Tin tức
Viêm loét đại trực tràng chảy máu - Bệnh lý mạn tính không thể xem thường
- 12/03/2021 | Nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét đại trực tràng chảy máu
- 23/10/2020 | Polyp đại trực tràng: Phân loại, nguyên nhân và cách điều trị
- 04/10/2022 | 9 bệnh thường gặp ở đại trực tràng bạn nên biết
1. Tìm hiểu bệnh viêm loét đại
trực tràng chảy
máu
Đại trực tràng là bộ phận có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đảm nhận nhiệm vụ giữ và tái hấp thu nước đồng thời đào thải chất thải ra ngoài. Viêm loét đại trực tràng được xem là một trường hợp viêm ruột mạn tính hình thành do tế bào niêm mạc trực tràng và đại tràng sigma bị tổn thương dẫn đến hình thành ổ viêm.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu do tế bào niêm mạc bị tổn thương
Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì ổ viêm sẽ chuyển sang bị loét từ đó gây chảy máu. Bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu không chỉ gặp các bất tiện trong sinh hoạt mà còn thể gây mất máu, nhiễm trùng gây nguy cơ tử vong nếu chảy máu nhiều. Thông thường, nhóm tuổi từ 15 - 40 tuổi có nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn so với nhóm còn lại.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
2.1. Yếu tố di truyền
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có cùng huyết thống (bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột) với người đã hoặc đang bị viêm loét đại trực tràng có nguy cơ mắc bệnh cao. Tại Nhật đã có nghiên cứu tỷ lệ người chứa bộ gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có khả năng mắc bệnh cao hơn người có gen DR4.
2.2. Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét đại trực tràng. Khi hệ tiêu hoá bị vi khuẩn tấn công dẫn đến tình trạng sưng, phù nề ở vị trí đại trực tràng dẫn đến hình thành ổ viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài làm tổn thương niêm mạc rộng hơn gây ra loét và từ đó xuất hiện triệu chứng chảy máu. Một số vi khuẩn gây viêm đường tiêu hoá phổ biến: E.Coli, Shigella, Campylobacter…
Nhiễm khuẩn đường ruột gây viêm loét đại trực tràng
2.3. Hệ miễn dịch
Một số người có chỉ số tự kháng thể pANCA (perinuclear antineutrophil cytoplasmic antibodies) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies) dương tính có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu. Bởi vì một số nghiên cứu cho thấy hơn 80% bệnh nhân đang mắc bệnh này có kết quả pANCA - ASCA dương tính.
Người bệnh có tỷ lệ cao dương tính với kháng thể pANCA - ASCA
Ngoài ra, 2 chỉ số này có xu hướng tăng cao hơn nếu bệnh nhân đang mắc viêm xơ chít hẹp đường mật tiên phát. Bên cạnh đó, các rối loạn của hệ miễn dịch cơ thể cũng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập gây viêm loét.
2.4. Thói quen ăn uống
Những thói quen kém lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày cũng là yếu tố dẫn đến các vấn đề hệ tiêu hoá. Việc thường xuyên sử dụng đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc sử dụng thức uống có cồn dễ gây tổn thương niêm mạc đại tràng dẫn đến viêm loét. Ngoài ra, các loại thực phẩm chế biến kém vệ sinh cũng chứa nhiều mầm bệnh vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiêu hoá.
Thói quen ăn uống không lành mạnh kém vệ sinh gây viêm nhiễm hệ tiêu hoá
2.5. Tâm sinh lý
Trên thực tế vấn đề về tâm lý không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng đây là các tác nhân khiến triệu chứng bệnh kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Bởi vì hệ tiêu hoá và hệ thần kinh não bộ có liên kết chặt chẽ với nhau vì thế khi cơ thể căng thẳng kéo dài có thể khiến tình trạng đau tăng lên cũng như vết loét chảy máu nghiêm trọng hơn.
3. Triệu chứng bệnh lý
● Thường xuyên đau bụng kèm cảm giác co thắt, đặc biệt cơn đau dữ dội hơn khi đi đại tiện.
● Phân lỏng, có dịch nhầy hoặc lẫn máu.
● Hậu môn chảy máu.
● Tăng tần suất đại tiện trên 4 lần trong ngày.
● Sốt cao.
● Cơ thể mệt mỏi, sụt cân bất thường.
● Có thể gặp các triệu chứng do thiếu máu như: mất tập trung, chóng mặt, tụt huyết áp, tim đập nhanh,...
4. Tình trạng chảy máu khi viêm đại trực tràng có nguy hiểm không?
Viêm loét đại trực tràng là bệnh tiêu hoá có biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng. Một số biến chứng có thể gặp nếu người bệnh không phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách:
● Thủng đại tràng: tình trạng loét nghiêm trọng có thể làm rách niêm mạc gây thủng đại tràng. Đây là tình huống cấp cứu cần được được xử lý ngay để tránh tình trạng nhiễm trùng ổ bụng
● Ung thư trực tràng: khi niêm mạc đại trực tràng bị tổn thương liên tục và kéo dài gây tăng khả năng loạn sản ở tế bào biểu mô của niêm mạc. Từ đó hình thành khối u ác tính hay còn gọi ung thư trực tràng
5. Điều trị bệnh
Qua quá trình thăm khám dựa trên triệu chứng, kết quả xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
5.1. Phương pháp điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa đối với bệnh nhân viêm loét từ nhẹ đến trung bình thường được bác sĩ chỉ định các loại thuốc đặc trị giúp giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ làm lành vết thương.
Điều trị nội khoa kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt giúp cải thiện tình trạng viêm
Đơn thuốc được kê theo tình trạng bệnh, vì thế bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc khác chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể khiến tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống cùng thói quen sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ quá trình hồi phục hiệu quả hơn.
5.2. Phương pháp điều trị phẫu thuật
Đối với các bệnh nhân nặng hoặc có các triệu chứng thủng đại tràng hoặc hoại tử, chảy máu liên tục, phình giãn đại tràng, xuất hiện khối u thì có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật. Việc cắt đại trực tràng có thể thực hiện theo phương pháp mổ hở hoặc nội soi để cầm máu, loại bỏ phần đại tràng bị hoại tử hoặc có khối u tuỳ vào đánh giá tình trạng bệnh nhân của bác sĩ chẩn đoán.
Hầu hết các trường hợp cần điều trị phẫu thuật khi bệnh nhân ở tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc đã điều trị nội khoa nhưng không thuyên giảm.
Phẫu thuật giúp cải thiện tình trạng chảy máu đối với bệnh nhân nặng
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề viêm loét đại trực tràng chảy máu hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường hệ tiêu hoá, hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh chuyển biến nặng. Địa chỉ y tế uy tín bạn có thể tham khảo là chuyên khoa Tiêu hoá thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!