Tin tức

Gãy cổ xương đùi có thể để lại di chứng nghiêm trọng như thế nào?

Ngày 05/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Gãy cổ xương đùi được coi là tình trạng chấn thương vô cùng nghiêm trọng. Nếu không được cấp cứu và có các biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời, gãy cổ xương đùi có thể khiến nạn nhân bị mất mạng vì những biến chứng nguy hiểm.

1. Tìm hiểu chung về tình trạng gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi là khi vị trí khối mấu chuyển và chỏm xương đùi bị gãy. Tình trạng này thường gặp nhiều ở những bệnh nhân lớn tuổi. Chính vì sự đặc biệt về vị trí, cấu trúc giải phẫu cũng như chức năng nên khi gãy cổ xương đùi xảy ra thường rất nghiêm trọng, khó điều trị và dễ để lại di chứng về sau. Cụ thể:

  • Xương đùi có kích thước lớn: vùng cổ xương đùi có cấu trúc khá phức tạp với hệ thống bè quạt, hệ thống bè xương ở cổ chỏm xương đùi, liên kết với vùng mấu chuyển có hệ cung nhọn. Tam giác Ward - điểm yếu dễ bị tổn thương nhất nằm ở vị trí giữa 2 hệ thống bè xương.
  • Vùng chỏm xương đùi có hệ mạch máu nuôi rất hạn chế, đồng thời nó lại ở sát cổ xương đùi nên nếu bị gãy cổ xương đùi thì sẽ làm tổn thương đến những mạch máu nuôi chỏm. Tình trạng này có thể làm tăng rủi ro hoại tử chỏm xương đùi.
  • Toàn bộ cổ xương đùi là nằm bên trong bao khớp. Do đó nếu cổ xương đùi bị gãy sẽ dẫn tới tình trạng tụ máu trong bao khớp. Lượng máu không thoát ra được gây áp lực lớn tới ổ khớp kết hợp với tình trạng mạch máu nuôi khớp bị tổn thương sẽ khiến chỏm xương đùi bị hoại tử. 

Gãy cổ xương đùi thường rất nguy hiểm do nguy cơ biến chứng cao

Gãy cổ xương đùi thường rất nguy hiểm do nguy cơ biến chứng cao

2. Nguyên nhân và dấu hiệu gãy cổ xương đùi

2.1. Gãy cổ xương đùi là do đâu? 

Do chấn thương:

  • Các tác động trực tiếp: là khi bệnh nhân bị ngã khiến cho vùng hông và mông đập mạnh xuống bề mặt cứng, làm gãy cổ xương đùi. Chấn thương dạng này thường gặp ở những bệnh nhân loãng xương và người cao tuổi.
  • Tác động gián tiếp: gãy cổ xương đùi có thể là hệ quả của chấn thương từ bàn chân và khớp gối ảnh hưởng. Đây cũng là tình huống phổ biến hơn.

Trên thực tế, người cao tuổi dễ bị gãy cổ xương đùi ngay cả khi chỉ bị chấn thương nhẹ. Còn cổ xương đùi ở người trẻ tuổi thường bị gãy khi trong tình trạng đa chấn thương hay chấn thương nặng.

Do bệnh lý:

  • Loãng xương.
  • U xương.
  • Viêm xương.
  • Ung thư di căn xương.

2.2. Triệu chứng cảnh báo gãy cổ xương đùi 

  • Sau té ngã, người bệnh bị đau tại vùng háng. Cơn đau tăng khi gõ dồn vào gót chân hay ấn vào nếp lằn bẹn hay xoay bàn chân.
  • Mất vận động một phần hay toàn phần , không tự nhấc gót chân lên khỏi mặt đất.
  • Chân tổn thương bị ngắn hơn chân còn lại và bàn chân xoay ra ngoài.
  • Chụp X-quang khung chậu và khớp háng bên tổn thương sẽ thấy hình ảnh tình trạng cổ xương đùi bị gãy.

