Tin tức

COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào và những điều cần biết

Ngày 16/08/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
COVID-19 đã và đang là thách thức của nhân loại với số ca nhiễm và tử vong quá lớn. Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn không ngừng nghiên cứu những hệ quả mà virus SARS-CoV-2 gây ra cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào thông qua bài viết bên dưới.

1. COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào?

Trong khi các virus cùng chủng, chẳng hạn như virus cúm chỉ gây cảm cúm thông thường thì virus SARS-CoV-2 lại tác động rộng và sâu lên các cơ quan, bộ phận cơ thể. Vậy cụ thể COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào?

Ảnh hưởng đến phổi

Theo các chuyên gia, phổi là bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mắc COVID-19. Triệu chứng viêm phổi thường bắt đầu từ tuần thứ 2 của bệnh. Các virus lúc này sẽ tấn công dồn dập vào tế bào phổi, đặc biệt là lớp tế bào Cilia. Trong khi đó, lớp tế bào này tập trung xung quanh và có nhiệm vụ bảo vệ tế bào niêm mạc. Còn niêm mạc (màng nhầy) thì đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mô phổi trước tác động của vật thể lạ như bụi, phấn hoa, virus,… 

Hình ảnh chụp X-quang phổi khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Hình ảnh chụp X-quang phổi khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Như vậy, virus SARS-CoV-2 tấn công vào lớp tế bào Cilia thì sẽ làm suy giảm chức năng của niêm mạc. Vì thế, mô phổi không thể được bảo vệ và sẽ bị tổn thương bởi virus. Lúc này, phổi sẽ bị viêm nhiễm, hoạt động cung cấp oxy cho máu bị trì trệ. 

Do đó, người mắc COVID-19 ban đầu sẽ có những biểu hiện và triệu chứng tương tự như cảm cúm, đó là sốt, hắt hơi, ho,… Những ngày sau đó, bệnh diễn tiến và phát triển thành viêm phổi cấp tính, sau đó là viêm phổi nặng. Lúc này, phổi bị tàn phá nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp nên người bệnh sẽ khó - thậm chí là không thể thở được. 

Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, người mắc COVID-19 nặng sẽ tử vong. Nếu may mắn không tử vong thì phổi cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Với người già, người có bệnh lý nền, người có sức đề kháng yếu thì có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy thở mới có thể thở được. 

Hệ thần kinh cảm giác suy giảm 

Ngoài ảnh hưởng đến phổi thì COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào nữa? Theo đó, một trong số các triệu chứng điển hình khi cơ thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chính là mất khứu giác, và có thể mất thêm vị giác. Thậm chí, đây còn được coi là dấu hiệu sớm của bệnh.

Bởi theo dữ liệu nghiên cứu của một ứng dụng chuyên theo dõi triệu chứng của COVID-19, thì có tới 60% người dương tính bị mất cảm giác mùi vị. Và trong số đó, có ¼ người bệnh xuất hiện dấu hiệu mất khứu giác, vị giác trước các triệu chứng khác.

Tác động tiêu cực đến các cơ quan, bộ phận khác 

Bên cạnh phổi và hệ thần kinh cảm giác, người mắc COVID-19 có thể gặp một số biến chứng khác. Chẳng hạn như đỏ mắt, đau mắt, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, nhịp tim không đều, suy gan - thận, vết loét ở bàn chân,… Đặc biệt là hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng do phải hoạt động “quá tải” để chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Người mắc COVID-19 có thể bị mất khứu giác, đau đầu, chóng mặt,…

Người mắc COVID-19 có thể bị mất khứu giác, đau đầu, chóng mặt,…

2. Cần làm gì khi bị mắc COVID-19 và tự theo dõi tại nhà?

Biết được COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào, bạn cũng cần trang bị thêm kiến thức về việc tự chăm sóc bản thân nếu chẳng may bị nhiễm bệnh. Trường hợp không thể đến cơ sở y tế (do hệ thống y tế quá tải) thì vẫn có thể bảo vệ được bản thân và những người khác.

Hạn chế sự tiếp xúc

  • Nên cách ly trong phòng riêng và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người khác trong nhà. Nếu tiếp xúc với người chăm sóc thì phải rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn. Đồng thời, giữ khoảng cách an toàn giữa 2 người. 

  • Sử dụng đồ đạc riêng, nhất là những vật dụng cá nhân như quần áo, khăn lau, bàn chải,… 

  • Tắm rửa, đi vệ sinh ở nhà vệ sinh riêng. Trường hợp dùng chung với gia đình thì sau mỗi lần vệ sinh phải lau chùi, dọn rửa sạch sẽ nhà tắm, nhà vệ sinh.

F0 cách ly và theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế

F0 cách ly và theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế

Theo dõi triệu chứng của bản thân

Trong những ngày đầu, các triệu chứng vẫn còn nhẹ và người bệnh vẫn cảm thấy khỏe mạnh, bình thường. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là trong việc tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe bản thân bằng những việc sau.

  • Ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm, tăng cường vitamin từ rau xanh và trái cây để gia tăng sức đề kháng. Uống nhiều nước và bổ sung thêm nước uống oresol để bù nước cho cơ thể. Và luôn ghi nhớ “ăn chín uống sôi”. 

  • Vận động nhẹ nhàng, kết hợp với các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim,… Luôn giữ tinh thần thoải mái và lạc quan. Bởi càng căng thẳng, áp lực thì cơ thể càng mệt mỏi, suy nhược, bệnh tình càng thêm nặng.  

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý. Khi nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi, có thể chọn tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp để dễ chịu hơn.

  • Nếu cơ thể sốt trên 38,5 độ C thì uống thuốc hạ sốt (Paracetamol) theo liều lượng hướng dẫn. 

Lưu ý: Ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ. Tuyệt đối không uống nhiều hơn 4 lần/ngày. Với người bị viêm gan hay mẫn cảm với Paracetamol thì không nên dùng. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn loại thuốc khác thay thế.

  • Đặt tay lên ngực và đo nhịp thở. Thở nhẹ nhàng, đều đặn và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút, đảm bảo không vượt quá 24 lần/phút.

  • Đo độ bão hòa oxy bằng thiết bị kiểm tra chuyên dụng (loại kẹp ngón tay). Đo ít nhất 3 - 4 lần/ngày. 

Người mắc COVID-19 nên theo dõi sức khỏe trong quá trình cách ly tại nhà

Người mắc COVID-19 nên theo dõi sức khỏe trong quá trình cách ly tại nhà

Liên hệ cơ sở y tế nếu xuất hiện triệu chứng nặng

Trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng dưới đây, người bệnh (hoặc người chăm sóc) cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ đưa đến bệnh viện:

  • Nhịp thở quá 24 lần/phút.

  • Độ bão hòa oxy dưới 94%.

  • Đau ngực, thắt ngực, khó thở.

  • Da tái xanh, môi nhợt nhạt, các đầu ngón tay/chân bị lạnh.

  • Không thể tự ăn uống, tự đi lại.

  • Không nói đầy đủ câu, “nói trước quên sau”, bị lẫn lộn thời gian,…

Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc hiểu COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào cũng như cần làm gì khi mắc COVID-19 mà chưa (được) đến viện. Trên tất cả, mỗi người chúng ta nên tự giác tuân thủ nguyên tắc 5K và chủ động đăng ký tiêm vắc xin phòng ngừa. Có như vậy mới có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, đẩy lùi được dịch bệnh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