻ bị sưng to, thậm chí sưng cứng:

- Cơ địa dị ứng: Trẻ có làn da nhạy cảm hoặc cơ địa dị ứng thường phản ứng dữ dội hơn với các thành phần trong nước bọt muỗi, khiến vết đốt dễ sưng to và lâu lành.

- Thói quen gãi ngứa: Cảm giác ngứa ngáy khiến trẻ thường xuyên gãi mạnh vào vết đốt. Hành động này có thể làm trầy xước da và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng, làm vết sưng lan rộng, trở nên cứng và đau hơn.

- Loài muỗi: Một số loài muỗi tiết ra nhiều chất gây kích ứng hơn, từ đó khiến phản ứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.

- Vị trí vết đốt: Những vùng da mỏng, nhạy cảm và nhiều mao mạch như mặt, cổ, tay hoặc chân thường dễ bị sưng to khi bị muỗi đốt.

Hiểu rõ những nguyên nhân này sẽ giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da non nớt của trẻ khỏi sự tấn công của muỗi và các loại côn trùng.

2. Hướng dẫn xử trí tại nhà khi trẻ bị muỗi đốt sưng cứng

Khi trẻ bị muỗi đốt sưng cứng, cha mẹ cần xử lý đúng cách để giúp bé cảm thấy dễ chịu, đồng thời hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

- Làm sạch nhẹ nhàng vùng da bị đốt: Trước tiên, cha mẹ hãy rửa sạch vùng da bị muỗi đốt cho bé bằng nước mát và xà phòng dịu nhẹ. Bước này giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên da và giảm nguy cơ viêm nhiễm.

- Chườm lạnh để giảm sưng, ngứa: Dùng một chiếc khăn mềm bọc đá lạnh hoặc túi chườm lạnh và áp nhẹ lên vết đốt trong khoảng 10 -15 phút. Nhiệt độ lạnh có tác dụng làm dịu da, giảm sưng nề và cảm giác ngứa ngáy. Có thể lặp lại vài lần trong ngày nếu cần thiết.

- Áp dụng các biện pháp giảm ngứa tự nhiên tại nhà: Một số nguyên liệu sẵn có trong nhà có thể hỗ trợ giảm viêm, ngứa hiệu quả cho trẻ:

  • Gel lô hội (nha đam): Thoa trực tiếp gel tươi từ lá nha đam lên vết đốt. Lô hội nổi tiếng với khả năng làm dịu da và chống viêm tự nhiên.
  • Mật ong nguyên chất: Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, mật ong có thể giúp giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng nhẹ.

- Cân nhắc sử dụng thuốc bôi ngoài da (nếu cần): Trong trường hợp trẻ ngứa nhiều hoặc vết sưng kéo dài, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ tuân thủ đúng hướng dẫn:

  • Kem hydrocortisone: Loại kem này có thể giảm ngứa và viêm.
  • Thuốc kháng histamine dạng bôi: Có thể giúp giảm ngứa nhẹ.

Khi trẻ bị muỗi đốt sưng cứng cha mẹ có thể cân nhắc dùng thuốc bôi ngoài da nếu cần theo chỉ định của bác sĩ

- Theo dõi sát tình trạng của trẻ: Cha mẹ nên để ý xem vết đốt có lan rộng, tấy đỏ nhiều, hay có xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, nổi mẩn khắp người, mệt mỏi hoặc khó thở hay không. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

3. Những sai lầm cần tránh tuyệt đối khi trẻ bị muỗi đốt

Khi trẻ bị muỗi đốt, việc xử lý không đúng cách có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những điều cha mẹ nên tránh để bảo vệ làn da non nớt của trẻ:

- Không để trẻ gãi vào vết muỗi đốt: Hành động tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc gãi có thể làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Cha mẹ nên cắt ngắn móng tay cho bé và nếu cần có thể đeo bao tay mềm cho trẻ để giảm thiểu nguy cơ trẻ tự làm tổn thương da.

Không để trẻ gãi vết muỗi đốt vì có thể làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng

- Không tự ý bôi thuốc không rõ nguồn gốc: Nhiều loại thuốc hoặc mẹo dân gian được truyền tai có thể gây kích ứng da, thậm chí khiến tình trạng viêm sưng nặng hơn. Tốt nhất, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định an toàn.

- Không chườm nóng lên vùng bị đốt: Việc chườm nóng có thể làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu đến vùng bị muỗi đốt, khiến chỗ sưng thêm tấy đỏ và đau rát.

Trong phần lớn trường hợp, vết muỗi đốt gây sưng cứng ở trẻ thường tự khỏi sau vài ngày chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan nếu trẻ bị muỗi đốt sưng cứng có các biểu hiện bất thường như vùng sưng lan nhanh, vết đốt sưng to kèm đau nhức, chảy mủ, sốt cao trên 38,5°C, phát ban khắp người, khó thở, thở khò khè, sưng môi hoặc mặt, hoặc trẻ trở nên quấy khóc, bỏ bú, lừ đừ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng.

Nếu bạn còn băn khoăn hoặc muốn được bác sĩ chuyên khoa tư vấn trực tiếp về tình trạng của trẻ, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời và chính xác nhất.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.