Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và một số lưu ý khi chăm sóc trẻ

Ngày 09/06/2023
Trẻ nhỏ và cả người lớn đều có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở đối tượng trẻ nhỏ tiêu chảy có thể khiến trẻ sụt cân nhanh chóng, kèm theo đó là biểu hiện chán ăn, mất nước và suy dinh dưỡng. Vậy trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy?

1. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán ăn, dẫn tới sụt cân và nhiều vấn đề khác về sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu cha mẹ đang băn khoăn trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì thì danh sách các loại thực phẩm sau đây là gợi ý hoàn hảo dành cho trẻ:

1.1. Củ gừng

Gừng không chỉ phát huy công dụng trong việc cải thiện hương vị của món ăn mà còn giúp hạn chế triệu chứng đầy hơi, giảm nhu động ruột và các biểu hiện như buồn nôn khi trẻ bị tiêu chảy.

Cha mẹ có thể chuẩn bị một củ gừng, đem rửa sạch, gọt vỏ, sau đó là thái lát mỏng và ngâm với nước ấm để trẻ uống. Sử dụng nước gừng sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều.

1.2. Ăn súp gà hoặc cháo gà

Cháo gà hay súp gà được chế biến mềm, loãng sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn. Đồng thời lượng nước có trong cháo và súp có tác dụng bù nước, đem lại năng lượng cho trẻ, đẩy lùi được các triệu chứng khó chịu của tiêu chảy.

Nên cho trẻ ăn món sup để dễ tiêu hóa

1.3. Bánh mì

Bánh mì trắng sẽ giúp thẩm thấu nước trong ruột của trẻ, giúp trẻ dự trữ năng lượng nhưng không gây đầy bụng. Việc hấp thu nước lúc này sẽ giúp giảm lượng nước trong phân, hạn chế số lần đi tiêu.

Để giúp món bánh mì trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn, cha mẹ có thể phết thêm một chút bơ vào bánh, nhờ đó khi ăn bé sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.

1.4. Khoai tây

Tinh bột, chất xơ hòa tan và lượng lớn kali chứa trong khoai tây có tác dụng hỗ trợ chức năng hệ tiêu hóa, cải thiện tình trạng tiêu chảy. các bậc phụ huynh nên chế biến khoai tây theo các công thức khác nhau như khoai tây hầm, súp khoai tây,... tránh chế biến theo kiểu khoai tây chiên nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ trong lúc này.

1.5. Các loại thịt

Thịt chính là nguồn thực phẩm cung cấp cho chúng ta một lượng protein dồi dào giúp cân bằng chất dinh dưỡng và giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn. Do đó nếu thấy trẻ đang có dấu hiệu bị tiêu chảy, cha mẹ hãy chú ý đến thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung các loại thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá,... Mẹ nên chế biến theo kiểu hấp, luộc hay ninh nhừ thay vì chiên rán. Bởi vì tương tự như khoai tây rán, dầu mỡ có trong món ăn sẽ càng khiến triệu chứng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.

1.6. Quả chuối

Chuối cũng là một nguồn thực phẩm cung cấp nhiều kali giúp bù đắp điện giải cho cơ thể - số điện giải đã bị hao hụt rất nhiều khi trẻ bị tiêu chảy. Ngoài ra, một dạng chất xơ hòa tan gọi là pectin trong chuối còn có khả năng thúc đẩy sự hấp thụ chất lỏng dư thừa được sản sinh ra trong ruột non. Mặt khác, chất xơ inulin do chuối tiết ra cũng đóng vai trò là công cụ hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn trong ruột.

Chuối và bánh mì là hai món phụ huynh nên cho trẻ ăn khi bị tiêu chảy

1.7. Quả táo

Một trong những loại trái cây chứa rất nhiều chất xơ phải kể đến đó là quả táo. Nếu bạn đang phân vân về việc trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì thì táo là một lựa chọn hợp lý. Chất xơ pectin do táo cung cấp cũng có tác dụng tương tự như chuối giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Tuy nhiên hãy lựa chọn táo chín cho trẻ ăn.

1.8. Sữa chua

Trong sữa chua có rất nhiều lợi khuẩn. Khi ăn sữa chua sẽ giúp lấy lại thế cân bằng giữa hại khuẩn và lợi khuẩn trong đường ruột ở những trẻ bị tiêu chảy. Từ đó trẻ sẽ giảm bớt được các triệu chứng khó chịu do tình trạng này gây ra.

Sữa chua sẽ giúp gia tăng lợi khuẩn trong ruột cho bé

2. Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cha mẹ cần lưu ý điều gì?

Ngoài việc quyết định xem trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý những điều dưới đây trong quá trình chăm sóc trẻ:

2.1. Cho trẻ uống đủ nước

Tiêu chảy sẽ khiến cơ thể trẻ bị mất nước và nhiều chất điện giải như magie, kali, natri và canxi. Nếu không được bù đắp đúng cách, kịp thời thì mất điện giải sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó nếu trẻ bị tiêu chảy thì các bậc phụ huynh hãy chú ý cho trẻ uống đủ nước hoặc các dung dịch điện giải như oresol theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.

2.2. Bổ sung men vi sinh

Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Việt Nam, để điều trị tiêu chảy thì cha mẹ có thể cho trẻ dùng khoảng 200 - 250mg men vi sinh. Đây là cách giúp hệ tiêu hóa của trẻ có thêm một lượng lớn lợi khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và giúp trẻ ăn ngon miệng, dễ hấp thu hơn.

2.3. Không được tự ý dùng thuốc tiêu chảy hay kháng sinh cho trẻ

Thuốc kháng sinh thường sẽ được chỉ định trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn. Còn thuốc tiêu chảy có khả năng gây phản ứng phụ là ngăn cản quá trình đào thải độc tố của cơ thể. Nếu tự ý dùng thuốc bừa bãi sẽ gây nguy hiểm đến trẻ, nguy cơ biến chứng, nhờn thuốc là rất cao. Do đó việc sử dụng các loại thuốc này cần có chỉ định cũng như hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.

1.4. Thường xuyên kiểm tra phân của trẻ

Đặc điểm phân của những trẻ bị tiêu chảy đó là lỏng như nước, phân có mùi khó chịu. Tuy nhiên nếu phân có lẫn máu, phân chuyển thành màu đen, trẻ tiêu chảy kéo dài không đỡ, sốt cao trên 39 độ C, mất nước (khóc không ra nước mắt, trong vòng 3 tiếng không đi tiểu, môi khô,...) thì cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay.

Cha mẹ hãy theo dõi chất lượng phân của trẻ trong quá trình điều trị tiêu chảy

1.5. Theo dõi các biểu hiện của trẻ

Cha mẹ cần phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ khi bị tiêu chảy, bao gồm các lưu ý về tần suất đi ngoài, chất lượng và màu sắc của phân, các phản ứng khác,... Ngoài ra hãy ghi chép lại thực đơn ăn uống hàng ngày của bé để trong trường hợp trẻ cần được đưa đi viện thì có thông tin cần thiết cung cấp cho bác sĩ. Dựa vào đó bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất.

Nếu bạn cần được tư vấn thêm về kinh nghiệm điều trị tình trạng tiêu chảy của trẻ, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được hỗ trợ đặt lịch khám cùng chuyên gia.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.