Tin tức

Nhận biết chấn thương đứt dây chằng và hướng dẫn cách sơ cứu

Ngày 30/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua thuật ngữ chấn thương đứt dây chằng. Đây là tổn thương khá nguy hiểm cũng như ảnh hưởng nhiều đến vận động, di chuyển của khớp. Vậy cần sơ cứu và điều trị như thế nào để hồi phục trở lại?

1. Chấn thương đứt dây chằng là gì?

Dây chằng được cấu tạo từ các nhóm mô sợi collagen có tính chất dai và cứng giúp liên kết, bảo vệ khớp xương. Chấn thương đứt dây chằng là tình trạng dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc chịu tác động lực mạnh đột ngột gây đứt, rách. Thông thường chấn thương này dễ gặp khi chơi vận động thể thao, té ngã hoặc tai nạn. 

Chấn thương đứt dây chằng thường gặp ở các vận động viên

Chấn thương đứt dây chằng thường gặp ở các vận động viên

Một số vị trí khớp có thể gặp chấn thương dây chằng như: mắt cá nhân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay, vai. Trong đó khớp gối là vị trí chấn thương khá phổ biến. Dây chằng đóng vai trò liên kết và giúp điều khiển các khớp, vì thế khi dây chằng bị chấn thương sẽ gây khó khăn khi di chuyển, hoạt động cũng như làm xuất hiện nhiều cơn đau dữ dội. 

2. Các mức độ đứt dây chằng

  • Mức độ I - Nhẹ: tình trạng dây chằng bị tổn thương như giãn, có vết rách nhỏ không đáng kể hoặc chưa có dấu hiệu rách, đứt. Biểu hiện ở mức độ này là cảm giác đau khi khớp hoạt động, việc di chuyển cũng như vận động bị hạn chế. 
  • Mức độ II - Trung bình: Mức độ tổn thương nặng hơn, dây chằng bị đứt hoặc rách một phần, làm ảnh hưởng đến chức năng liên kết, bảo vệ khớp. Từ đó khiến phần khớp không hoạt động theo sự điều khiển của cơ thể. Ngoài ra khi kiểm tra bằng tay tại vị trí khớp có thể thấy khớp bị lỏng lẻo.
  • Mức độ III - Nặng: Ở mức độ này, dây chằng bị tổn thương hoàn toàn với tình trạng đứt toàn bộ. Người bệnh mất khả năng di chuyển do dây chằng không thể thực hiện chức năng liên kết các khớp. Đây là mức độ nguy hiểm nhất, có thể gây ra nhiều biến chứng như tụ dịch, xói mòn khớp, thoái hoá khớp,... 

3. Dấu hiệu chấn thương đứt dây chằng

Thông thường, cơn đau của chấn thương đứt dây chằng thường có biểu hiện khá giống với các bệnh lý xương khớp khác, cụ thể như:

  • Có thể có âm thanh giống như tiếng bẻ khớp hoặc tiếng tách tại vị trí khớp ngay lúc bị gặp tai nạn, chấn thương.
  • Đau dữ dội tại vị trí chấn thương và không thể di chuyển khớp.
  • Vùng chấn thương xuất hiện vết bầm tím, sưng to.
  • Tình trạng khớp lỏng lẻo và không tự điều khiển được.
  • Đau cơ do bị ảnh hưởng áp lực khi dây chằng đứt. 
  • Khó vận động hoặc đau đột ngột, dữ dội khi di chuyển.

Đứt dây chằng gây đau nhức dữ dội và khó di chuyển

Đứt dây chằng gây đau nhức dữ dội và khó di chuyển

Tuỳ thuộc vào mức độ chấn thương đứt dây chằng sẽ có các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người thì cơn đau khi đứt dây chằng có thể tương tự như khi bị gãy xương. Vì thế, việc xử trí ngay tại lúc chấn thương là cần thiết để tránh những cơn đau quá mức khiến bệnh nhân bị kiệt sức, hoảng loạn gây tình trạng nghiêm trọng hơn.

4. Cách sơ cứu khi gặp chấn thương

Thực tế việc sơ cứu đúng cách khi bệnh nhân bị đứt dây chằng góp phần quan trọng giúp giảm đau cũng như hạn chế làm tổn thương nặng hơn. Dưới đây là một số hoạt động sơ cứu chấn thương đứt dây chằng:

  • Ngừng tất cả các hoạt động, từ từ nằm ở tư thế cố định trên mặt phẳng tránh đụng chạm hoặc tác động đến vị trí đang bị thương. 
  • Chườm đá lạnh tại vùng khớp bị đứt dây chằng liên tục, ít nhất 20 phút và lưu ý lót khăn hoặc vải để tránh đá tiếp xúc trực tiếp với da gây bỏng lạnh. Điều này giúp hạn chế tình trạng sưng tấy cũng như giảm đau tạm thời.

