Tin tức

Xét nghiệm Aspergillus Galactomannan và những điều cần lưu ý

Ngày 20/06/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhiễm nấm Aspergillus có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoại tử, viêm màng não, động kinh và nhiễm trùng toàn thân,… Xét nghiệm Aspergillus Galactomannan là cách có thể phát hiện bệnh sớm hơn, trước khi người bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng lâm sàng hoặc có những dấu hiệu bất thường trên kết quả chụp X-quang. Từ đó, điều trị bệnh sớm và hiệu quả. 

1. Người nhiễm nấm Aspergillus có triệu chứng như thế nào?

Có nhiều loại nấm Aspergillus nhưng A. fumigatus là loại gây bệnh cho người phổ biến nhất. Khi nhiễm loại nấm này, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng dưới đây: 

Nấm A. fumigatus là loại gây bệnh cho người phổ biến nhất

Nấm A. fumigatus là loại gây bệnh cho người phổ biến nhất

1.1. Nấm phổi do Aspergillus

- Thể phế quản: Người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như ho có đờm, thở rít, sốt lặp đi lặp lại.

- Thể xâm nhập: Là những trường hợp nấm đã tấn công vào mạch máu và nhu mô của phổi, thường gặp ở những bệnh nhân phải điều trị hóa chất lâu ngày hoặc mắc bệnh bạch cầu cấp. Lúc này, người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như ho, sốt cao, khó thở, ho ra máu,… 

- Bị nhiễm aspergillus phổi mạn tính: Người bệnh chỉ có những biểu hiện rất nhẹ. 

- Thể u nấm aspergillus trong hang phổi: Triệu chứng thường gặp của bệnh là tình trạng ho ra máu. 

1.2. Thể nhiễm nấm xâm lấn ngoài phổi

Thời gian đầu, người bệnh thường xuất hiện những tổn thương trên da. Tiếp đó, bệnh nhân có thể phải đối mặt với tình trạng viêm xoang, viêm phổi, thậm chí liên quan tới não, gan, thận và những cơ quan khác trong cơ thể. Người bệnh có nguy cơ tử vong. Tình trạng nhiễm nấm xâm lấn ngoài phổi thường gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. 

Ho ra máu có thể là biểu hiện của bệnh

Ho ra máu có thể là biểu hiện của bệnh

1.3. Nhiễm nấm Aspergillosis trong xoang

Nấm aspergillus cũng có thể xâm nhập và tấn công vào các xoang, gây ra tình trạng viêm u hạt xâm lấn mạn tính. Bệnh thường có tốc độ tiến triển chậm và biểu hiện không rõ ràng, dễ bị nhầm với một số bệnh như viêm mũi, đau đầu, sốt,…

Với những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như loét vòm miệng, hoại tử trên xoang, mũi, viêm nướu răng, tổn thương phổi, có biểu hiện của huyết khối xoang hang hay một số tổn thương khác,…

2. Nấm Aspergillus lây qua những đường nào? Ai có nguy cơ mắc bệnh?

- Nấm aspergillus có thể lây truyền qua 2 con đường, đó là:

+ Đường hô hấp: Người bệnh hít phải các bào tử nấm. 

+ Người bệnh bị nấm xâm nhập trực tiếp vào vùng niêm mạc bị tổn thương do một số tình trạng như bỏng, viêm giác mạc hay phẫu thuật mắt,…

- Người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nấm Aspergillus

+ Các trường hợp đã từng cấy ghép tạng, tủy xương. 

+ Người có chỉ số bạch cầu thấp. 

+ Các trường hợp bị suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu,... phải sử dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. 

- Người dùng corticosteroid kéo dài.

3. Xét nghiệm Aspergillus Galactomannan

Nhiễm trùng nấm Aspergillus có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như viêm phổi hoại tử gây suy hô hấp, nhiễm trùng toàn thân, gây tử vong. Do đó, người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để điều trị bệnh kịp thời, phòng tránh tối đa những nguy cơ rủi ro về sức khỏe. 

