Tin tức
Quả nhót: gợi ý bài thuốc chữa bệnh và một số món ăn đơn giản
- 27/08/2024 | Quả khế: Vị thuốc chữa bệnh, món ăn giàu dinh dưỡng cho gia đình
- 28/08/2024 | Quả dừa: Siêu thực phẩm dành cho sức khỏe
- 11/09/2024 | Quả cọ: Thức quà dân dã khó quên từ miền rừng núi
1. Khái quát đặc điểm của quả nhót
Cây nhót là dạng cây bụi, thân cây, quả và lá đều có một lớp vảy trắng gồm các hạt tròn xếp dày lại với nhau. Thân cây nhót có nhiều gai. Hoa nhót mọc thành cụm từ nách lá. Hoa nhót màu vàng chanh, là dòng lưỡng tính.
Quả nhót thon dài hình bầu dục. Quả nhót xanh có vị chua, bám một lớp vảy trắng rất chắc ngoài vỏ. Khi quả chín, vỏ chuyển dần sang màu đỏ, vị ngọt, lớp vảy trắng mềm và dễ bị loại bỏ khi có sự chà xát.
Cây nhót rất dễ tìm thấy ở các tỉnh miền Bắc. Mỗi năm cây ra quả 2 lần: tháng 2 - 4, tháng 8 - 10. Nhót có thể ăn sống hoặc dùng để nấu canh chua.
Quả nhót xanh với lớp vảy trắng bám chặt, khó loại bỏ
2. Thành phần dinh dưỡng và công dụng của quả nhót đối với sức khỏe
2.1. Thành phần dinh dưỡng
Trong thành phần của quả nhót có: nước 92%, axit hữu cơ 2%, glucid 2.1%, protid 1.25%, cellulose 2.3%, canxi 27 mg%, phốt pho 30 mg%, sắt 0.2mg%. Ngoài ra, loại quả này còn chứa saponozit, tanin, polyphenol,...
2.2. Công dụng đối với sức khỏe
Y học cổ truyền cho rằng quả nhót có tính bình, vị chua xen chát, không chứa độc tính, khi đi tới đại tràng và các kinh phế sẽ có tác dụng trừ đờm, trị tả, trị ho, bình suyễn. Hay nói cách khác, quả nhót có tác dụng: giảm đờm, giảm ho, giảm hen suyễn, khó thở; chữa tiêu chảy, tả;...
Quả nhót khi còn xanh được thu hoạch rồi thái thành các lát có độ dày 3 - 5mm, sau đó phơi hoặc sấy khô, tán bột làm thuốc hoặc sắc lấy nước uống.
3. Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ quả nhót
- Chữa ho
+ Nguyên liệu: trần bì 10g, 10 quả quất, 10 quả nhót xanh.
+ Cách thực hiện: Sắc dược liệu để lấy nước uống 3 lần/ngày.
- Chữa khó thở
+ Nguyên liệu: 10g quả nhót khô.
+ Cách thực hiện: Dược liệu dùng để hãm trà, sắc nước hoặc tán bột mịn để uống đều đặn mỗi ngày đến khi tình trạng khó thở không còn.
- Chữa kiết lỵ mạn tính
+ Nguyên liệu: 10g lá khổ sâm, 25g lá mơ lông, 7 quả nhót chín.
+ Cách thực hiện: Sắc để lấy nước thuốc uống 3 lần vào 3 buổi chính trong ngày, liên tục 1 tuần.
- Chữa tiêu chảy
+ Nguyên liệu: 4g rễ cây nhót, 2g rễ cây mơ lông, 10 quả nhót xanh.
+ Cách thực hiện: Sắc toàn bộ nguyên liệu trên lấy nước chia 3 lần uống. Uống liên tục cho đến khi không còn dấu hiệu tiêu chảy nữa.
Nước sắc từ quả nhót và một số dược liệu khác có thể chữa tiêu chảy
4. Cách chế biến món ăn từ quả nhót
4.1. Nhót ngâm đường phèn
- Nguyên liệu: 500g quả nhót, 200g đường phèn, 300ml nước lọc.