Dùng đá chườm lạnh để giúp giảm đau tại chỗ

Dùng đá chườm lạnh để giúp giảm đau tại chỗ

  • Cố định vị trí bị tổn thương để tránh vùng đó bị chấn động hoặc người bệnh cử động khớp khiến dây chằng tổn thương nghiêm trọng hơn. Có thể sử dụng nẹp cứng hoặc bất kỳ đồ vật nào như cành cây, thanh gỗ, thanh tre, miếng gỗ kết hợp với vải hoặc dây quấn quanh để cố định vùng chấn thương. Đảm bảo không tác động trực tiếp lên vết thương cũng như kiểm tra mức độ cố định trước khi di chuyển bệnh nhân.
  • Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. 

Lưu ý: Bệnh nhân không tự ý di chuyển hoặc ráng vận động khi có dấu hiệu chấn thương đứt dây chằng. Đồng thời, người hỗ trợ không nên sử dụng các biện pháp như xoa bóp, nắn xương, chườm nóng vì sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Nên sử dụng cán khi di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn. 

5. Phương pháp điều trị như thế nào?

Khi gặp chấn thương, bệnh nhân thường lo lắng về việc dây chằng có thể hồi phục không. Thực tế, nếu được điều trị đúng cách và kịp thời thì người bệnh có thể phục hồi bình thường. 

5.1. Phương pháp trị liệu RICE

Phương pháp trị liệu RICE thường được áp dụng phổ biến đối với những bệnh nhân gặp chấn thương liên quan đến phần mềm của xương khớp như: giãn hoặc đứt dây chằng, bong cân, căng cơ, trật khớp,... 

Phương pháp trị liệu RICE giúp hồi phục hiệu quả chấn thương nhẹ, trung bình

Phương pháp trị liệu RICE giúp hồi phục hiệu quả chấn thương nhẹ, trung bình

  • R – Rest (Nghỉ ngơi): Sau khi chấn thương người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh vận động để không làm ảnh hưởng đến vùng đang tổn thương đến khi hồi phục.
  • I – Ice (Chườm đá): Ngoài chườm đá ngay sau khi chấn thương thì người bệnh có thể duy trì việc chườm lạnh này trong vòng 48 - 72 giờ tiếp theo để giúp giảm đau cũng như giảm sưng. Nên chườm đá khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày và mỗi lần khoảng 15 - 30 phút. Lưu ý không nên chườm liên tục và mỗi lần thực hiện cách nhau ít nhất 2 tiếng để tránh ảnh hưởng bỏng da hoặc tổn thương các bộ phận khác.
  • C – Compression (Băng ép): Băng ép cố định luôn nhằm hạn chế tác động khiến vết thương nghiêm trọng và cũng giúp quá trình phục hồi nhanh hơn. Hiện nay, bệnh nhân có thể tìm mua băng ép theo từng vị trí chấn thương tại các cửa hàng dụng cụ y khoa như băng gối, băng vai, băng cổ tay,... Tuy nhiên, việc sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. 
  • E – Elevation (Nâng cao): Việc nâng cao bộ phận khớp bị tổn thương giúp máu lưu thông từ đó giảm sưng và tăng khả năng phục hồi nhanh. 

5.2. Phẫu thuật tái tạo, phục hồi dây chằng

Phẫu thuật tái tạo, phục hồi dây chằng thường được bác sĩ chỉ định đối với bệnh nhân tổn thương mức độ III hoặc mức độ II nhưng có nguy cơ rách toàn bộ dây chằng. Hiện nay, phẫu thuật dây chằng được ứng dụng công nghệ nội soi tiên tiến với độ chính xác cao, rút ngắn thời gian thực hiện cũng như giảm thời gian hồi phục. Đối với chấn thương đứt dây chằng, bác sĩ sẽ thực hiện nối hoặc tái tạo dây chằng tuỳ thuộc vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân. 

Phẫu thuật tái tạo dây chằng dành cho bệnh nhân tổn thương nặng

Phẫu thuật tái tạo dây chằng dành cho bệnh nhân tổn thương nặng

Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần trải qua quá trình hồi phục vết thương cũng như luyện tập để các khớp có thể làm quen với việc vận động lại sau tổn thương. Quá trình này có thể kéo dài từ 2 - 6 tháng.

Hy vọng những thông tin chi tiết trong bài viết i đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về chấn thương đứt dây chằng. Có thể thấy, đây là chấn thương nguy hiểm nên khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần sơ cứu theo hướng dẫn và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu cần tư vấn thêm hoặc đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.