Tin tức
Não úng thủy có chữa được không?
- 23/09/2024 | Dấu hiệu u não, cách chẩn đoán và điều trị bệnh
- 24/09/2024 | Bệnh viêm màng não: nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
- 25/09/2024 | Viêm màng não mô cầu là gì? Làm sao để phòng tránh?
1. Phân loại não úng thủy
Não úng thủy xảy ra khi trong não thất bị tích tụ quá nhiều dịch não tủy. Sự tích tụ bất thường này có thể khiến cho đầu của người bệnh ngày càng to ra và gây tổn thương nhu mô não.
Não úng thủy thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi
Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), nhưng vẫn có những trường hợp bệnh nhân là người trẻ tuổi. Do đó, không nên chủ quan về căn bệnh nguy hiểm này.
Có thể phân chia não úng thủy thành 2 loại như sau:
- Bệnh não úng thủy bẩm sinh: Là những trường hợp trẻ bị bệnh do bẩm sinh hoặc do trẻ bị tác động khi còn là bào thai hoặc trong những tháng đầu sau sinh.
- Ngoài ra, một số người hoàn toàn bình thường khi sinh ra nhưng sau đó mắc phải một số căn bệnh liên quan đến não bộ và hệ thần kinh trung ương có thể kể đến như viêm màng não hay chấn thương sọ não,... cũng có thể dẫn đến bệnh não úng thủy.
2. Dấu hiệu bệnh não úng thủy
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian mắc bệnh, độ tuổi của người bệnh và những thay đổi về áp lực nội sọ mà não úng thủy có thể gây ra nhiều triệu chứng bệnh khác nhau:
Đầu của trẻ bị bệnh to bất thường
- Đối với những trẻ dưới 1 tuổi:
+ Kích thước vòng đầu của trẻ phát triển bất thường gây ra sự mất cân đối với so với hình dáng cơ thể của trẻ. Nguyên nhân là do trẻ còn quá nhỏ và những khớp sọ của trẻ chưa được đóng kín nên khi xảy ra sự tích tụ bên trong não tạo nên một áp lực chèn ép lên não, từ đó khiến cho thóp trước giãn rộng và căng ra, đồng thời đường khớp sọ cũng như những mạch máu dưới da đầu cũng sẽ giãn ra. Chính vì thế, đầu của trẻ to bất thường.
+ Phần trán của trẻ dô ra và rộng hơn bình thường.
+ Phần da đầu sáng bóng, căng và mỏng.
+ Mắt của trẻ bị não úng thủy thường hướng xuống.
+ Trẻ dễ bị giật mình và kích động, hay cáu gắt và quấy khóc không rõ nguyên nhân.
Trẻ bị bệnh thường hay quấy khóc
+ Khó ngủ.
+ Có thể xuất hiện tình trạng co giật.
+ Bú kém, thậm chí bỏ bú, hay bị nôn.
+ Chân mềm, tay hay nắm chặt, chậm phát triển và khả năng vận động kém.
+ Trương lực cơ thấp, mạch đập bất thường.
+ Khi nằm, đầu của trẻ bị vẹo sang một bên.
- Một số triệu chứng bệnh ở trẻ trên 1 tuổi:
Ở những trẻ lớn hơn, khớp sọ của trẻ đã được đóng kín một phần, vì thế, thường khó nhận biết triệu chứng đầu to do bệnh não úng thủy gây ra. Tuy nhiên, sau một thời gian bị bệnh mà không được điều trị, kích thước vòng đầu của bé cũng sẽ tăng lên bất thường. Ngoài ra, trẻ bị bệnh còn gặp phải một số biểu hiện khác như:
+ Thay đổi hình dạng khuôn mặt.
+ Trẻ hay khó chịu và cáu gắt.
+ Ăn kém và hay buồn nôn, đặc biệt là vào buổi sáng.
+ Trẻ hay bị đau đầu.
+ Thường xuyên ngủ gật hoặc ngủ li bì.
+ Khả năng giữ thăng bằng kém, hay bị té ngã, đi đứng loạng choạng.
+ Vận động kém, chậm phát triển trí tuệ.
+ Có thể bị co giật.
+ Trương lực cơ tăng.
+ Phát triển thể chất bất thường chẳng hạn như dậy thì sớm hoặc muộn hơn bình thường, bị béo phì,...
+Khó kiểm soát bàng quang.
3. Não úng thủy có chữa được không?
Não úng thủy rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và gây ra nhiều di chứng nghiêm trọng như viêm màng não mủ, chậm phát triển về khả năng vận động và trí tuệ, mù, điếc, và liệt.
Bệnh não úng thủy ở trẻ nhỏ chưa có thuốc đặc trị. Phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không thể loại bỏ hoàn toàn những hậu quả sức khỏe do bệnh gây ra. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu những tác động tiêu cực của bệnh đối với hệ thần kinh và sức khỏe của trẻ.
Siêu âm khi mang thai và siêu âm não khi trẻ ra đời chính là phương pháp có thể phát hiện bệnh sớm. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc con, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe kịp thời.
4. Chữa trị não úng thủy bằng phương pháp nào?
Tuy rằng, không thể khôi phục lại những tổn thương do bệnh gây ra, tuy nhiên các phương pháp điều trị bệnh sẽ có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ. Dưới đây là một số cách điều trị bệnh não úng thủy:
- Phẫu thuật cấy ống Shunt: Được áp dụng rất phổ biến. Đây là phương pháp đặt ống Shunt ở dưới da: Một đầu ống này là để dẫn dịch não tủy dư thừa ra ngoài và đầu còn lại sẽ đặt ở những cơ quan có thể hấp thụ dịch não tủy một cách dễ dàng. Đồng thời, ống cũng có van ở gần não thất để có thể kiểm soát dòng chảy. Trẻ sẽ phải đặt ống Shunt suốt đời. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ.
- Phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III bằng cách rạch một đường ở não thất để chèn máy dò vào bên trong não thất và tạo một lỗ ở não thật giúp dịch não tủy thoát ra ngoài.
- Áp dụng một số phương pháp điều trị bổ sung khác như sau:
+ Kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện theo lời chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
+ Khám và điều trị các vấn đề về hệ thần kinh.
+ Vật lý trị liệu cho trẻ để trẻ phát hiện những kỹ năng về thể chất và xã hội.
+ Điều trị tâm lý để trẻ có thể giao tiếp và hòa nhập với xã hội.
+ Hỗ trợ giáo dục cho trẻ.
Nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị bệnh kịp thời.
Như vậy, để biết não úng thủy có chữa được không, cần phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ và biểu hiện của bệnh, độ tuổi của người bệnh, bệnh lý nền, thời gian phát hiện bệnh. Nếu phát hiện sớm và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp thì sẽ có thể khắc phục bệnh hiệu quả.
Mọi thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!