Tin tức

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không? Tiên lượng và giải pháp điều trị

Ngày 20/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Nhiều người vẫn thắc mắc “ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không”? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các dấu hiệu, nguyên nhân, phương pháp điều trị và khả năng tiên lượng của ung thư tuyến giáp, đồng thời giải đáp câu hỏi liệu bệnh có nguy hiểm hay không.

1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ, có chức năng sản xuất các hormone quan trọng giúp điều hòa chuyển hóa, điều hòa nhiệt độ cơ thể và chức năng tim mạch. Ung thư tuyến là trường hợp các tế bào trong tuyến giáp phát triển bất thường và hình thành khối u. Căn bệnh này được chia thành 4 loại phổ biến như sau:

  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú: Loại này thường có nhiều người mắc, tuy nhiên nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh có thể chữa khỏi. Ở giai đoạn muộn, bệnh có thể di căn đến các hạch bạch huyết nhưng ít khi lan rộng ra các cơ quan khác.
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang: Loại này có thể di căn đến phổi hoặc xương. Tỷ lệ sống sót trong giai đoạn sớm rất cao.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Đây là loại ung thư hiếm gặp nhưng có khả năng di căn nhanh chóng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Đây là dạng rất nguy hiểm, vì nó phát triển nhanh và khó điều trị.

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không là câu hỏi nhiều người thắc mắc

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không là câu hỏi nhiều người thắc mắc

2. Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh này phụ thuộc vào từng loại và từng giai đoạn. Cụ thể như sau:

  • Tỷ lệ sống sót: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang rất cao nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Còn tỷ lệ sống thêm 5 năm ở người ung thư tuyến giáp thể tủy khoảng 50%, thể không biệt hóa, thời gian sống thêm từ 6-8 tháng (Theo cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam).
  • Nguy cơ di căn: Một số loại ung thư tuyến giáp, đặc biệt là thể tủy và thể không biệt hóa, có khả năng di căn nhanh chóng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan xa như phổi, xương hoặc gan. Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể khó chữa hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Biến chứng sau phẫu thuật: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc một phần tuyến giáp. Phẫu thuật này có thể gây ra một số biến chứng như tổn thương dây thần kinh thanh quản (gây khàn giọng hoặc mất giọng) hoặc gặp phải vấn đề về chuyển hóa do thiếu hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, việc điều trị bằng hormone thay thế có thể giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe. Bên cạnh đó, một biến chứng hay gặp khác là hạ canxi máu, suy cận giáp do cắt phải tuyến cận giáp nằm phía sau tuyến giáp. Người bệnh thường cần uống duy trì canxi và vitamin D kéo dài.

Bệnh ở thể nhú nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Bệnh ở thể nhú nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn

3. Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp

Mặc dù căn bệnh này có thể phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu, nhưng khi tế bào ung thư đã bắt đầu tiến triển, có một số dấu hiệu thường gặp mà bạn có thể nhận biết như:

  • Khối u ở cổ: Một trong những dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể sờ để kiểm tra là một khối u ở cổ, gần khu vực tuyến giáp. Khối u này có thể di động khi nuốt hoặc ho, và đôi khi mang lại cảm giác khó nuốt hoặc khó thở.
  • Khàn giọng hoặc thay đổi giọng: Nếu khối u ảnh hưởng đến dây thần kinh thanh quản, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng khàn giọng kéo dài hoặc mất giọng.
  • Đau cổ hoặc đau họng: Đau có thể xuất hiện tại vùng cổ hoặc họng, và có thể lan xuống vai hoặc lưng.
  • Phát hiện hạch bạch huyết ở cổ: Các hạch bạch huyết có thể sưng lên, là dấu hiệu của sự di căn từ ung thư tuyến giáp.
  • Mệt mỏi và sút cân: Một số người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc sút cân dù không thay đổi chế độ ăn uống hoặc hoạt động thể chất.

4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư tuyến giáp

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bạn cần lưu ý như sau:

  • Yếu tố di truyền: Những người có người thân trong gia đình bị loại ung thư này thường nằm trong danh sách có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Tác động của phóng xạ: Tiếp xúc với phóng xạ, đặc biệt là trong thời thơ ấu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Giới tính và độ tuổi: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp thấp hơn nữ giới. Ngoài ra, bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 30 đến 50 tuổi.
  • Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền như hội chứng đa u tuyến nội tiết typ 2 (MEN2) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở nam thấp hơn nữ

Tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở nam thấp hơn nữ

5. Điều trị ung thư tuyến giáp bằng những cách nào?

Dựa vào kết luận tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau.

  • Phẫu thuật: Đối với người bệnh bị ung thư tuyến giáp, thường bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ tuyến giáp một phần, hoặc có thể cắt bỏ toàn phần. Nếu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, phẫu thuật cũng có thể bao gồm việc cắt bỏ các hạch bạch huyết.
  • Liệu pháp iod phóng xạ: Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng iod phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc ngăn ngừa tái phát.
  • Thuốc điều trị hormone thay thế: Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời nếu cắt bỏ hoàn toàn. Nếu phẫu thuật cắt một phần thì bệnh nhân có thể không cần uống hormon nếu không bị suy giáp.
  • Xạ trịhóa trị: Trong một số trường hợp, nếu ung thư đã di căn hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh nhân có thể cần phải điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.

Như vậy, ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không dựa vào thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, vì vậy việc phát hiện sớm ung thư tuyến giáp là yếu tố quan trọng giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh. Việc khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra tuyến giáp có thể giúp phát hiện ung thư khi còn ở giai đoạn sớm, giúp tăng cơ hội điều trị thành công và giảm nguy cơ di căn.

Nếu bạn nghi ngờ mình có các dấu hiệu liên quan tới tuyến giáp hoặc có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, hãy đến ngay MEDLATEC để được tư vấn và thăm khám. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, MEDLATEC cung cấp các dịch vụ khám và chẩn đoán bệnh chính xác.

Hãy liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC ngay hôm nay để đặt lịch khám và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bạn và gia đình!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