- Cách thực hiện: Rửa sạch quả nhót, để ráo nước. Đun sôi nước lọc và đường phèn cho đến khi đường tan hoàn toàn. Tiếp sau đó hãy cho quả nhót đã ráo nước vào trong một chiếc lọ thủy tinh khô và sạch, đổ đường phèn được nấu vào, đậy kín nắp và để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tuần rồi đem ra dùng.
4.2. Mứt nhót
- Nguyên liệu: 1kg quả nhót chín, 500g đường, 1 củ gừng nhỏ.
- Cách thực hiện: Quả nhót rửa sạch, đem cắt bỏ cuống và hạt. Gừng rửa sạch, băm nhỏ. Cho nhót và gừng vào nồi, đun nhỏ lửa với đường, đảo đều tay cho đến khi hỗn hợp sệt lại là được.
4.3. Nhót trộn với chẩm chéo
- Nguyên liệu: 4 quả ớt, 2 tép tỏi ta, 1 củ gừng nhỏ, 5 nhánh ngò rí, 200g bắp cải, 3 cây boa rô, 1kg nhót xanh, 1/2 thìa cà phê mì chính, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường trắng.
- Cách thực hiện:
+ Nhót rửa sạch rồi thái làm đôi theo chiều ngang.
+ Bào sợi bắp cải.
+ Bóc vỏ tỏi, gọt vỏ gừng rồi thái nhỏ.
+ Boa rô cắt nhỏ.
+ Ngò rí thái nhỏ.
+ Cho đường, nước mắm và bắp cải vào cối, giã nhuyễn rồi thêm nước mắm, đường và chút nước lọc vào, đánh tan hết gia vị. Đổ hỗn hợp này ra bát to, trộn đều cùng với nhót.
Món chẩm chéo này ở vùng núi Tây Bắc còn có thêm hạt mắc khén giã nhỏ trộn vào.
4.4. Canh chua từ quả nhót
Quả nhót cũng có thể được dùng để nấu canh chua. Để nấu món này bạn chỉ cần thực hiện như các món ăn khác sau đó thêm quả nhót xanh vào nấu cùng là được. Vị chua thanh của quả nhót làm tăng thêm hương vị cho món ăn và tạo cảm giác ngon miệng khi thưởng thức.
Nhót chẩm chéo - món ăn gây thèm thuồng với bao người
5. Lưu ý khi chữa bệnh bằng quả nhót theo phương pháp dân gian
- Tuy quả nhót có nhiều công dụng với sức khỏe nhưng nhót xanh có vị chua chát nên nếu bị mắc bệnh dạ dày, bệnh đường tiêu hóa thì không nên ăn.
- Không nên ăn nhót khi bụng đói để tránh gây kích thích cho dạ dày dẫn đến đau bụng, cồn ruột. Tốt nhất nên ăn nhót sau bữa ăn 30 phút.
- Nếu cơ thể đang bị lạnh thì không nên ăn nhót.
- Không ăn quá 10 quả nhót/ngày.
- Người mắc hội chứng ruột kích thích, có dấu hiệu đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, vừa tiêu chảy vừa táo bón không nên ăn quả nhót.
- Trước khi ăn quả nhót cần rửa sạch và mài hết lớp vảy trắng bám bên ngoài vỏ để tránh gây đau họng.
- Không thực hiện bất cứ bài thuốc từ quả nhót nào đối với trẻ dưới 1 tuổi vì hệ tiêu hóa của trẻ còn thích nghi kém. Trẻ trên 1 tuổi nếu ăn nhót cần có người lớn giám sát để dự phòng nguy cơ hóc sặc.
Quả nhót mang hương vị rất đặc trưng, giàu giá trị đối với sức khỏe nên rất đáng để có mặt trong chế độ ăn của bạn. Tuy nhiên, khi sử dụng quả nhót nhớ chú ý đến hàm lượng vừa đủ và thời điểm sử dụng để tránh gặp phải những triệu chứng khó chịu.
Các bài thuốc bên trên chỉ có giá trị tham khảo,.... không nên tự ý dùng các bài thuốc từ quả nhót để chữa bệnh khi chưa hỏi ý kiến và thăm khám bác sĩ.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!