Tin tức

Cây sinh địa: Đặc điểm - tác dụng và lưu ý khi sử dụng

Ngày 11/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây sinh địa mọc khá nhiều tại khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Từ lâu, dân gian đã sử dụng loại thảo dược này điều chế thành bài thuốc trị ho, điều hòa kinh nguyệt, bồi bổ sức khỏe,... Tuy vậy nếu muốn những bài thuốc này phát huy tối đa hiệu quả, bạn cần chú ý đến liều lượng, tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc. 

1. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái của cây sinh địa

Sinh địa hay còn được biết với một số tên gọi khác như địa hoàng. Cây thuộc nhóm thực vật họ cỏ chổi. 

1.1. Nguồn gốc

Nếu xét về mặt nguồn gốc, cây sinh địa được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo đó, sinh địa thuộc nhóm dòng thực vật bản địa tại Trung Quốc. Cây gần như mọc dại mà không cần phải chăm sóc kỹ lưỡng. 

Cây sinh địa là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc

Cây sinh địa là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc

Tại Việt Nam, sinh địa chủ yếu phát triển mạnh tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Bởi nơi đây sở hữu khí hậu gần giống với khí hậu tại Trung Quốc, thích hợp cho cây sinh trưởng. 

1.2. Đặc điểm hình thái

Thông qua đặc điểm hình thái bên ngoài, bạn có thể dễ dàng phân biệt sinh địa với những loại thảo dược khác. Cụ thể:

  • Phần thân: Là kiểu thân thảo, sinh trưởng trong nhiều năm. Mỗi thân cây cao trung bình 40 đến 50cm, trên thân xuất hiện các đốt ngắn, lá sẽ mọc ra từ phần đốt này. Bao bạch quanh phần thân là một lớp lông mỏng, màu trắng nhạt. 

  • Phần rễ: Có xu hướng phát triển thành củ. Đến độ tuổi trưởng thành, mỗi củ sinh địa có thể đạt chiều dài 20cm, đường kính trung bình trên 3cm. Lớp vỏ bên ngoài củ màu hồng, lõi bên trong màu vàng nhạt. 

  • Phần lá: Mọc ra từ các đốt quanh thân cây. Chiều dài của mỗi chiếc lá dao động từ 3 đến 15cm, rộng trung bình khoảng 3 cm. Lá sinh địa thuộc kiểu lá đơn, phần mép bao quanh xếp thành hình răng cưa. Phía mặt trên của lá là một lớp lông mềm màu trắng nhạt. 

  • Phần hoa: Mọc thành từng chùm, mọc từ phần ngọn của cây. Mỗi bông hoa gồm 5 cánh, màu hoa hơi tím sẫm nhưng mặt bên trong lại màu vàng. Hoa sinh địa nở rộ vào giai đoạn tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. 

  • Phần quả: Hầu hết sinh địa trồng tại Việt Nam đều không có quả. Tuy nhiên nếu trồng tại Trung Quốc thì của sinh địa vẫn có quả và phát triển rộ vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 6 hàng năm. 

Củ sinh địa lúc còn tươi gần giống như củ khoai lang 

Củ sinh địa lúc còn tươi gần giống như củ khoai lang 

Trong số các bộ phận trên thì củ chính là bộ phận giá trị nhất. Người ta thường chế biến củ thành nhiều bài thuốc trị bệnh. 

2. Tác dụng của sinh địa theo y học cổ truyền và y học hiện đại 

Cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều công nhận tác dụng của sinh địa trong điều trị bệnh cũng như nâng cao sức khỏe. 

Sinh địa có thể hỗ trợ trị ho

Sinh địa có thể hỗ trợ trị ho

2.1. Trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, sinh địa sở hữu vị ngọt và tính hàn. Tác dụng nổi bật nhất của loại thảo dược này bao gồm:

  • Bồi bổ gan thận, bổ máu, kích thích hoạt động lưu thông khí huyết.

  • Trị ho dài ngày, ho lao mạn tính.

  • Trị cảm sốt cao kéo dài dẫn đến mất nước.

  • Hỗ trợ thanh lọc cơ thể, loại bỏ mụn nhọt ngoài da.

  • Trị các chứng rối loạn tiêu chảy.

  • Hỗ trợ cầm máu khi cơ thể bị nhiễm trùng (đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, nôn ra máu). 

Trong Đông y, người ta chủ yếu dùng sinh địa sắc lấy nước hoặc tán thành bột, vo viên. Liều lượng sử dụng trong ngày không quá 20 gam, thay đổi tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể. 

2.2. Trong y học hiện đại

Theo phân tích trong y học hiện đại, sinh địa chứa nhiều glucozit, glucoza cùng carotene. Những loại thuốc chứa thành phần sinh địa sẽ đem đến các tác dụng như:

  • Giúp cầm máu, ngăn chặn tình trạng gãy tĩnh mạch nếu dùng với liều lượng cao.

  • Hỗ trợ điều hòa đường huyết (theo thử nghiệm lâm sàng trên thỏ). 

