Các tin tức tại MEDlatec

Viêm bao hoạt dịch cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán

Ngày 10/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Viêm bao hoạt dịch cổ tay dễ gặp ở người cần làm việc nhiều bằng tay như: nhân viên văn phòng, vận động viên, người lao động tay chân,... Bệnh lý này gây ra đau nhức và hạn chế cử động cổ tay, trở thành rào cản cho cuộc sống và công việc của bệnh nhân. Chi tiết nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán viêm bao hoạt dịch cổ tay sẽ được MEDLATEC đề cập trong chia sẻ dưới đây.

1. Về khái niệm viêm bao hoạt dịch cổ tay

Bao hoạt dịch là một túi nhỏ chứa dịch nhầy nằm xung quanh các khớp, giúp giảm ma sát và bảo vệ các cấu trúc xung quanh. Ở cổ tay, bao hoạt dịch có vai trò hỗ trợ chuyển động linh hoạt và giảm căng thẳng cho khớp.

Viêm bao hoạt dịch cổ tay xảy ra khi lớp bao hoạt dịch bị kích ứng hoặc viêm gây sưng, đau và giảm khả năng vận động cổ tay.

Cổ tay người bệnh bị sưng đỏ, đau do viêm bao hoạt dịch cổ tay

2. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng của bệnh viêm bao hoạt dịch cổ tay

2.1. Nguyên nhân gây nên viêm bao hoạt dịch cổ tay

2.1.1. Chấn thương thường xuyên lặp lại

Hoạt động tay quá sức thường dẫn đến các chấn thương tái diễn nhiều lần, điển hình là các trường hợp:

- Gõ bàn phím, sử dụng chuột.

- Cầm nắm công cụ nặng (búa, kìm).

- Vận động thể thao (đánh golf, tennis).

Khi cổ tay phải vận động liên tục, áp lực sẽ dồn lên bao hoạt dịch, gây tổn thương và viêm

Ngoài ra, va đập mạnh vào cổ tay hoặc tổn thương trong tai nạn làm tổn thương bao hoạt dịch cổ tay cũng có thể gây viêm. 

2.1.2. Nhiễm trùng

Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào bao hoạt dịch trong các trường hợp sau rất dễ dẫn đến nhiễm trùng:

- Vết cắt hoặc trầy xước không được xử lý sạch sẽ.

- Một số bệnh nhiễm trùng trong cơ thể như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,...có thể lan đến bao hoạt dịch qua đường máu.

2.1.3. Bệnh mạn tính

- Viêm khớp dạng thấp: Hệ miễn dịch tấn công các mô của cơ thể trong đó có bao hoạt dịch gây ra tình trạng viêm kéo dài.

- Gout: Các tinh thể axit uric tích tụ, gây kích ứng và viêm bao hoạt dịch cổ tay.

- Lupus ban đỏ hệ thống: Có thể ảnh hưởng đến bao hoạt dịch ở cổ tay và gây viêm mạn tính.

Mặc bệnh Gout làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch cổ tay

2.1.4. Thoái hóa bao hoạt dịch

Tuổi tác và sử dụng cổ tay trong thời gian dài có thể làm bao hoạt dịch bị thoái hóa. Khi lớp dịch nhầy trong bao hoạt dịch giảm đi hoặc bị kém chất lượng, ma sát giữa các cấu trúc khớp tăng lên, gây viêm bao hoạt dịch.

2.2. Triệu chứng của bệnh viêm bao hoạt dịch cổ tay

Viêm bao hoạt dịch cổ tay thường biểu hiện qua một số triệu chứng rõ rệt sau:

- Cổ tay đau nhức. Đau có thể âm ỉ hoặc tăng mạnh khi cử động, đặc biệt khi thực hiện các động tác gập, duỗi hoặc xoay cổ tay.

- Vùng cổ tay bị viêm sưng rõ rệt. Da xung quanh cổ tay đỏ, căng bóng và có cảm giác ấm khi chạm vào.

- Cứng khớp cổ tay gây khó khăn khi cử động, nhất là vào buổi sáng hoặc sau thời gian nghỉ ngơi dài.

- Khó thực hiện thao tác cầm nắm, xoay cổ tay nên dễ mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.

- Di chuyển cổ tay nghe thấy tiếng kêu lộc cộc hoặc cảm giác ma sát do viêm ảnh hưởng đến bao hoạt dịch.

3. Phương pháp nào giúp chẩn đoán đúng viêm bao hoạt dịch cổ tay?

Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch cổ tay là bước quan trọng để xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Quy trình chẩn đoán thường gồm:

3.1. Khám lâm sàng

Nếu có các triệu chứng sau, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế kiểm tra để chẩn đoán đúng viêm bao hoạt dịch cổ tay:

- Cơn đau ở cổ tay không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.

- Cổ tay sưng tấy nghiêm trọng hoặc mất cảm giác.

- Có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, vùng viêm nóng và đỏ.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra hoạt động cổ tay và các triệu chứng liên quan như: sưng, đỏ, tăng nhiệt độ da, giảm linh hoạt cử động cổ tay,... Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được hỏi về triệu chứng đang xảy ra, thói quen sử dụng tay, tiền sử chấn thương hoặc mắc bệnh nền,.. 

3.2. Kiểm tra cận lâm sàng

- Chụp X-Quang

X-Quang giúp loại trừ các nguyên nhân khác như gãy xương hoặc thoái hóa khớp. Dù không thấy rõ bao hoạt dịch, X-Quang vẫn cung cấp thông tin về cấu trúc xương và các bất thường liên quan.

- Siêu âm khớp

Siêu âm là phương pháp an toàn và hiệu quả để kiểm tra tình trạng viêm bao hoạt dịch. Phương pháp này giúp phát hiện dịch viêm, sưng hoặc tổn thương trong bao hoạt dịch.

- Chụp MRI

Trong các trường hợp phức tạp, chụp cộng MRI có thể được sử dụng để nhìn rõ các mô mềm như bao hoạt dịch, dây chằng và gân. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi cần xác định mức độ viêm hoặc tổn thương.

- Chọc hút bao hoạt dịch

Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng hoặc gout, bác sĩ có thể thực hiện chọc hút dịch từ bao hoạt dịch để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, tinh thể axit uric hoặc tế bào viêm.

Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám để chẩn đoán đúng viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch cổ tay dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như hội chứng ống cổ tay, viêm gân hoặc viêm khớp dạng thấp. Do đó, bác sĩ cần phân tích kỹ các triệu chứng và dựa vào kết quả kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Viêm bao hoạt dịch cổ tay gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Để tránh suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động tay, ngay khi nghi ngờ dấu hiệu bệnh, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng. Chẩn đoán kịp thời không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn ngăn ngừa biến chứng lâu dài cho người bệnh.

Quý khách hàng cần thăm khám để được chẩn đoán đúng viêm bao hoạt dịch cổ tay có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.