Tin tức
Dấu hiệu viêm loét dạ dày và những lưu ý bạn không thể bỏ qua
- 16/01/2023 | Đau dạ dày ở vị trí nào, vì sao lại bị đau?
- 28/01/2023 | Biểu hiện của ung thư dạ dày theo mỗi giai đoạn của bệnh
- 31/01/2023 | Dấu hiệu của trào ngược dạ dày và những biện pháp cải thiện
1. Viêm loét dạ dày là bệnh gì?
Trước khi tìm hiểu dấu hiệu viêm loét dạ dày, hãy cùng lý giải một số nội dung chính về căn bệnh này.
Như chúng ta đã biết, ở trong cùng của dạ dày có một lớp niêm mạc giống như màng lót. Bởi một số lý do, lớp màng này bị tổn thương, dẫn tới viêm loét, gây cảm giác đau đớn và nhiều triệu chứng khác cho người bệnh.
Khi kích thước của ổ loét còn bé, có thể chưa ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe song nếu chúng lan ra, lớn lên, lớp niêm mạc bị bào mòn đi có thể khiến chảy máu hoặc xuất huyết tiêu hóa, thậm chí cả nguy cơ tử vong.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nhưng phổ biến hơn cả ở người già. Nếu không chữa dứt điểm mà để dai dẳng, kéo dài, còn có thể dẫn tới biến chứng rất nguy hiểm.
Viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến liên quan tới đường tiêu hóa
Về nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến là do:
-
Sự xâm nhập của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) vào trong cơ thể, sau đó, chúng sẽ tấn công lớp niêm mạc khiến chức năng chống axit của lớp niêm mạc này bị mất đi, dẫn tới sự mất cân bằng trong môi trường tại dạ dày, khiến tính axit tăng lên, gây ra sự viêm loét.
-
Việc sử dụng một cách quá thường xuyên các thuốc giảm đau, kháng viêm: đây là nguyên nhân hay gặp với người lớn tuổi. Các thuốc này có tác dụng phụ là khiến cho sự tổng hợp chất bảo vệ niêm mạc prostaglandin bị suy giảm. Từ đó, gây viêm loét.
Các thuốc kháng viêm, giảm đau khi lạm dụng uống quá nhiều có thể khiến dạ dày bị viêm loét
Một số trường hợp được xếp vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác, đó là:
-
Người hay uống đồ uống có cồn, rượu, bia, hút thuốc lá: Nếu như cồn trong các loại đồ uống có thể kích thích việc tiết axit gây ra các vết loét và khiến chúng trở nên trầm trọng thì nicotine có trong thuốc lá khiến cho dạ dày bị suy yếu, đồng thời cũng kích thích chất gây loét cortisol.
-
Người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh: Sự căng thẳng thần kinh có thể tác động lớn tới hoạt động bài tiết axit của dạ dày. Điều này lý giải vì sao căng thẳng làm tăng nguy cơ của bệnh.
-
Người không điều độ trong sinh hoạt cũng như ăn uống: bỏ ăn, ăn không đúng giờ, không đúng thời điểm, hay thức khuya, ít thực hiện vận động,...gây nhiều tác động xấu cho sức khỏe, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh xuất hiện.
2. Dấu hiệu viêm loét dạ dày là gì?
Dấu hiệu viêm loét dạ dày phổ biến, thường gặp có thể kể đến, đó là:
Cảm giác đau bụng tại vùng trên rốn (thượng vị)
Dấu hiệu này được xem là đặc trưng và dễ gặp nhất. Các mức độ của cơn đau có thể là từng cơn âm ỉ, cũng có thể đau tức hay đau quặn. Thời điểm chúng xuất hiện thường là khi đói hoặc sau ăn 2 tới 3 tiếng hoặc nửa đêm về sáng.
Vùng thượng vị đau là dấu hiệu điển hình của bệnh
Bụng cảm giác đầy, khó tiêu, buồn nôn, có thể cả nôn
Đây cũng là những cảm giác mà người bệnh gặp nhiều. Nguyên nhân là vì lúc này, dạ dày bị tổn thương và không thực hiện tốt các chức năng tiêu hóa, dẫn tới lúc nào cũng cảm giác bụng bị chướng và đầy hơi.
