Tin tức
Những điều nên biết về bệnh nấm phổi
Những điều cần biết về bệnh nấm phổi
Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp nhất ở người bị suy giảm miễn dịch, người già và người bị bệnh mạn tính. Mặc dù tỷ lệ người mắc phải bệnh lý này thấp nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh lại khá cao nên cần được phát hiện để điều trị ngay thì mới ngăn chặn được hệ lụy nguy hiểm này.
1. Nấm phổi là bệnh gì?
Nấm phổi là bệnh viêm phổi gây nên bởi vi nấm, phổ biến nhất là Histoplasma và Aspergillus. Các loại vi nấm gây bệnh phần lớn là ký sinh chờ cơ hội thuận lợi mới phát triển và gây bệnh. Những cơ hội đó có thể kể đến như: suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid trong thời gian dài, dùng kháng sinh thường xuyên,...
Nấm Aspergillus là tác nhân gây bệnh nấm phổi thường gặp nhất
2. Tính chất nguy hiểm của bệnh nấm phổi
Bệnh nấm phổi dễ nhầm lẫn triệu chứng với bệnh viêm phổi nên việc chẩn đoán tương đối khó khăn. Đây cũng là lý do khiến cho việc điều trị bệnh dễ bị sai hướng và khiến bệnh ngày càng tiến triển nghiêm trọng.
Không những thế, vi nấm gây bệnh nấm phổi có thể lây nhiễm nhanh. Chúng lây truyền qua không khí nên người bình thường khi hít phải bào tử nấm trong có trong không khí, chúng sẽ tấn công phổi và khi có điều kiện thuận lợi chúng sẽ gây nên bệnh nấm phổi. Người bị nấm phổi nếu không phát hiện để điều trị ngay có nguy cơ biến chứng nhanh và nguy hiểm nhất là dẫn đến tử vong.
3. Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh nấm phổi
3.1. Nguyên nhân gây nên bệnh nấm phổi
Nguyên nhân chính gây ra nấm phổi là các loại nấm Candida, Cryptococcus và Aspergillus. Bệnh lý này dễ gặp ở người bị suy giảm miễn dịch vì sức chống đỡ của cơ thể trước bệnh tật bị suy yếu, người bị rối loạn dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, mắc bệnh lý huyết học. Vi nấm có khả năng phát triển mạnh ở vùng bị tổn thương hoặc vùng bị hoại tử.
3.2. Dấu hiệu của bệnh nấm phổi
Các dấu hiệu nấm phổi lâm sàng chủ yếu gồm:
- Dấu hiệu toàn thân
Người bị bệnh nấm phổi sẽ có các dấu hiệu tương đối giống với bệnh lý đường hô hấp: khó thở, tức ngực, khạc ra đờm, ho,... Đặc biệt, hội chứng nhiễm trùng ở người bệnh khá rõ: sốt cao trên 39 độ C và có thể có dấu hiệu thần kinh như rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội,... tùy theo loại nấm mắc phải.
Sự khác biệt giữa phổi bình thường và phổi của người bị nấm phổi
- Dấu hiệu tại phổi
Do có nhiều loại nấm phổi khác nhau nên tùy vào loại vi nấm nhiễm phải mà mỗi bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu tại phổi khác nhau. Có trường hợp có dấu hiệu tương đối giống bệnh hen nhưng lại có trường hợp có dấu hiệu giống dị ứng. Người bị nấm phổi do Aspergillus sẽ có dấu hiệu co thắt phế quản. Người bị nấm phổi gây u nấm thì dễ bị ho ra máu.
- Trường hợp nhiễm nấm men Candida
Người bệnh có dấu hiệu tổn thương phế quản, họng, lưỡi, miệng,... khiến người bệnh khó nuốt, không ăn uống được. Trường hợp bệnh nặng gây nhiễm trùng toàn thân thì người bệnh sẽ thiếu máu và suy kiệt.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh nấm phổi
4.1. Chẩn đoán
Do triệu chứng bệnh nấm phổi tương đối giống với các bệnh lý đường hô hấp nên dễ gây nhầm lẫn. Thậm chí có trường hợp dù đã chụp X-quang và nhận thấy tổn thương phổi nhưng bác sĩ vẫn không thể chẩn đoán xác định được người bệnh có mắc nấm phổi không.
Để chẩn đoán xác định bệnh lý này thường cần kết hợp nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau như:
- Chụp X-quang phổi: đôi khi có thể tìm thấy u nấm.
- Xét nghiệm miễn dịch học: mục đích nhằm định lượng Precipitin trong máu, có thể xác định nấm phổi do Cryptococcus với độ đặc hiệu cao.
- Xét nghiệm tìm vi nấm.
- Chụp MRI ngực: phát hiện rõ tổn thương hang nấm hình lục lạc.
- Xét nghiệm vi sinh: soi hoặc cấy đờm để tìm kiếm vi nấm Aspergillus.
- Nội soi phế quản: tìm kiếm sự có mặt của tổn thương do vi nấm gây ra.
4.2. Điều trị
Tùy theo loại nấm mắc phải ở bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị bệnh nấm phổi phù hợp
Phương pháp điều trị bệnh nấm phổi sẽ được bác sĩ đưa ra dựa trên loại nấm mà người bệnh mắc phải:
- U nấm Aspergilloma: việc dùng thuốc kháng nấm rất ít tác dụng đối với bệnh lý này nên phương pháp điều trị thường được áp dụng là cắt bỏ một bên phổi hoặc hoàn toàn thùy phổi.
- Nấm phổi do Aspergillus gây dị ứng: chủ yếu điều trị bằng corticoid đường uống để giảm phản ứng viêm trong hai tuần đầu sau đó giảm liều dần và có thể kết hợp với thuốc Itraconazole.
- Nấm phổi do sự xâm nhập của Aspergillus: thường dùng thuốc kháng nấm như: Amphotericin B-Deoxycholate, Itraconazole,...
- Nấm phổi do vi nấm Candida: thường điều trị bằng thuốc kháng nấm Amphotericin B.
- Nấm phổi do vi nấm Cryptococcus:
+ Trường hợp bị nấm phổi Cryptococcus mức độ nặng nhưng không nhiễm HIV thì chủ yếu điều trị bằng thuốc Amphotericin B trong 4 tuần kết hợp với Flucytosin 100mg. Sau 4 tuần điều trị sẽ dùng Fluconazol 400 mg/ngày điều trị củng cố trong 8 tuần.
+ U nấm nhiều độc tính với Amphotericin B dạng tan trong nước sẽ được thay thế bằng Liposomal Amphotericin B kết hợp với Fluconazol 200 mg/ngày điều trị duy trì trong 6 tháng.
+ Trường hợp bị nấm phổi Cryptococcus mức độ nhẹ chủ yếu điều trị bằng thuốc Fluconazol liều 400mg/ngày duy trì trong 6 - 12 tháng.
Như đã nói ở trên, rất khó chẩn đoán bệnh nấm phổi nên khi có các dấu hiệu bất thường về hô hấp, tốt nhất người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tiến hành những kiểm tra cần thiết giúp chẩn đoán đúng bệnh lý này và điều trị ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nấm phổi, quý khách hàng có thể đến khám tại Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Dựa trên thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định các hình thức kiểm tra phù hợp để có được chẩn đoán xác định chính xác. Để thuận tiện cho việc thăm khám, quý khách có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!