Tin tức

Dấu hiệu đột quỵ ở nữ: ghi nhớ để phát hiện sớm

Ngày 14/07/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Đột quỵ xảy ra khi các tế bào não bị thiếu máu và oxy nên bị tổn thương và chết dần. Bệnh lý này có thể gây tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đến cơ thể, nặng nhất là gây tử vong. Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ ở nữ sẽ giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời, giảm di chứng và tăng cơ hội sống.

1. Nguyên nhân nào khiến nữ giới dễ bị đột quỵ?

Nguy cơ đột quỵ ở nữ giới sau tuổi 35 cao hơn 44% so với nam giới cùng độ tuổi. Phụ nữ từ độ tuổi trung niên trở đi thường tăng nguy cơ đột quỵ, chủ yếu xuất phát từ tình trạng sức khỏe có nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh nền. Nguyên nhân đột quỵ nữ thường xuất phát từ:

- Nữ giới thường có nhiều yếu tố tiềm ẩn gây tăng huyết áp. Đặc biệt, sau độ tuổi trung niên, nữ giới càng dễ bị tăng huyết áp do: thai kỳ, sinh con, mãn kinh gây thiếu hụt nội tiết tố, béo phì, phẫu thuật tử cung,...

- Một thời gian dài dùng thuốc tránh thai estrogen và progestin. Việc sử dụng loại thuốc này làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đông máu - các yếu tố thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.

- Nguy cơ trầm cảm của nữ giới cũng cao hơn nam giới, nhất là những người bị suy nhược cơ thể do rối loạn ăn uống, sinh hoạt, giấc ngủ,... Khi bị trầm cảm, hệ thần kinh giao cảm phải hoạt động quá mức nên tăng nguy cơ đột quỵ.

- Các bệnh lý nền như: tim mạch, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường,... cũng dễ gặp phải ở nữ giới.

Sau tuổi trung niên, nguy cơ bị đột quỵ ở nữ giới tăng lên

Sau tuổi trung niên, nguy cơ bị đột quỵ ở nữ giới tăng lên

2. Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới

2.1. Dấu hiệu thường gặp

Dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới có thể sẽ khác hơn so với các dấu hiệu nam giới gặp phải hoặc bổ sung thêm. Nếu không nắm bắt được những dấu hiệu này, nhiều người sẽ nhầm lẫn với bệnh lý khác và không phát hiện bệnh từ sớm.

Nữ giới cần cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sau:

- Một bên mặt chảy xệ hoặc bị sụp mắt. Khi cười, người bệnh thường méo miệng về một bên, mất cân đối hai bên mặt.

- Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua cao quá đầu, tay có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức. Để nhận diện tình trạng này, hãy bảo người bệnh giơ tay lên và quan sát.

- Nói lắp, nói khó hiểu hoặc không thể phát âm rõ ràng, gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để mô tả suy nghĩ của mình, không thể nói một cách mạch lạc,... Nếu thấy người bệnh có dấu hiệu này, hãy yêu cầu họ nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì khả năng cao là đã có dấu hiệu bị đột quỵ.

- Đau đầu mạnh và đột ngột, cơn đau có thể khiến người bệnh không thể đứng vững, mất thăng bằng và dễ bị ngã, người bệnh đã dùng các thuốc giảm đau thông thường nhưng không hiệu quả. 

- Buồn nôn hoặc bị nôn do sự giãn nở của mạch máu trong não khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

- Mơ hồ, rối loạn nhận thức.

- Nhìn đôi, mất thị lực do mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ khiến cho dòng máu đến vùng điều khiển thị giác bị gián đoạn.

Lệch, mất cảm giác một bên mặt là dấu hiệu đột quỵ nữ thường gặp

Lệch, mất cảm giác một bên mặt là dấu hiệu đột quỵ nữ thường gặp

2.2. Dấu hiệu ít gặp

Một số dấu hiệu đột quỵ ở nữ có thể ít gặp hơn nhưng cũng cần được lưu ý là:

- Nhầm lẫn, mất phương hướng

+ Mất phương hướng, tập trung kém, hay bị nhầm lẫn.

+ Không biết mình đang ở đâu hoặc không nhớ được những gì vừa xảy ra.

- Run, mất thăng bằng

+ Run rẩy không kiểm soát hoặc có các triệu chứng rối loạn thần kinh khác.

+ Chân, tay bị run hoặc không thể giữ thăng bằng khi đứng.

Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới nào trên đây, hãy gọi ngay số cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp. Người ở bên cạnh bệnh nhân nên ghi lại các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và thời gian bắt đầu triệu chứng để có thông tin cung cấp cho nhân viên y tế.

Người bị đột quỵ cần được cấp cứu nhanh chóng để giảm di chứng, bảo vệ tính mạng

Người bị đột quỵ cần được cấp cứu nhanh chóng để giảm di chứng, bảo vệ tính mạng

3. Nữ giới có thể phòng ngừa yếu tố nguy cơ đột quỵ bằng cách nào?

Phòng ngừa đột quỵ ở nữ giới là một quá trình đều đặn, lâu dài, cần có sự thay đổi từ lối sống cho đến luyện tập kết hợp với thăm khám sức khỏe định kỳ.

- Kiểm soát yếu tố nguy cơ

Để giảm nguy cơ đột quỵ, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ thông qua biện pháp: 

+ Duy trì huyết áp ổn định: dùng thuốc điều trị cao huyết áp đúng chỉ định (nếu cần thiết).

+ Quản lý tốt tiểu đường và tim mạch: sử dụng thuốc kết hợp điều chỉnh dinh dưỡng, lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

+ Ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia: các thói quen này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

+ Kiểm soát cholesterol ở mức an toàn thông qua sự điều chỉnh về lối sống và luyện tập.

- Điều chỉnh vận động và dinh dưỡng

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cũng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ. Vì thế, nên ưu tiên:

+ Các loại trái cây tươi, rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ.

+ Giảm lượng muối và đường tiêu thụ hàng ngày.

+ Vận động thể chất đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày.

Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ ở nữ rất quan trọng vì những dấu hiệu này có thể khác so với nam giới. Nếu người bệnh được phát hiện sớm và cấp cứu đúng cách thì họ có thể được cứu sống và giảm thiểu tổn thương ảnh hưởng đến cuộc sống về sau. Bởi vậy, mỗi cá nhân và cộng đồng đều cần trang bị kiến thức liên quan đến đột quỵ để chủ động bảo vệ mình và kịp thời giúp đỡ người bệnh khi cần thiết.

Nếu có bất cứ băn khoăn nào về dấu hiệu đột quỵ nữ hay có nhu cầu thăm khám, tầm soát đột quỵ, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp và hướng dẫn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.