Các tin tức tại MEDlatec
Vì sao tỷ lệ bệnh thiếu máu não ở người trẻ lại có xu hướng tăng?
- 12/01/2021 | Cảnh báo nguy cơ đột quỵ nhồi máu não từ triệu chứng bất thường khi ngủ dậy
- 29/10/2020 | Chụp CT mạch máu não được bác sĩ chỉ định khi nào?
- 14/10/2020 | Nhồi máu não: bệnh tai biến mạch máu não nguy hiểm ai cũng cần biết
1. Tại sao bệnh thiếu máu não ở người trẻ đang gia tăng?
Trước hết cần biết rằng, sở dĩ căn bệnh thiếu máu não được gọi là căn bệnh tuổi già bởi thời gian khiến thành mạch suy yếu dần, cùng các căn bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ hẹp mạch máu như: thoái hóa cột sống cổ, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch,…
Ngày càng nhiều người trẻ bị thiếu máu não
Tuy nhiên, thiếu máu não xuất hiện ngày càng nhiều ở những người trẻ và tỉ lệ tử vong do thiếu máu não ở đối tượng này cũng không hề thấp. Khác với bệnh ở người già, thiếu máu não ở người trẻ có biểu hiện thường mờ nhạt hơn, khó nhận biết hơn nên dễ bị bỏ qua. Vì thế bệnh dễ tiến triển âm thầm, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, tai biến mạch máu não,…
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bệnh thiếu máu não ở người trẻ ngày một gia tăng, bao gồm lối sống lười vận động, thiếu khoa học như thức khuya, ăn nhiều thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia và chất kích thích, giờ giấc nghỉ ngơi sinh hoạt không điều độ hoặc căng thẳng tinh thần, stress.
Lối sống thiếu lành mạnh là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị thiếu máu não
Cụ thể tác động của các yếu tố này tác động xấu gây thiếu máu não như sau:
Kích thích sản sinh gốc tự do
Càng nhiều gốc tự do trong cơ thể thì nguy cơ bệnh tật càng cao do các gốc tự do có năng lượng cao, dễ hoạt động gây tổn thương cấu trúc thành mạch máu. Lâu dài sẽ làm hạn chế dòng máu lưu thông lên não và gây ra thiếu máu não.
Ngoài thiếu máu não, việc tăng sản sinh gốc tự do còn gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe khác, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch, huyết áp, ung thư,…
Mạch máu co thắt bất thường
Ô nhiễm môi trường với khói bụi và hóa chất độc hại, kết hợp với áp lực tinh thần là nguyên nhân khiến tim mạch co thắt bất thường. Vấn đề này càng nguy hiểm hơn ở những người dị dạng mạch máu bẩm sinh, khiến cấu trúc mạch máu dễ bị thoái hóa dẫn đến những bệnh lý như: hẹp mạch máu, xơ vữa mạch máu, phình mạch máu,…
Suy giảm chức năng tim
Tim có vai trò quan trọng trong hệ thống tuần hoàn máu bởi cơ quan này co bóp đều đặn để tạo áp lực vận chuyển máu theo mạch máu đi nuôi toàn cơ thể. Chức năng tim suy giảm là yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu máu não, đặc biệt thường gặp ở những người mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao,…
Nhiều người trẻ chủ quan với bệnh thiếu máu não
Ngoài tỉ lệ mắc thiếu máu não ở người trẻ ngày càng cao thì tỉ lệ biến chứng và tử vong ở đối tượng này cũng tăng dần, mặc dù khả năng phục hồi của người trẻ tốt hơn người già do các mạch máu chưa bị lão hóa nhiều. Nguyên nhân là do tâm lý chủ quan khi thấy có dấu hiệu bất thường, khiến bệnh không được phát hiện và điều trị sớm. Hơn nữa, triệu chứng thiếu máu não ở người trẻ thường chỉ thoáng qua, biến mất trong vòng 24 giờ nên ít người chú ý đến.
2. Thiếu máu não ở người trẻ có nguy hiểm không?
Nhiều người cho rằng thiếu máu não ở người trẻ dễ điều trị và ít biến chứng hơn, điều này chỉ đúng khi bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Nếu chủ quan mà bỏ qua thời điểm điều trị bệnh tốt nhất, đó là những cơn thiếu máu não thoáng qua với triệu chứng không rõ ràng thì bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng nề hơn.
Triệu chứng bệnh lúc này cũng nặng nề hơn như: liệt tay chân một bên người hoặc cả hai bên, tê yếu cơ thể, tê nửa người, méo miệng, khó nói chuyện, dị dạng 1 bên mặt,…
Một số biến chứng có thể gặp khác gồm:
Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng để cơ thể và tinh thần được phục hồi sau một ngày dài làm việc, tuy nhiên thiếu máu não thường khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ. Tình trạng có thể xảy ra là mất ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc, hay giật mình, mơ ác mộng,…
Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng thường gặp ở bệnh thiếu máu não
Rối loạn giấc ngủ khiến tinh thần người bệnh không tỉnh táo, dễ buồn ngủ, mơ màng vào ban ngày, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Rối loạn tính cách
Người bệnh thiếu máu não thường dễ bị kích động, phản ứng quá mức hơn với các kích thích từ môi trường (tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm,…) hoặc các vấn đề trong cuộc sống hay công việc.
Suy giảm chức năng não
Thiếu máu não khiến các tế bào thần kinh không thể thực hiện tốt chức năng của mình, vì thế mà các hoạt động não bộ cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh dễ bị đau đầu khi phải suy nghĩ, làm việc đòi hỏi tư duy như tính toán, đọc sách,… Điều này khiến cho kết quả học tập, công việc đều bị ảnh hưởng.
Suy giảm trí nhớ
Tình trạng mất trí nhớ thường xảy ra ở người bệnh thiếu máu não, bệnh càng nặng thì người bệnh càng hay quên, kể cả với mọi người xung quanh lẫn sự việc mới xảy ra.
Đột quỵ
Nếu chứng hẹp mạch máu kết hợp với cục máu đông hình thành thì nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não rất cao dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ khiến các tế bào não chết dần, nếu không can thiệp cấp cứu sớm thì bệnh nhân có thể tử vong. Nhiều trường hợp đột quỵ được cấp cứu nhưng vẫn phải chịu những di chứng nặng nề như: mất khả năng nhận thức, giao tiếp, đi lại,…
Tình trạng chèn ép hoặc xơ vữa hoàn toàn có thể gây suy yếu mạch máu não, nguy cơ vỡ và xuất huyết ra khoang sọ. Xuất huyết não xảy ra làm tăng áp lực máu lên khoang sọ, người bệnh có thể bị mất ý thức và chức năng não.
Xuất huyết não có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời
Rất nhiều người trẻ bị xuất huyết não tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Các trường hợp cấp cứu cứu sống được bệnh nhân nhưng tổn thương não vĩnh viễn không thể phục hồi.
Như vậy, bất cứ ai cũng có nguy cơ bị thiếu máu não, kể cả người trẻ. Để phòng ngừa bệnh thiếu máu não ở người trẻ, nên chủ động phòng ngừa bằng cách cải thiện lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập thể thao khoa học, lành mạnh. Ngoài ra, cần thăm khám sức khỏe tim mạch nói chung và sức khỏe cơ thể chung thường xuyên để sàng lọc, ngăn ngừa sớm nguy cơ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!