3. Những biến chứng và di chứng nguy hiểm do gãy cổ xương đùi 

Nếu chậm trễ trong việc cấp cứu và điều trị, gãy cổ xương có thể gây ra một số biến chứng và di chứng nghiêm trọng như sau:

  • Biến chứng cấp tính: sốc do đau, sốc mất máu, tắc mạch mỡ (là hiện tượng mỡ rò rỉ từ ổ xương gãy đi vào mạch máu). Nếu bệnh nhân đang mắc các bệnh về hô hấp hay tim mạch thì sẽ làm tăng tính nguy hiểm của các biến chứng này.
  • Biến chứng liên quan tới tình trạng bất động lâu, nằm lâu một chỗ: gãy cổ xương đùi phải mất một thời gian dài mới có thể hồi phục. Khi nằm lâu bệnh nhân sẽ dễ bị loét do tì đè, huyết khối động mạch phổi hoặc tĩnh mạch chi dưới, teo cơ, nhiễm trùng (viêm đường tiết niệu, viêm phổi), suy dinh dưỡng,...
  • Các di chứng lâu dài: hoại tử chỏm xương đùi, phải gắn khớp giả, biến dạng chi, đau nhức thường xuyên ở phần xương bị gãy, cản trở vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Gãy cổ xương đùi thường gặp nhiều ở những bệnh nhân lớn tuổi

Gãy cổ xương đùi thường gặp nhiều ở những bệnh nhân lớn tuổi

4. Các biện pháp điều trị gãy cổ xương đùi 

4.1. Điều trị gãy cổ xương đùi bằng thuốc 

Để làm dịu những cơn đau và sự khó chịu do gãy cổ xương đùi gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn. Thường sẽ là thuốc nhóm NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid) hoặc opioid (cần có sự kê đơn từ bác sĩ). 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ tăng độ vững chắc cho xương, người bệnh có thể phải dùng thêm thuốc bisphosphonate cùng các thuốc phòng ngừa loãng xương khác. Chúng sẽ hỗ trợ hạn chế rủi ro gãy xương háng và việc sử dụng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân. 

Những người bị đa chấn thương thì bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thêm thuốc chống đông máu với công dụng ngăn ngừa sự hình thành huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

2.2. Một số biện pháp điều trị bảo tồn

Nếu mức độ gãy xương của người bệnh là khoảng độ 1, độ 2 thì tiên lượng khá tốt. Bệnh nhân cần mang nẹp hay các thiết bị hỗ trợ điều trị bảo tồn như kéo liên tục, bó bột hay nẹp chống xoay, áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể.

Dùng thuốc thường được chỉ định để cải thiện triệu chứng khó chịu do gãy cổ xương đùi

Dùng thuốc thường được chỉ định để cải thiện triệu chứng khó chịu do gãy cổ xương đùi

2.3. Điều trị gãy cổ xương đùi bằng phẫu thuật

Phần lớn những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi đều khá nghiêm trọng nên cần thực hiện phẫu thuật. Biện pháp này sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, sớm vận động được trở lại, hạn chế tối đa các biến chứng do bất động hay nằm lâu.

Dựa trên thể trạng và mức độ, tính chất gãy xương của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định 1 trong 2 phương pháp phẫu thuật như sau:

  • Kết hợp xương: là biện pháp cố định vị trí xương gãy, đẩy nhanh quá trình liền xương bằng cách sử dụng nẹp, đinh vít,... Nó sẽ giúp việc cố định xương được vững chắc hơn, hạn chế biến chứng do nằm lâu, sớm vận động được sau mổ, khả năng xương lành nhanh cao và bảo tồn được chức năng cho chỏm xương đùi.
  • Phẫu thuật thay khớp háng: 
  • Thay khớp háng một phần: là thay vì thay toàn bộ ổ cối thì chỉ tiến hành thay thế chỏm xương đùi.
  • Thay khớp háng toàn phần: những bộ phận cần thay bảo gồm ổ cối cùng mặt khớp của xương đùi.

Có thể thấy rằng tình trạng gãy cổ xương đùi là một tai nạn với những biến chứng nguy hiểm nên cần được can thiệp sớm bằng các biện pháp y khoa. Do đó nếu có các dấu hiệu bị gãy cổ xương đùi thì người bệnh cần được nhanh chóng đưa đi cấp cứu và điều trị.

Để được tư vấn thêm về các dịch vụ thăm khám, điều trị những bệnh lý về xương khớp, mời quý bạn đọc hãy liên hệ với tổng đài của MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.