Tin tức
Nhận biết dấu hiệu của cận thị giả và cách xử trí
- 05/07/2024 | Phân biệt, so sánh cận thị và viễn thị
- 01/05/2024 | Cách khắc phục tật cận thị
- 23/08/2024 | Cận thị là gì? Phương pháp điều trị và phòng ngừa
1. Như thế nào là cận thị giả?
Cận thị giả là sự chuyển thể tạm thời, không liên tục về mặt khúc xạ của con mắt sang tình trạng cận thị, sau khi mắt được nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt thì tình trạng này có thể biến mất. Với người bị cận thị giả, sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi khiến công suất khúc xạ của mắt tăng lên và ảnh của vật được nhìn sẽ nằm trước võng mạc.
Có 2 dạng cận thị giả:
- Cận thị giả thực thể: Là kết quả từ sự kích thích quá mức ở hệ thần kinh giao cảm.
- Cận thị giả cơ năng: Xuất phát từ tình trạng mắt bị khó chịu hoặc mệt mỏi nhất thời.
Dấu hiệu của cận thị giả giống như cận thị thật nhưng sẽ biến mất sau khi mắt được nghỉ ngơi
2. Vì sao có dấu hiệu của cận thị giả?
- Làm việc với máy tính và thiết bị điện tử trong thời gian dài
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cận thị giả. Khi mắt nhìn gần liên tục mà không được nghỉ ngơi sẽ rơi vào trạng thái mỏi và suy giảm khả năng điều tiết.
- Học tập hoặc đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đủ.
Khi mắt phải làm việc trong môi trường thiếu sáng, mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ, từ đó dẫn đến hiện tượng căng cơ mắt.
- Lối sống, thói quen sinh hoạt không tốt cho mắt
Thiếu ngủ, ăn uống không điều độ hoặc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ cũng có thể làm mắt căng thẳng và gây ra cận thị giả.
- Stress và căng thẳng
Tâm lý căng thẳng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự điều tiết của mắt, khiến mắt bị mờ.
3. Năm dấu hiệu của cận thị giả có thể gây nhầm lẫn với cận thị thật
Các dấu hiệu của cận thị giả sau đây rất dễ gây nhầm lẫn với cận thị thật:
3.1. Mắt mờ khi nhìn xa
Mắt bị mờ khi nhìn các vật ở xa là triệu chứng gặp ở người bị cận thị thật. Tuy nhiên, với cận thị giả, sau khi được nghỉ ngơi đúng cách và tránh làm việc với máy tính, tivi một thời gian thì tình trạng này sẽ được cải thiện hoặc biến mất.
Mắt bị mờ khi nhìn xa là dấu hiệu cận thị giả rất phổ biến
3.2. Mỏi mắt, nhức mắt
Cảm giác nhức mỏi mắt thường xảy ra sau khi sử dụng thiết bị điện tử hoặc đọc sách trong thời gian dài. Đôi khi mắt còn có cảm giác khô, khó chịu, hoặc có dấu hiệu của cận thị giả là nhìn mờ tạm thời.
3.3. Đau đầu, chóng mặt
Mắt hoạt động quá mức không có thời gian nghỉ ngơi sẽ gây căng thẳng cho não bộ. Lúc này, nhiều người sẽ có biểu hiện chóng mặt, đau đầu. Điều này là do mắt không thể điều chỉnh tốt tầm nhìn nên khiến cho não bộ bị căng thẳng.
3.4. Khó tập trung khi nhìn xa
Người bị cận thị giả thường khó điều chỉnh mắt nhìn ra xa. Nếu mắt phải tập trung nhìn vào vật ở xa, người bệnh thường thấy nhức mỏi, khó điều tiết mắt, nhìn mờ.
3.5. Nhìn đôi hoặc nhìn hình bị biến dạng
Một số người có dấu hiệu của cận thị giả là tình trạng nhìn đôi (song thị) hoặc nhìn thấy các vật thể bị biến dạng. Đây là biểu hiện cho thấy mắt căng thẳng quá mức nên không thể điều chỉnh hình ảnh chính xác.
4. Làm cách nào để phân biệt cận thị thật và cận thị giả?
Nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu của cận thị giả trên đây để phân biệt với cận thị thật thì tương đối khó. Người bệnh chỉ có thể được chẩn đoán chính xác khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Nhãn khoa sẽ dùng các thiết bị kiểm tra thị lực sẽ giúp xác định rõ mắt của bạn có bị cận thị thật hay không. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ sẽ nhỏ thuốc làm liệt điều tiết (thường là Atropin) để làm liệt cơ thể mi, giảm năng lực điều tiết. Sau khi nhỏ thuốc, người bệnh cần nhắm mắt trong một khoảng thời gian do bác sĩ yêu cầu rồi tiếp tục kiểm tra lại thị lực trên máy.
Nếu trước khi nhỏ thuốc thị lực giảm nhưng sau khi nhỏ thuốc điều tiết kết hợp với nghỉ ngơi, khả năng nhìn cải thiện, đo máy không phát hiện độ cận thì đây là cận thị giả.
Bác sĩ Nhãn khoa thăm khám, chẩn đoán cận thị giả
5. Xử trí như thế nào khi có dấu hiệu của cận thị giả?
Người có dấu hiệu của cận thị giả thường được khuyến nghị thực hiện các biện pháp sau:
5.1. Thư giãn mắt
- Luyện tập nguyên tắc 20 - 20 - 20: Sau khi đã làm việc được 20 phút, hãy để cho mắt nhìn xa 20 feet với khoảng thời gian 20 giây. Cách làm này giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi để không phải điều tiết quá sức.
- Nhắm mắt và nghỉ ngơi: Khi mắt cảm thấy mỏi, hãy nhắm mắt lại trong vài phút để giảm áp lực lên cơ mắt.
5.2. Sử dụng ánh sáng phù hợp
Đảm bảo làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, nhất là khi đọc sách hoặc làm việc trên máy tính là điều cần thiết. Đặc biệt, người có dấu hiệu của cận thị giả cần tránh sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong bóng tối để không tăng áp lực lên mắt.
5.3. Điều chỉnh khoảng cách khi làm việc
Khi làm việc với máy tính, hãy giữ màn hình cách mắt khoảng 50 - 70 cm và điều chỉnh độ cao của màn hình sao cho phần trên của màn hình ngang tầm mắt.
Đối với sách hoặc các tài liệu in, hãy giữ khoảng cách từ 30 - 40cm giữa mắt và tài liệu.
5.4. Bổ sung dinh dưỡng cho mắt
Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C và E như cà rốt, rau xanh, các loại hạt,... Những chất dinh dưỡng này có lợi cho thị lực và giúp cải thiện khả năng điều tiết cho mắt. Ngoài ra, uống đủ nước cũng là cách giữ cho mắt không bị khô.
5.5. Thực hiện các bài tập mắt
- Tập bài tập nhìn gần - nhìn xa: Nhìn vào một vật ở gần trong 10 giây, sau đó nhìn vào một vật ở xa trong 10 giây. Lặp lại bài tập này khoảng 10 lần để tăng khả năng điều tiết cho mắt.
- Bài tập xoay mắt: Nhìn sang trái, sang phải, lên trên và xuống dưới với thao tác chậm rãi để làm dịu cơ mắt.
Cận thị giả không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Khi có dấu hiệu của cận thị giả, bạn nên đến bác sĩ Nhãn khoa để thăm khám, chẩn đoán đúng và có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa nguy cơ bị cận thị thực sự.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám Nhãn khoa cùng bác sĩ của Hệ thống Y tế MEDLATEC hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!