  • Giúp điều hòa nhịp tim.

  • Hỗ trợ bảo vệ hệ thần kinh, kích thích tiểu tiện.

  • Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

3. Cách thức thu hái và chế biến sinh địa 

Trong các bộ phận của cây sinh địa thì củ là bộ phận hay được sử dụng làm thuốc nhiều nhất. Đến độ tuổi thu hoạch, củ bắt đầu phát triển lớn, chứa nhiều nhựa, thịt chắc, phần vỏ vàng và mỏng. Mỗi cây sinh địa cho nhiều củ, bởi rễ cây có thể phân thành nhánh khác nhau. 

Củ sinh địa đã qua quá trình bào chế 

Củ sinh địa đã qua quá trình bào chế 

Trong quá trình thu hoạch, củ sinh địa thường được ngâm xuống nước nhằm đánh giá kiểm tra chất lượng. 

Củ đạt chuẩn phải chìm dưới nước, xếp vào nhóm địa hoàng. Còn củ nào nổi lên mặt nước, phẩm chất kém hơn xếp vào nhóm thiên hoàng. Trường hợp củ vừa nổi vừa chìm thì sẽ xếp vào nhóm nhân hoàng. 

Chỉ nhóm địa hoàng mới phù hợp sử dụng làm thuốc. Khi tiến hành bào chế, người ta bắt đầu chọn riêng 6 phần sinh địa to mập phơi khô trong 10 phần cần chế biến. Còn 4 phần sinh địa còn lại được ngâm cùng khoảng 300 ml rượu trắng sau khi vừa giã nát. 

Tiếp theo, người ta dùng nước giã nát từ thần sinh địa ngâm rượu ướp vào 6 phần sinh địa phơi khô rồi mới đem phơi khô tiếp. Trước khi sử dụng, sinh địa cần ủ trong khoảng thời gian một ngày và thái thành từng miếng mỏng. 

Tại Việt Nam, sinh địa chủ yếu được bào chế theo quy trình 3 giai đoạn. 

  • Giai đoạn 1: Thu hoạch sinh địa đủ tiêu chuẩn chưa cần rửa ngay mà phải phân loại trước. Sau đó, sấy khô củ sinh địa đủ tiêu chuẩn trong khoảng thời gian một tuần. 

  • Giai đoạn 2: Tiến hành ủ sinh địa đã sấy được một tuần trong khoảng 5 đến 6 ngày rồi xếp vào bao tải, tiếp tục ủ trong 2 đến 3 ngày nữa. 

  • Giai đoạn 3: Tiếp tục sấy sinh địa lần thứ 2 để phần vỏ bên ngoài khô khoảng ⅘. 

Sau quá trình chế biến theo 3 giai đoạn trên, sinh địa cần bảo quản tại khu vực kín đáo, không cho tiếp xúc với độ ẩm, ánh nắng mặt trời. 

4. Lưu ý trong quá trình sử dụng sinh địa 

Sinh địa phù hợp chế biến thành nhiều bài thuốc trị bệnh. Thế nhưng nếu không tuân thủ liều lượng, phối hợp một cách bừa bãi với thảo dược khác, bạn dễ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. 

Vậy, nếu có ý định dùng loại thảo dược này, bạn cần ghi nhớ một vài lưu ý sau. 

Phụ nữ mang thai không nên dùng sinh địa 

Phụ nữ mang thai không nên dùng sinh địa 

4.1. Dùng với liều lượng hợp lý

Liều lượng sử dụng sinh địa mỗi ngày thì nên dao động từ 10 gam đến 20 gam. Khối lượng thay đổi tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể. Bạn không nên quá lạm dụng dùng quá liều dễ làm cho cơ thể gặp phải tác dụng phụ, không phát huy được tác dụng muốn khó của thuốc. 

4.2. Không phối hợp bừa bãi với thảo dược khác

Bạn tuyệt đối không nên phối hợp bừa bãi sinh địa với các loại thảo dược khác. Cụ thể là không kết hợp cùng lai phục, vì đây là hai loại thảo dược kỵ nhau. 

4.3. Đối tượng chống chỉ định

Phụ nữ mang thai không nên dùng sinh địa. Ngoài ra đối tượng bị đầy hơi, ăn uống khó tiêu, đi ngoài ra phân lỏng,... cũng cần phải thận trọng nếu có ý định sử dụng loại thảo dược này. 

Nói chung, bạn nên thăm khám sức khỏe kỹ lưỡng và tham khảo tư vấn của thầy thuốc chuyên môn trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây sinh địa. 

Trường hợp nhận thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, bạn hãy tạm ngừng sử dụng và đi thăm khám, xác định tình trạng sức khỏe. 

Sinh địa là một loại thảo dược ứng dụng rộng rãi trong y học cổ truyền cũng như y học hiện tại. Củ của loại cây này sở hữu dược tính mạnh, hỗ trợ điều trị khá nhiều chứng bệnh thường gặp. Mong rằng chia sẻ từ MEDLATEC sẽ giúp bạn cập nhật thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe hữu ích! 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.