Các tin tức tại MEDlatec
Vì sao bị hạ kali máu và cách chữa trị hiệu quả
- 30/07/2022 | Làm cách nào để xử trí tăng kali máu?
- 28/04/2023 | Triệu chứng hạ kali máu và cách điều trị
- 27/04/2023 | Cơ thể thiếu kali ăn gì? Bổ sung như thế nào cho hợp lý?
- 23/05/2023 | 6 thực phẩm giàu kali không thể bỏ qua trong bữa ăn hàng ngày.
- 06/07/2024 | Điểm danh 8 tác dụng của Kali cho sức khỏe
1. Hạ kali máu do những nguyên nhân nào?
Ở người bình thường, nồng độ kali máu sẽ từ 3.5 - 5.2 mmol/ lít. Kali máu thấp hơn chỉ số tiêu chuẩn được gọi là hạ kali. Đặc biệt, những trường hợp nồng độ kali trong máu thấp hơn 2.5 mmol/l được đánh giá là nguy hiểm và người bệnh cần được điều trị cấp cứu.
Nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hạ kali trong máu và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Bài xuất qua thận quá mức hoặc do bệnh lý thận như bệnh thận kẽ, nhiễm toan do ống thận, bệnh mạch thận,…
- Mất kali qua dạ dày và ruột do tiêu chảy, nôn nhiều, phẫu thuật cắt ruột non,…
Nôn nhiều gây hạ kali máu
- Ảnh hưởng của thuốc: Sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây giảm nồng độ kali trong máu như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị hen suyễn, kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosides, thuốc chống nấm amphotericin B,…
- Các nguyên nhân khác như cường aldosteron, hội chứng cushing, tăng sản thượng thận bẩm sinh, nhiễm toan ceton do tiểu đường điều trị bằng insulin, cường giáp,...
2. Triệu chứng hạ kali máu
Nếu nồng độ kali thấp, các tế bào thần kinh sẽ không thể phân tái tạo và giải phóng năng lượng liên tục. Tình trạng hạ kali máu thường gây ra những triệu chứng bất thường về tim mạch và thần kinh cơ. Dưới đây là một số triệu chứng cụ thể của bệnh:
- Yếu và đau cơ.
- Chuột rút.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Táo bón.
- Một số bất thường về tim mạch: Thường xuyên bị hồi hộp quá mức, mạch nảy, tụt huyết áp. Những trường hợp hạ kali quá thấp có thể thấy đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh. Những trường hợp này không được xử trí kịp thời có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
3. Hạ kali máu có nguy hiểm không?
Hạ kali máu cần được nhận biết sớm và điều trị đúng phương pháp. Những bệnh nhân không được điều trị sớm có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Giảm khả năng co bóp của cơ tim. Nhịp tim của người bệnh có thể chậm lại hoặc nhịp tim nhanh xoắn đỉnh. Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí người bệnh có thể bị ngừng tim.
Hạ kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim
- Suy hô hấp: Ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
- Nguy cơ tử vong: Những trường hợp ngừng tuần hoàn nhưng không phát hiện nguyên nhân là do kali máu và không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể khiến người bệnh tử vong.
4. Điều trị hạ kali máu
Hạ kali máu là vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ gây tử vong. Chính vì thế, việc phát hiện sớm bệnh và nhanh chóng điều trị cho người bệnh là yếu tố rất quan trọng để giúp cải thiện triệu chứng và bảo vệ tính mạng của người bệnh. Dưới đây là những phương pháp chữa bệnh thường được áp dụng:
4.1. Liệu pháp thay thế kali
Dựa vào mức độ triệu chứng bệnh và kết quả chỉ số xét nghiệm, bác sĩ sẽ phân loại và thực hiện liệu pháp thay thế kali phù hợp giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe.
- Trường hợp người bệnh bị hạ kali máu ở mức độ nhẹ, đồng thời cơ thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng không quá nghiêm trọng: Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân uống kali dưới dạng viên hay dạng lỏng. Phương pháp này dễ thực hiện, không gây tốn kém, ít nguy cơ rủi ro vì kiểm soát được lượng kali đưa vào cơ thể và thuốc cũng dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bổ sung liều lượng quá cao có thể gây kích ứng dạ dày và khiến người bệnh bị nôn trong quá trình điều trị.
Dùng viên uống bổ sung kali là biện pháp được áp dụng khi hạ kali máu mức độ nhẹ
- Hạ kali máu mức độ nặng: Khi người bệnh bị hạ kali máu mức độ nặng với những biểu hiện nghiêm trọng, đặc biệt là loạn nhịp tim thì người bệnh cần được truyền kali tĩnh mạch. Liều lượng, tốc độ truyền sẽ được bác sĩ sẽ đánh giá và lựa chọn phác đồ phù hợp.
4.2. Điều trị nguyên nhân gây ra hạ kali máu
Khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo nguyên nhân, cụ thể như sau:
- Nếu nguyên nhân do dùng thuốc: Ngưng dùng những loại thuốc làm giảm nồng độ kali trong máu.
- Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ chế độ ăn uống: Bệnh nhân nên thường xuyên bổ sung vào thực đơn những loại thực phẩm giàu kali như cam, chuối và quả cà chua,...
- Nếu nguyên nhân là do những bất thường về chuyển hóa: Bệnh nhân cần thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
5. Phòng ngừa hạ kali máu
Để phòng tránh nguy cơ giảm kali máu, người bệnh cần áp dụng một số cách sau:
- Nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đa dạng thực phẩm giàu kali và đặc biệt không nên sử dụng bia rượu.
- Không nên lao động quá sức để tránh tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều, làm giảm nồng độ kali trong máu.
- Không nên tự ý sử dụng hay tăng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hay một số loại thảo dược,.... để tránh làm giảm nồng độ kali trong máu.
- Chỉ sử dụng thuốc sau khi bác sĩ đã hướng dẫn chi tiết. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi và dự phòng kali máu để kịp thời xử trí nếu bệnh nhân có vấn đề bất thường.
- Những trường hợp tiểu nhiều, tiêu chảy,... do thuốc lợi tiểu thì cần bù lại lượng kali đã mất đi.
Người bệnh nên đi khám ngay khi cơ thể có biểu hiện nghi ngờ bị hạ kali máu
Như vậy, hạ kali máu do nhiều nguyên nhân gây ra và rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và áp dụng điều trị bằng những phương pháp phù hợp. Chính vì thế, việc thăm khám kịp thời là yếu tố rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
Nếu có những triệu chứng nghi ngờ bị hạ kali máu hoặc có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này và có nhu cầu đặt lịch khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ tư vấn viên của MEDLATEC hướng dẫn cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!