Tin tức
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có đáng lo hay không?
- 01/10/2023 | Khủng hoảng ngủ ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân và cách giải quyết
- 23/09/2024 | Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không? Khi nào là dấu hiệu bất thường?
- 26/09/2024 | Trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý có sao không, cách tăng cân cho trẻ sơ sinh nhanh
1.
Một số vấn đề về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh được chia thành 2 giai đoạn: REM (ngủ nông) và Non-REM (ngủ sâu). Khi trẻ bắt đầu có biểu hiện buồn ngủ và ngủ gà gật là lúc bắt đầu giai đoạn REM.
Trong giai đoạn REM trẻ sẽ dễ bị thức giấc, giật mình, hay rên, hay vặn mình, mắt chuyển động và mở hơi giống như người thức giấc. Nhịp thở của trẻ ở giấc ngủ REM thường không đều và có thể ngừng thở trong 5 - 10 giây rồi thở nhanh khoảng 50 - 60 lần/phút sau đó ngừng lại với chu kỳ lặp.
Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều nhất trong tháng đầu tiên sau sinh
Ở giai đoạn Non-REM, trẻ ít cử động hơn, hơi thở cũng đều hơn, lúc này não bộ sẽ tăng cường hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của cảm xúc và hệ thần kinh. Đây còn là giai đoạn não bộ của trẻ sắp xếp và xử lý lại thông tin nhận được khi còn thức, cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng đồng thời tích lũy năng lượng cho các hoạt động về thể chất và phát triển trí tuệ về sau.
2. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có bị làm sao không, khi nào nên khám bác sĩ?
2.1. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không?
Hầu hết thời gian còn trong bào thai trẻ dành cho việc ngủ. Vì thế, ngủ trước tiên là thói quen được lặp lại sau khi trẻ chào đời. Mặt khác, trẻ sơ sinh ngủ nhiều còn là do trẻ chưa thích nghi được với môi trường mới bên ngoài nên trẻ đang học cách thích nghi để cơ thể có thời gian phát triển toàn diện. Vì thế, khi trẻ ngủ nhiều mà không có biểu hiện bất thường về sức khỏe, khi thức giấc trẻ vẫn tỉnh táo để chơi bình thường thì không phải là điều đáng lo ngại.
2.2. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bất thường cần cảnh giác
Trong trường hợp trẻ sơ sinh thường xuyên lặp lại tình trạng ngủ giấc kéo dài trên 4 - 5 giờ thì hãy đánh thức trẻ dậy để trẻ được ăn, tránh gây tụt đường huyết vì ngủ quá lâu. Hoặc nếu trẻ vẫn ngủ với khoảng thời gian ấy và có các biểu hiện bất thường thì cha mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ Nhi khoa.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, ngủ li bì kèm sốt cần được thăm khám ngay
Đặc biệt, một số trường hợp trẻ sơ sinh bị rối loạn giấc ngủ nên ngủ quá nhiều có thể là do cơ thể mệt mỏi hoặc xuất phát từ các nguyên nhân:
- Sốt, cảm lạnh.
- Mắc bệnh lý đường hô hấp trên.
- Bị mất nước do nôn trớ nhiều, tiêu chảy,...
- Tiêm vắc xin chủng ngừa.
- Trẻ đang trong giai đoạn đi qua một cột mốc tăng trưởng hoặc có sự chuẩn bị cho bước phát triển nhảy vọt về trí tuệ, thể chất.
- Trẻ bị vàng da, sinh non.
- Trẻ bị thiếu dinh dưỡng.
- Rối loạn nhịp thở hoặc nhịp tim.
- Mắc một số bệnh lý khiến giấc ngủ của trẻ bị rối loạn giấc ngủ, thường gặp nhất là bệnh viêm màng não.
3. Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ và không xem là ngủ nhiều?
Tuổi sơ sinh là giai đoạn mà trẻ trải qua khoảng thời gian nhiều nhất cho việc ngủ. Trung bình, mỗi trẻ sơ sinh sẽ ngủ 16 - 18 giờ/ngày, mỗi giấc ngủ trong khoảng 1 - 2 giờ và ngủ không theo quy luật giờ giấc. Trẻ sinh non thời gian của giấc ngủ thường kéo dài hơn, trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe thì thời gian ngủ có thể rút ngắn hơn.
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh sẽ ít đi sau khi trẻ chào đời khoảng 1 tháng. Từ thời điểm này trẻ sẽ ngủ nhiều về đêm hơn và giảm thời gian ngủ ngày còn khoảng 14 giờ/ngày.
Bảng giờ ngủ tham khảo ở trẻ sơ sinh
Để biết trẻ sơ sinh ngủ nhiều như thế nào là quá mức thời gian bình thường, cha mẹ có thể tham khảo thời gian ngủ theo độ tuổi như sau:
- 1 - 4 tuần: 15 - 16 giờ/ngày.
- 3 - 12 tháng: 14 - 16 giờ/ngày.
- Từ 12 tháng tuổi: 12 - 13 giờ/ngày.
4. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh như thế nào cho tốt?
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, ngủ lâu có thể khiến cơ thể không được nạp đủ lượng sữa cần thiết cho sự phát triển. Kết quả là trẻ dễ bị thiếu hụt dưỡng chất. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ dưới 4 tuần tuổi không nên nhịn ăn quá 4 - 5 giờ.
Cha mẹ nên theo dõi giấc ngủ của trẻ, nếu phát hiện trẻ sơ sinh ngủ nhiều kèm các dấu hiệu như: sốt cao, ho, khó thở, li bì,... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra. Giờ ngủ của trẻ sơ sinh cũng cần được điều chỉnh lại cho khoa học bằng cách:
- Cho trẻ đi dạo và tăng hoạt động chơi vào ban ngày, cho trẻ tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên để trẻ không bị lẫn lộn ngày - đêm.
- Tạo cho trẻ có thói quen trước giờ đi ngủ để trẻ nhận biết tín hiệu đến giờ ngủ như: tắm, massage,...
- Tập cho trẻ khung giờ ăn, giờ ngủ cố định. Nên đánh thức trẻ dậy khi đã đến giờ ăn.
- Không tạo ra hoạt động có tính kích thích trước giờ ngủ để trẻ dễ vào giấc và không bị mệt mỏi.
- Theo dõi giai đoạn ngủ của trẻ qua chuyển động mắt để nhận biết giai đoạn REM và đánh thức trẻ vì đây là thời điểm trẻ đang ngủ nông, việc đánh thức sẽ dễ dàng hơn so với khi trẻ bước vào giai đoạn ngủ sâu. Lưu ý, với trẻ sơ sinh thì giai đoạn ngủ nông và ngủ sâu có tính luân phiên thường xuyên hơn nhiều so với người lớn.
Hy vọng nội dung bài viết trên đây đã giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ nhiều để gạt bỏ được những lo lắng không đáng có và nhận biết được các bất thường cần can thiệp để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác liên quan đến trẻ, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để có được tư vấn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!