Bệnh nhân có thể đối mặt với biến chứng suy hô hấp

Bệnh nhân có thể đối mặt với biến chứng suy hô hấp

Hiện nay, phương pháp xét nghiệm Aspergillus Galactomannan là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh thường được áp dụng. Trong đó mẫu xét nghiệm là dịch rửa phế quản phế nang, huyết thanh.

Ưu điểm của loại xét nghiệm này là có thể phát hiện bệnh sớm hơn 5 đến 8 ngày so với thời điểm phát hiện những bất thường trên kết quả chụp X-quang. Đối những bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính, đây còn là tiêu chuẩn chẩn đoán vi sinh đối với những trường hợp giảm bạch cầu trung tính.

Xét nghiệm Aspergillus Galactomannan còn tồn tại một số điểm hạn chế như sau: 

- Nếu kết quả dịch rửa phế quản hay mẫu huyết thanh âm tính thì vẫn không loại trừ Aspergillosis xâm lấn. Cần thực hiện mẫu huyết thanh của người bệnh có nguy cơ nhiễm nấm xâm lấn khoảng 2 lần/tuần. 

- Nếu kết quả âm tính, bác sĩ cần kết hợp kết quả thăm khám lâm sàng với kết quả của một số phương pháp như chụp X-quang phổi, nuôi cấy/PCR đờm, dịch rửa phế quản phế nang.

4. Các phương pháp điều trị bệnh nấm Aspergillus

Sau khi đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh như khám lâm sàng, xét nghiệm Aspergillus, chụp X-quang ngực, chụp CT xoang, nuôi cấy mô bệnh học tổn thương,.. các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. 

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh phổ biến: 

- Sử dụng thuốc kháng nấm: Tùy vào từng người bệnh cụ thể, thể trạng sức khỏe, bệnh lý nền,… bác sĩ sẽ kê loại thuốc kháng nấm phù hợp. Trong đó, những loại thuốc kháng nấm phổ biến hiện nay là: 

+ Voriconazole: Phù hợp với những đối tượng người bệnh bị nhiễm trùng xâm lấn.

+ Isavuconazole: Loại thuốc này có tác dụng tương tự như Voriconazole, tuy nhiên ít gây ra tác dụng phụ hơn. 

+ Amphotericin B.

+ Echinocandins.

Nếu người bệnh vẫn xảy ra tình trạng giảm bạch cầu thì nguy cơ tái phát bệnh là rất cao. Người bệnh cần khắc phục tình trạng ức chế miễn dịch. 

- Phương pháp phẫu thuật: Ở những trường hợp bệnh nhân bị ho ra máu, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ u nấm Aspergillosis.

Người bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh, bạn nên đi thăm khám bệnh càng sớm càng tốt. 

5. Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng nấm Aspergillus

Để hạn chế nguy cơ bị nhiễm nấm Aspergillus, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Không nên tiếp xúc với những nơi có nhiều nấm mốc, nơi không khí bị ô nhiễm, khu vực ủ phân, kho ngũ cốc, công trường xây dựng,…

Đeo khẩu trang để phòng ngừa bị lây nhiễm nấm qua đường hô hấp

Đeo khẩu trang để phòng ngừa bị lây nhiễm nấm qua đường hô hấp

- Khi ra ngoài đường hoặc đến chỗ đông người, bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang để hạn chế nguy cơ hít phải những tác nhân gây bệnh trong không khí. Đặc biệt, những người bị suy giảm hệ miễn dịch thì càng cần chú ý đến vấn đề này. 

- Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm nấm Aspergillosis, có thể dự phòng bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Trên đây là thông tin cơ bản về tình trạng nhiễm nấm Aspergillus và xét nghiệm Aspergillus Galactomannan. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu thực hiện xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.