Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ sơ sinh trớ ra nước trong là hiện tượng gì? Có nguy hiểm không?
- 06/05/2023 | Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày?
- 31/08/2023 | Trẻ sơ sinh hay bị trớ là do đâu, khắc phục bằng cách nào?
- 11/03/2025 | Gợi ý 3 mẹo dân gian chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh dễ thực hiện tại nhà
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh trớ ra nước trong
trẻ sơ sinh trớ ra nước trong là một hiện tượng khá phổ biến và thường không đáng lo ngại. Nước trong này có thể là nước bọt, sữa mẹ hoặc sữa công thức đã được tiêu hóa một phần
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh trớ ra nước trong, bao gồm:
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Ở trẻ dưới 1 tuổi, cơ thắt tâm vị (cơ vòng giữa thực quản và dạ dày) còn yếu, dạ dày nằm ngang và dung tích nhỏ. Điều này khiến sữa dễ dàng bị đẩy ngược lên thực quản và trào ra ngoài. Nếu trẻ vừa bú xong, dịch trớ thường có màu trắng của sữa, còn khi đói, dịch trớ có thể là nước trong do sữa đã được tiêu hóa một phần;
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ sơ sinh trớ ra nước trong
- Mọc răng: Trong giai đoạn mọc răng (thường từ 4-7 tháng tuổi), trẻ có thể tiết nhiều nước bọt hơn để làm dịu nướu. Do chưa nuốt kịp, lượng nước bọt dư thừa có thể trào ra ngoài;
- Ốm: Khi trẻ bị ốm, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, trẻ có thể nuốt phải chất nhầy từ mũi họng xuống bụng. Chất nhầy này có thể kích thích cổ họng gây trớ. Khi trẻ nôn do ốm, dịch trớ có thể là nước trong hoặc lẫn chất nhầy;
- Bé bú quá no hoặc nuốt nhiều hơi khi bú: Khi bé bú quá nhanh, bú quá nhiều hoặc nuốt phải không khí trong lúc bú, áp lực trong dạ dày tăng lên, khiến bé dễ bị trớ ra nước trong;
- Tư thế bú và sau bú không đúng: Cho trẻ nằm ngay sau khi bú hoặc bú ở tư thế không thoải mái có thể khiến trẻ bị nôn trớ;
- Hẹp môn vị: Hẹp môn vị là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi khe môn vị của trẻ bị thu hẹp, khiến cho thức ăn và sữa từ dạ dày không thể đi xuống ruột non một cách bình thường, gây ra hiện tượng nôn trớ liên tục ở trẻ.
2. Trẻ sơ sinh trớ ra nước trong có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh trớ ra nước trong có nguy hiểm không? Là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều phụ huynh.
Trong những năm tháng đầu đời, hầu hết trẻ sơ sinh đều gặp phải tình trạng trớ ra nước trong. Đây là phản ứng sinh lý hoàn toàn bình thường và thường không gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ. Nước trong mà trẻ trớ ra có thể là là nước bọt, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu trẻ trớ ra nước trong mà vẫn khỏe mạnh, bú tốt và tăng cân đều đặn thì mẹ không cần quá phải quá lo lắng, vì đây chỉ là do thay đổi sinh lý trong quá trình phát triển của trẻ. Ngay cả khi bé ọc ra sữa màu trắng đục, vón cục hoặc nôn mạnh ra dịch nhầy màu trắng thì vẫn là biểu hiện bình thường, cụ thể:
- Nếu chất lỏng có màu trắng sữa, đó chỉ là sữa trộn với nước bọt;
- Nếu có cặn sữa vón cục, đó là dấu hiệu sữa đã bắt đầu bị axit dạ dày tiêu hóa;
- Nếu trẻ nôn ra một khối trắng lớn, đây là kết quả của phản xạ nôn mạnh.
Tình trạng trẻ sơ sinh trớ ra nước trong không gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng
Tuy nhiên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ trớ ra nước trong kèm theo các biểu hiện bất thường như quấy khóc nhiều, bỏ bú, sốt cao, mệt mỏi, tiêu chảy, nôn trớ ra chất dịch có màu lạ như vàng, xanh lá, đỏ hoặc hồng,... Khi đó, rất có thể bé đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời.
3. Cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh trớ ra nước trong
Dưới đây là các biện pháp mà mẹ nên áp dụng để ngăn ngừa tình trạng trẻ trớ ra nước trong từ ngay những năm tháng đầu đời:
Trong khi cho bé bú
- Giữ bé ở tư thế đúng: Khi cho trẻ bú bình hoặc bú mẹ, hãy đảm bảo đầu trẻ cao hơn bụng. Bạn có thể dùng gối hoặc bế bé sao cho trẻ ở tư thế nghiêng khoảng 30-45 độ. Tư thế này giúp sữa xuống dạ dày dễ dàng hơn và hạn chế trào ngược;
Cho bé bú ở tư thế đúng để giảm tình trạng trớ
- Cho trẻ bú từ từ: Nếu trẻ bú quá nhanh, bé có thể nuốt nhiều không khí vào bụng, dẫn đến trớ. Đối với trẻ bú bình, hãy kiểm tra xem lỗ núm vú có kích thước phù hợp không để phòng sữa chảy xuống quá nhanh;
- Chia nhỏ cữ bú: Thay vì cho bé bú một lượng lớn trong một lần, hãy chia thành nhiều cữ nhỏ hơn và cho trẻ bú thường xuyên hơn;
- Tránh để trẻ khóc trước khi bú: Khi trẻ khóc, có thể nuốt nhiều không khí dẫn tới nôn trớ.
Sau khi cho bé bú
- Vỗ ợ hơi cho bé: Đây là một bước rất quan trọng để giúp bé đẩy không khí thừa ra khỏi dạ dày. Bạn có thể vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi lần bú hoặc giữa các cữ bú nếu bé bú nhiều;
- Giữ bé ở tư thế thẳng lưng sau khi bú: Sau khi bú xong, hãy giữ bé ở tư thế thẳng lưng khoảng 20-30 phút. Tránh đặt bé nằm ngay lập tức hoặc rung lắc bé mạnh. Bạn có thể bế bé trên vai hoặc cho bé ngồi tựa vào lòng bạn;
- Tránh các hoạt động mạnh sau khi bú: Hạn chế cho bé chơi đùa hoặc vận động mạnh ngay sau khi bú.
Trên đây là thông tin về tình trạng trẻ sơ sinh trớ ra nước trong cha mẹ cần nắm bắt để có kế hoạch theo dõi và xử trí kịp thời trước những bất thường sức khỏe ở trẻ. Nếu cha mẹ có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe của trẻ, cha mẹ hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!