Vùng thượng vị có cảm giác nóng rát, thường ợ hơi, ợ chua
Cũng bởi khả năng tiêu hóa kém đi mà xuất hiện các triệu chứng ợ chua, ợ hơi, đặc biệt với những người bệnh đang ở giai đoạn đầu. Với việc vùng thượng vị cảm giác nóng rát, cũng có thể rất thường gặp ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Chức năng tiêu hóa bị rối loạn
Có thể là táo bón hay tiêu chảy do dạ dày làm việc kém, dẫn tới hậu quả là sút cân và mệt mỏi. Ở một số người, mỗi khi bụng đói là cảm giác đau lại rõ ràng hơn nên thường ăn nhiều, dẫn tới cân tăng nhanh.
Dạ dày bị viêm loét có thể gây sự mệt mỏi, cân nặng sụt giảm hoặc tăng nhanh
Chất lượng giấc ngủ kém
Khó tiêu, nặng bụng, cảm giác chướng, đầy hơi xuất hiện thường xuyên hoặc đau bụng có thể khiến cho người bệnh bị mất ngủ hoặc giấc ngủ không ngon, không sâu.
Có thể nói, dù được xem là những triệu chứng phổ biến, thường gặp song không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện này mà khẳng định người bệnh bị viêm loét dạ dày.
Việc chẩn đoán cần được thực hiện bởi bác sĩ, kết hợp cả khám lâm sàng và xét nghiệm hoặc một số thủ thuật khác nữa. Trong đó, nội soi dạ dày là phương pháp quen thuộc, thường được chỉ định nếu nghi ngờ bệnh nhân bị mắc bệnh. Việc nội soi không chỉ mang lại kết quả chính xác về vị trí, mức độ của vết loét mà còn có thể phát hiện ra sự tồn tại của vi khuẩn HP thông qua việc test HP trong nội soi.
3. Phòng tránh và khắc phục các dấu hiệu viêm loét dạ dày như thế nào?
Với những người chưa mắc, việc tìm hiểu nguyên nhân, các nguy cơ dẫn tới bệnh có thể giúp định hướng lối sống an toàn cho sức khỏe, dạ dày. Cụ thể là:
-
Hạn chế một cách tối đa các tác nhân có thể gây ra bệnh, bao gồm: không sử dụng đồ uống có cồn, nếu bắt buộc, mỗi ngày không uống quá hai ly nhỏ. Các thuốc với tác dụng kháng viêm, giảm đau cũng nên tránh, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
-
Giữ vệ sinh cho đôi tay để hạn chế sự nhiễm trùng, vi khuẩn xâm nhập.
-
Thực phẩm sử dụng hàng ngày cần được nấu chín kỹ.
-
Bỏ thuốc lá, thực hiện cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống là điều cần thiết.
-
Tăng cường sức khỏe về thể chất bằng các hoạt động thể thao, tập luyện.
Lối sống khoa học, khỏe mạnh có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh
Đối với những người đã xuất hiện dấu hiệu bị bệnh: Cùng với việc duy trì các hoạt động thể chất, lối sống lành mạnh, nên ăn ngủ đúng giờ, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh xa lo âu, suy nghĩ. Tuyệt đối kiêng các thức uống chứa cồn, thuốc lá.
Về ăn uống:
-
Nên uống sữa nóng để có thể cân bằng lượng axit trong dạ dày.
-
Trứng tốt nhất là hấp hoặc nấu cùng cháo và một tuần chỉ ăn 2 -3 lần.
-
Các loại đạm dễ tiêu hóa như: cá nạc, thịt lợn nạc nên được ưu tiên.
-
Rau củ họ cải cũng rất tốt để các vết loét được lành nhanh hơn.
-
Dầu hữu cơ chế biến từ các loại hạt như: hướng dương, hạt cải, vừng, đậu nành,... là lựa chọn tốt.
Trong chế biến, ưu tiên nấu mềm hoặc thái nhỏ và tốt nhất ăn ngay sau khi nấu bởi đồ ăn nguội, chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông,... không tốt cho dạ dày.
Với những chia sẻ trên, hy vọng quý khách sẽ quan tâm hơn tới sức khỏe dạ dày của mình. Khi có nhu cầu được tư vấn, thăm khám, điều trị các bệnh về tiêu hóa, quý khách có thể đến Chuyên khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám, hoặc gọi tới số tổng đài 1900 56 56 56 của bệnh viện để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!