Tin tức

Cách xử lý và phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ em theo lời khuyên của bác sĩ

Ngày 21/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 8 thường bị chảy máu cam. Ba mẹ không nên lo lắng với tình trạng này, thay vào đó là biết cách xử trí và chăm sóc bé sao cho tốt nhất. Dưới đây là 5 điều cần biết về chảy máu cam ở trẻ, bạn có thể tham khảo ngay sau đây.

1. Chảy máu cam là gì?

Chảy máu cam là hiện tượng có máu chảy ra từ đường mũi (nên còn gọi là chảy máu mũi). Máu có thể chảy ở 1 hoặc cả 2 bên mũi, nhưng chảy 1 bên mũi phổ biến hơn. Bên cạnh đó, chảy máu cam được chia thành 2 trường hợp:

  • Máu chảy ra ngoài lỗ mũi, gọi là chảy máu mũi trước. Trường hợp này rất phổ biến (chiếm tỷ lệ 90%) nhưng không nguy hiểm do máu chảy ít và dễ cầm máu. 
  • Máu chảy xuống họng, gọi là chảy máu mũi sau. Trường hợp này hiếm gặp, người bệnh sẽ nuốt hoặc khạc ra máu. Tình trạng chảy máu cam này không nên tự xử trí tại nhà, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị.

Chảy máu cam ở trẻ thường xảy ra 1 bên mũi, đa số là lành tính

Chảy máu cam ở trẻ thường xảy ra 1 bên mũi, đa số là lành tính

2. Chảy máu cam ở trẻ do đâu?

Thực tế, ai cũng có thể bị chảy máu cam, tuy nhiên, trẻ từ 3 - 8 tuổi là thường gặp nhất. Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ bao gồm:

Nguyên nhân xuất phát từ mũi

Chảy máu cam hay chảy máu mũi phần lớn do nguyên nhân xuất phát từ mũi, cụ thể như sau.

  • Trời nắng nóng làm các mao mạch ở mũi giãn nở quá mức, dẫn đến vỡ ra và gây chảy máu.
  • Trẻ có thói quen đưa tay chọc ngoáy mũi, gây tổn thương niêm mạc, mạch máu bên trong mũi.
  • Có dị vật mắc kẹt bên trong mũi và trẻ cố gắng tự lấy ra nhưng không được, làm mũi chảy máu.
  • Mũi bị chấn thương trong khi chơi đùa, tập luyện hoặc do tai nạn, té ngã,…
  • Lạm dụng thuốc xịt mũi cho trẻ khiến niêm mạc mũi khô, bong và chảy máu.

Nguyên nhân do bệnh lý ở mũi 

Các bệnh lý ở mũi cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ bị chảy máu cam, có thể kể đến như:

  • Cảm lạnh, viêm xoang làm mạch máu trong mũi sưng viêm. Khi trẻ hắt xì hay ngoáy mũi, mạch máu vỡ và máu chảy ra ngoài lỗ mũi.
  • Khối u mũi xoang chèn ép các mạch máu khiến mạch máu bị vỡ. Nguyên nhân này hiếm gặp nhưng không phải không có. 
  • Mũi bất thường về cấu trúc, thường gặp nhất là lệch hay thủng vách ngăn mũi, cản trở không khí đi vào trong mũi làm niêm mạc mũi khô, chảy máu.
  • Chảy máu mũi do biến chứng y khoa (vừa đặt ống thông mũi dạ dày hoặc vừa phẫu thuật ở mũi). 

Trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang có thể gặp hiện tượng chảy máu cam

Trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang có thể gặp hiện tượng chảy máu cam

Các nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân trên, chảy máu cam ở trẻ còn xảy ra khi trẻ bị sốt xuất huyết, sử dụng thuốc chống đông máu, tăng huyết áp, thiếu vitamin C,… Những nguyên nhân này được gọi là nguyên nhân toàn thân.

