Tin tức
Cùng tìm hiểu về bệnh thiếu máu thiếu sắt
- 14/11/2019 | Ý nghĩa xét nghiệm Ferritin - con đường tắt thăm dò sắt trong máu
- 10/08/2019 | Xét nghiệm sắt huyết thanh là gì và được chỉ định khi nào?
- 15/01/2020 | Những điều cần biết về xét nghiệm sắt huyết thanh
- 14/12/2019 | Ý nghĩa xét nghiệm Ferritin trong kiểm tra định lượng sắt trong máu
1. Thế nào là thiếu máu thiếu sắt?
Trong thành phần của máu, huyết sắc tố (hay hemoglobin) là một protein quan trọng, đảm nhận vai trò chủ yếu trong nhiệm vụ vận chuyển và phân phối O2 từ phổi đến các cơ quan đồng thời đưa CO2 từ cơ quan về phổi nhằm đào thải ra ngoài môi trường.
Trong quá trình tổng hợp hemoglobin cần phải có sự tham gia của ion sắt hai (Fe2+) kết hợp cùng với protoporphyrin để tạo nên nhân Hem - thành phần chính của huyết sắc tố bên cạnh goblin. Khi lượng sắt trong cơ thể không đủ đáp ứng được các nhu cầu sử dụng sắt dẫn đến giảm tổng hợp hemoglobin, hậu quả sẽ là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, hay thiếu máu thiếu sắt.
Bệnh phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, do điều kiện kinh tế, dinh dưỡng cho cơ thể không đầy đủ.
Hình 1: Sắt là một thành phần cấu tạo nên nhân hem của hemoglobin
2. Nguyên nhân nào gây thiếu máu thiếu sắt?
Là một tình trạng bệnh có thể gặp ở cả hai giới và mọi lứa tuổi, do đó nguyên nhân gây thiếu sắt cũng rất đa dạng, có thể chia thành các nhóm nguyên nhân chính sau:
2.1. Nhu cầu sắt của cơ thể không được đáp ứng
- Giảm cung cấp sắt: khẩu phần ăn không có đủ hàm lượng sắt, chế độ ăn không hợp lý (ăn chay kéo dài, ăn kiêng, không cân đối thành phần dinh dưỡng,...) ăn uống kém (người già, người hôn mê lâu),...
- Tăng nhu cầu sử dụng sắt: là hiện thường gặp ở một số giai đoạn nhất định của cơ thể như trẻ đẻ non, trẻ nhỏ 5 - 12 tháng tuổi, tuổi dậy thì (nhất là ở nữ giới), phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú,...
Hình 2: Phụ nữ có thai tăng nhu cầu sử dụng sắt
- Giảm khả năng hấp thu sắt: viêm hoặc cắt đoạn dạ dày, ruột; rối loạn tiêu hóa kéo dài, rối loạn hấp thu; do thuốc, hóa chất,...
2.2. Mất máu cấp hoặc mạn tính gây thất thoát sắt trong cơ thể:
- Tình trạng kinh nguyệt không đều, rối loạn, u xơ tử cung,...
- Các bệnh lý đường tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, trĩ, nhiễm ký sinh trùng (giun móc),...
- Các tình trạng mất máu cấp và mạn tính khác.
2.3. Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh
Đây là một rối loạn di truyền gen lặn rất hiếm gặp, nguyên nhân là do đột biến gen khiến cho protein có vai trò vận chuyển sắt là transferrin không được cơ thể tổng hợp. Bệnh được đặc trưng bởi sự thiếu hụt các hồng cầu khỏe mạnh với chức năng bình thường trong máu mà thay vào đó là hồng cầu nhỏ, nhược sắc; đồng thời tích lũy sắt dư thừa (hemosiderin) trong cơ thể.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh là do sự kết hợp của nhiều nhóm nguyên nhân,...
3. Triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt là gì?
Sắt trong hemoglobin chiếm 2/3 lượng sắt trong cơ thể; 30% sắt dự trữ dưới dạng ferritin và hemosiderin; phần còn lại đóng vai trò cấu tạo trong một số enzym chứa sắt (catalase, peroxidase,...). Cơ thể bắt đầu thể hiện sự thiếu máu khi dự trữ sắt gồm ferritin và hemosiderin đã bị huy động hết.
