Tin tức

Cảm giác nóng rát sau khi ăn là bệnh gì? Điều trị như thế nào?

Ngày 24/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cảm giác nóng rát sau khi ăn là vấn đề khá nhiều người gặp phải, nhất là những người ăn uống thất thường hoặc có chế độ ăn không lành mạnh. Tình trạng này thường gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Vậy đây có phải là dấu hiệu của bệnh gì không? Điều trị như thế nào?

1. Cảm giác nóng rát sau khi ăn là gì?

Cảm giác nóng rát sau khi ăn là triệu chứng nóng rát, khó chịu ở vùng dạ dày hoặc ở thực quản sau khi dùng bữa hoặc khi ăn uống một số loại thực phẩm nhất định. 

Cảm giác nóng rát sau khi ăn khoảng 10 - 15 phút

Cảm giác nóng rát sau khi ăn khoảng 10 - 15 phút

Ngoài các cảm giác kể trên thì còn có thể có thêm một số triệu chứng phổ biến khác như: ợ chua, ợ nóng, đau vùng thượng vị dạ dày, đầy bụng, khó tiêu,... Điều này khiến người bệnh mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng và lâu dần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

2. Một số nguyên nhân gây nóng rát sau ăn

Cảm giác nóng rát sau khi ăn có thể do một số nguyên nhân như:

2.1. Chế độ ăn uống

Thói quen kém lành mạnh trong chế độ ăn uống hàng ngày là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên cảm giác nóng rát sau khi ăn như:

Chế độ ăn uống kém khoa học gây trào ngược axit dạ dày

Chế độ ăn uống kém khoa học gây trào ngược axit dạ dày

  • Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm có tính axit cao, có vị chua nhiều.
  • Thức ăn cay nóng như ớt, mì cay,...
  • Uống các loại nước có ga chứa nhiều axit citric làm tăng lượng acid trong dạ dày gây nóng rát, viêm dạ dày kèm theo triệu chứng đầy hơi do khí ga tích tụ.
  • Chế độ ăn thiếu chất xơ.
  • Thói quen ăn uống không đúng giờ giấc gây rối loạn sức khỏe dạ dày.
  • Thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều.
  • Uống quá nhiều nước so với mức bình thường làm loãng lượng natri trong máu từ đó hình thành triệu chứng khó chịu như nóng rát dạ dày, buồn nôn, mệt mỏi,...
  • Thường xuyên uống rượu bia làm niêm mạc dạ dày tổn thương, nghiêm trọng hơn là dẫn đến viêm loét dạ dày hình thành triệu chứng cảm giác nóng rát sau khi ăn uống.

2.2. Bệnh lý dạ dày

Cảm giác nóng rát dạ dày sau khi ăn là một trong những biểu hiện cảnh báo tình trạng của một số bệnh lý về dạ dày như:

  • Viêm loét dạ dày: do niêm mạc bị tổn thương trong thời gian lâu dẫn đến viêm loét gây ra triệu chứng đau vùng thượng vị kèm nóng rát, ợ chua, trào ngược,...
  • Trào ngược dạ dày: khi dạ dày bị dư thừa axit dẫn đến tình trạng trào ngược ở thực quản. Lượng dịch trào ngược gây kích ứng, viêm thực quản từ đó hình thành cảm giác nóng rát dạ dày sau khi ăn. Kèm theo trào ngược thường có các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, buồn nôn,...
  • Hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành của hệ tiêu hoá và thường xuất hiện kèm tình trạng trào ngược dạ dày ở bệnh nhân.
  • Ung thư dạ dày: khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương lâu ngày tạo điều kiện tế bào ung thư phát triển hình thành các khối u lành tính hoặc ác tính ở cơ quan này. Ngoài triệu chứng nóng rát dạ dày thì bệnh nhân ung thư có thể gặp dấu hiệu khác như: khó tiêu, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi, mệt mỏi, đi đại tiện ra máu, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi,...

2.3. Dị ứng thực phẩm

Tình trạng dị ứng thực phẩm diễn ra do cơ thể phản ứng quá mức với một số chất có trong thức ăn dẫn đến tình trạng không dung nạp. Lúc này, cơ thể sẽ có các phản ứng thể hiện tình trạng dị ứng như nổi mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, nóng rát dạ dày hoặc nguy hiểm hơn là sốc phản vệ. 

Biểu hiện nóng rát sau khi ăn thường gặp ở người dị ứng với nhóm thực phẩm chứa gluten (bánh mì, lúa mì,...), lactose (sữa bò, bơ, phô mai,...) hoặc phụ gia thực phẩm.

Cơ thể dị ứng với một số thành phần trong thực phẩm có thể tạo cảm giác nóng rát

Cơ thể dị ứng với một số thành phần trong thực phẩm có thể tạo cảm giác nóng rát

3. Một số phương pháp cải thiện

Thực tế, cảm giác nóng rát sau khi ăn luôn khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc. Vì vậy, để cải thiện tình trạng này sớm nhất người bệnh nên thực hiện một số giải pháp như:

3.1. Thăm khám với bác sĩ sớm

Cảm giác nóng rát sau khi ăn có thể là dấu hiệu cảnh bảo bệnh lý dạ dày. Vì thế, trong trường hợp cơ thể xuất hiện triệu chứng này người bệnh cần đi thăm khám sớm để được bác sĩ tư vấn thêm. 

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, người bệnh có thể được chỉ định các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, nội soi đường tiêu hoá,... Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các loại thuốc trung hoà axit, thuốc kháng sinh giúp giảm viêm hoặc các loại thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hoá,... tùy từng trường hợp.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa

3.2. Chườm ấm bụng

Cảm giác nóng rát kèm các triệu chứng đau dạ dày có thể khiến người bệnh thấy khó chịu, mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng này, việc sử dụng khăn ấm hoặc túi chườm nóng đặt vào vị trí giữa ngực dưới có thể giúp thư giãn các nhóm cơ nội tạng, hỗ trợ làm dịu cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, chườm ấm bụng chỉ là giải pháp tạm thời và người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.

3.3. Ăn uống lành mạnh

  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có tính axit.
  • Bổ sung chất xơ đầy đủ trong các bữa ăn.
  • Dùng các loại thực phẩm hỗ trợ dạ dày như: mật ong, nghệ, trà xanh,...
  • Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
  • Không nên uống sữa khi bụng đói để tránh kích thích tăng tiết dịch axit.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Ăn uống đúng giờ, đúng bữa cũng như tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
  • Bổ sung men tiêu hoá để tăng đề kháng bảo vệ cơ thể.

Duy trì chế độ ăn lành mạnh để cải thiện sức khỏe dạ dày

Duy trì chế độ ăn lành mạnh để cải thiện sức khỏe dạ dày

3.4. Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Tạo thói quen tập thể dục đều.
  • Xây dựng chế độ ngủ khoa học, không thức khuya, ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế tối đa hút thuốc lá.
  • Không dùng rượu bia trong quá trình điều trị cũng như hạn chế tối đa khi dạ dày khỏe lại để bảo vệ tránh tình trạng tái phát.
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức, căng thẳng.
  • Cẩn trọng với các thuốc có thành phần ảnh hưởng nhiều đến dạ dày.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc cảm giác nóng rát sau khi ăn xuất hiện do đâu. Tốt nhất, bạn hãy đi thăm khám sớm để được điều trị dứt điểm tình trạng này và chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ y tế bạn có thể lựa chọn. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.