Tin tức
Ăn xong đau bụng là dấu hiệu của bệnh gì và cách cải thiện
- 05/12/2022 | Đau bụng sau sinh do đâu và cách khắc phục
- 20/10/2022 | Các tư thế giảm đau bụng kinh chị em không nên bỏ qua!
- 24/10/2022 | Tình trạng uống sữa bị đau bụng vì những nguyên nhân nào?
1. Nguyên nhân khiến bạn ăn xong đau bụng là do đâu?
Sau khi kết thúc một bữa ăn, bạn cảm thấy nhâm nhẩm đau bụng thì có thể tính đến khả năng là bạn đã ăn quá no nên hệ tiêu hóa có đôi chút quá tải. Hiện tượng này sẽ hết sau khi thức ăn của bạn đã được tiêu hóa bớt một phần.
Tuy nhiên đối với những trường hợp như bụng của bạn có triệu chứng đau, cụ thể là đau phần bụng dưới, cơn đau có thể mang tính chất âm ỉ hay quặn thắt, dữ dội. Ngoài ra bạn còn có các dấu hiệu bất thường khác như mệt mỏi, buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng, khó nuốt, đầy bụng, tiêu chảy và sốt nhẹ,... thì rất có thể bạn đã mắc phải một bệnh lý hay tình trạng cấp tính nào đó ở hệ tiêu hóa. Sau đây là các nguyên nhân cụ thể của trường hợp này:
1.1. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản là khi dịch vị của dạ dày bị trào ngược lên thực quản với các triệu chứng điển hình là ợ chua, ợ nóng, ăn xong đau bụng, đau khi nuốt do axit trong dịch vị dạ dày làm tổn thương niêm mạc thực quản.
1.2. Viêm loét dạ dày
Ăn xong đau bụng cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày. Vị trí cơn đau thường nằm ở vùng giữa rốn và xương ức, thậm chí không đợi đến khi ăn no dạ dày của bạn cũng có thể bị đau khi đói.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do sự phát triển của vi khuẩn HP trong đường ruột, bên cạnh đó căn bệnh này thường bắt nguồn từ thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn nhiều đồ chua, cay nóng), thói quen sinh hoạt không khoa học (bỏ bữa, ăn lệch bữa, thức khuya), do căng thẳng, stress quá mức,... Ngoài ra còn do tác dụng phụ khi dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen,... trong thời gian dài.
Ăn xong đau bụng có thể là do mắc phải một bệnh lý nào đó tại đường tiêu hóa
1.3. Viêm tụy
Bệnh nhân bị viêm tụy có thể gặp phải tình trạng đau bụng sau khi ăn. Cơn đau sẽ lan từ bụng trên ra sau lưng, kèm theo đó là cảm giác buồn nôn, thậm chí là nôn ói. Nguyên nhân gây viêm tụy có thể là do sỏi mật, di truyền, hút thuốc, uống rượu,...
1.4. Sỏi mật
Sỏi mật xuất hiện sẽ khiến bệnh nhân bị đau bụng, vị trí cơn đau là ở giữa hoặc ở vùng hạ sườn phải, sau đó lan lên vai phải hoặc lan ra sau lưng. Người bệnh sẽ đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, nôn và thường xảy ra nhất khi bệnh nhân vừa có một bữa ăn nhiều chất béo, thừa chất.
Đôi khi cơn đau do sỏi mật cũng có thể xuất hiện khi bụng đói, kèm theo đó là biểu hiện sốt.
1.5. Hội chứng ruột kích thích
Tình trạng ăn xong đau bụng thường xuyên diễn ra có thể được coi là đau bụng mạn tính thì khả năng cao là bạn đã bị mắc hội chứng ruột kích thích. Mỗi người có thể sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, điển hình là đầy hơi, co thắt ruột, táo bón, tiêu chảy. Đau bụng thường sẽ xảy ra ở khu vực quanh rốn và nhất là sau khi ăn.
1.6. Dị ứng hoặc bất dung nạp một loại thực phẩm nào đó
Các thức ăn có thể khiến cơ thể chúng ta bị dị ứng nhiều nhất đó là sữa và các chế phẩm từ sữa, hải sản, đậu phộng,... Ngoài ra bất dung nạp thực phẩm (một dạng dị ứng nhẹ hơn) cũng có thể khiến bụng bạn bị đau sau khi ăn/uống xong. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp gặp phải hiện tượng này, đó là hệ tiêu hóa khó hấp thu lactose và gluten dẫn đến việc sau khi ăn những thực phẩm chứa các chất này bạn có thể bị đau bụng và đi ngoài.
Ăn xong đau bụng có thể là do chính những thức ăn bạn vừa ăn xong
1.7. Ngộ độc thực phẩm
Ăn xong đau bụng, nôn mửa, nổi mẩn, sốt, tiêu chảy,... là các dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi vừa ăn xong hoặc cách thời điểm ăn uống là một vài giờ.
2. Làm thế nào để khắc phục tình trạng ăn xong đau bụng?
Nếu tình trạng đau bụng không tự hết sau một vài giờ, cơn đau bụng trở nên nghiêm trọng hơn và kèm theo những biểu hiện khác như vàng da, nôn nhiều, sốt, ớn lạnh,... thì bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán nguyên nhân.
Tại bệnh viện để xác định nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên, bác sĩ có thể cho bạn tiến hành các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp X-quang và siêu âm ổ bụng, nội soi dạ dày - đại tràng, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính,... Dựa vào nguyên do gây đau bụng, bác sĩ có thể sẽ kê đơn các loại thuốc phù hợp cho bạn hoặc chỉ định các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.
Ngoài ra, trước khi đi khám bạn nên áp dụng những biện pháp sau để cải thiện tình trạng này:
-
Chườm ấm;
-
Uống trà quế hoặc trà gừng;
-
Trước khi ăn hãy uống nước;
-
Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột bằng cách ăn sữa chua;
-
Khi cơn đau bụng ập tới, hãy nghỉ ngơi, không vận động mạnh. Bạn có thể ngồi tựa lưng vào gối và không nên nằm ngay sau khi ăn vì có thể khiến dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản;
-
Chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm thiểu áp lực cho hệ tiêu hóa;
-
Không sử dụng các loại đồ uống như cà phê, bia rượu, chè,...;
-
Tránh các loại thực phẩm dễ gây khó chịu và quá tải cho dạ dày.
Chườm ấm có thể giúp làm dịu cơn đau bụng
Như vậy tình trạng ăn xong đau bụng có thể là biểu hiện của thói quen ăn uống thiếu lành mạnh nhưng đôi khi đó lại là triệu chứng bệnh lý. Vì vậy bạn chớ nên coi thường hiện tượng này mà hãy theo dõi các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra sau khi ăn. Trong trường hợp đau bụng nghiêm trọng không thể cải thiện được, bạn nên đi khám và điều trị.
Nếu bạn chưa lựa chọn được địa chỉ thăm khám uy tín thì có thể đặt lịch khám ngay tại Chuyên khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!