3. Làm gì khi trẻ bị chảy máu cam?

Đa số các trường hợp chảy máu cam ở trẻ là lành tính, không nguy hiểm. Quan trọng nhất là bạn biết cách xử trí để có thể cầm máu nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Bước 1

Trấn tĩnh trẻ để trẻ bớt hoảng sợ khi thấy có máu chảy ra, đồng thời, không cho trẻ dùng tay dụi, quẹt mũi vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn và bạn cũng khó xác định được máu chảy từ bên mũi nào. 

Bước 2

Hướng dẫn trẻ ngồi thẳng người, đầu hơi cúi nhẹ về phía trước. Tư thế này giúp máu không bị chảy ngược vào họng khiến trẻ sặc, nôn ói. Sau đó dùng khăn giấy lau sạch máu chảy ra và xác định bên mũi bị chảy máu. 

Bước 3

Khi thấy máu ngừng chảy, bạn hãy cho bé nằm nghỉ ngơi. Tốt nhất để bé nằm ở tư thế nghiêng để tránh hiện tượng máu chảy xuống họng gây sặc, khó thở. Hoặc nếu bé nuốt máu này thì sẽ bị nôn mửa, đau bụng do ngộ độc.

Sau khi cầm máu, cho trẻ nằm (nằm nghiêng) để nghỉ ngơi

Sau khi cầm máu, cho trẻ nằm (nằm nghiêng) để nghỉ ngơi

4. Trẻ bị chảy máu cam có cần khám bác sĩ?

Hầu hết các ca chảy máu cam ở trẻ đều có thể tự cầm máu tại nhà theo hướng dẫn trên. Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều không thể cầm, sau 10 phút giữ cánh mũi và thả tay ra mà máu vẫn chảy, bạn cần cho trẻ đến cơ sở y tế. 

Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên chảy máu cam kèm theo các triệu chứng như vết bầm tím xuất hiện ở da, đi tiêu hay đi tiểu có máu lẫn trong phân và nước tiểu, nôn ra máu, khó thở, tim đập nhanh,… cũng cần chủ động cho trẻ đi khám. Đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý ở mũi hoặc bệnh rối loạn đông máu nên không được chủ quan.

5. Cách phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ là gì?

Nếu chảy máu cam ở trẻ do bệnh lý, bạn cần cho trẻ đi khám và điều trị theo phác đồ. Còn trẻ bị chảy máu cam do thời tiết, sinh hoạt, bạn có thể chủ động phòng ngừa bằng những cách sau.

  • Cho trẻ uống nước mát như nước sâm, nước bí đao,… để giải nhiệt cơ thể trong những ngày nắng nóng.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C cho trẻ qua thực phẩm như rau cải, dưa chuột, ớt chuông, ổi, cam, kiwi,…
  • Khuyến khích trẻ uống đủ nước để tránh tình trạng khô mũi, ngứa mũi, kích ứng mũi,… làm trẻ ngứa, gãi, gây chảy máu. 
  • Vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên. Đặc biệt, hướng dẫn trẻ không được cho tay hay bất kỳ vật nào vào trong mũi.
  • Chú ý theo dõi, giám sát khi trẻ vui chơi ngoài trời hay tham gia các trò chơi vận động để hạn chế các tai nạn, chấn thương cho vùng mũi.
  • Không lạm dụng thuốc xịt mũi để tránh làm mất đi lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi. 

Bổ sung vitamin C cho trẻ là cách phòng ngừa chảy máu cam

Bổ sung vitamin C cho trẻ là cách phòng ngừa chảy máu cam

Trên đây là 5 điều bạn nhất định phải biết về hiện tượng chảy máu cam ở trẻ. Hy vọng bạn sẽ biết cách xử trí và chăm sóc tốt nhất nếu chẳng may bé yêu nhà mình bị chảy máu cam. Để đăng ký lịch khám cho bé tại Chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy liên hệ 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