Tình trạng thiếu sắt kéo dài với đặc trưng là hồng cầu nhỏ, nhược sắc khiến O2 được vận chuyển theo hồng cầu không đáp ứng được nhu cầu của các mô, cơ quan. Để giúp cơ thể duy trì lượng O2 cần thiết, hệ tuần hoàn và hệ hô hấp phải tăng cường hoạt động so với bình thường, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, suy tim toàn bộ về lâu dài nếu không được kịp thời điều trị.
Bệnh sẽ gây ra những triệu chứng sau:
Triệu chứng cơ năng:
Đây là những triệu chứng mà cơ thể cảm nhận được khi có tình trạng bệnh lý nào đó. Người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:
- Hoa mắt chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực khi nghỉ ngơi, khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức.
- Đau đầu, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ, nhức mỏi cơ xương khớp.
- Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa; rối loạn giấc ngủ; rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; rối loạn khả năng tình dục ở nam giới,...
Hình 3: Thiếu máu thiếu sắt gây đau đầu
Triệu chứng thực thể
Đây là những triệu chứng mà khi đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ nhận thấy hoặc dùng các biện pháp chuyên môn để phát hiện ra. Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng như:
- Hội chứng thiếu máu
+ Da xanh; niêm mạc miệng, mắt, môi, lưỡi nhợt nhạt.
+ Gai lưỡi mòn hoặc mất khiến lưỡi nhẵn bóng.
+ Tóc gãy rụng nhiều.
+ Móng tay màu đục, khô, có khía, dễ gãy.
- Hội chứng thiếu sắt: tổn thương tế bào biểu mô miệng, thực quản, hầu họng, móng tay,...
- Các triệu chứng của suy tim, suy hô hấp ở bệnh nhân thiếu máu lâu dài không được điều trị.
- Ngoài ra cần chú trọng đến cả các triệu chứng của bệnh lý gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể để giúp đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị nguyên nhân hiệu quả.
4. Phương pháp xét nghiệm phát hiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi
Tổng phân tích tế bào máu là xét nghiệm đơn giản, cơ bản nhất nhằm xác định các thành phần trong máu, giúp định hướng nguyên nhân thiếu máu.
Trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, trên kết quả tổng phân tích máu có biểu hiện sự giảm của các chỉ số hemoglobin (HGB), thể tích trung bình hồng cầu (MCV), lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH) và nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC).
Huyết đồ
Quan sát tiêu bản máu đàn dưới kính hiển vi thấy hồng cầu nhỏ, nhược sắc. Tỷ lệ hồng cầu lưới giảm tùy mức độ thiếu máu.
Khi bệnh nhân đã điều trị bổ sung sắt có thể quan sát thấy cả hai quần thể hồng cầu có kích thước nhỏ và hồng cầu có kích thước bình thường, dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW) tăng.
Xét nghiệm hóa sinh máu
Xét nghiệm tính chất hóa sinh máu trong trường hợp này sẽ xác định nồng độ sắt huyết thanh, Ferritin. Ở người thiếu máu thiếu sắt sẽ có tình trạng sắt huyết thanh giảm, Ferritin giảm, khả năng gắn sắt toàn thể (TIBC) và khả năng gắn sắt chưa bão hòa (UIBC) tăng.
Các xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh khác
Các phương pháp này nhằm tìm căn nguyên cốt lõi gây bệnh.
- Nội soi đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày tá tràng, đại trực tràng.
- Siêu âm, chụp CT ổ bụng, tử cung, phần phụ,...
- Xét nghiệm soi phân tươi tìm ký sinh trùng (trứng giun móc), tìm hồng cầu,...
Hình 4: Các loại thực phẩm giàu sắt
Thiếu máu thiếu sắt là một bệnh lý thường gặp tuy nhiên nhìn chung bệnh dễ chẩn đoán, xác định. Điều trị bệnh bằng cách bổ sung sắt qua đường uống hoặc tiêm với thời gian và liều lượng thích hợp đối với từng trường hợp thường cho hiệu quả cao. Biện pháp phòng ngừa đơn giản nhất là chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Khi có biểu hiện thiếu máu người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán một cách chính xác và có biện pháp chữa trị kịp thời. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những cơ sở y tế uy tín, với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị xét nghiệm hàng đầu khu vực Đông Nam Á sẽ giúp bạn xác định được tình trạng thiếu máu thiếu sắt của cơ thể; xác định nguyên nhân cụ thể đồng thời đưa ra phương thức điều trị, chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã triển khai Bảo lãnh viện phí với các khách hàng có thẻ bảo hiểm của gần 40 công ty bảo hiểm. Liên hệ tổng đài 1900 565656 để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!