Các tin tức tại MEDlatec

Aspartame - Chất tạo ngọt nhân tạo ngọt gấp 200 lần đường - Đặc tính và rủi ro khi dùng

Ngày 20/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
Chất tạo ngọt nhân tạo như Aspartame hiện được ứng dụng phổ biến trong sản xuất thực phẩm, đồ uống. Ưu điểm của loại chất tạo ngọt này là có độ ngọt cao, giúp tiết kiệm chi phí so với sử dụng đường thông thường. Tuy nhiên, nhiều tổ chức y tế đã đưa ra cảnh báo về việc lạm dụng Aspartame. Trong bài viết sau đây, MEDLATEC hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về loại phụ gia thực phẩm quen thuộc này.

1. Aspartame là gì?

Aspartame là một loại phụ gia được sử dụng khá phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm, dược phẩm. Đây thực chất là một chất tạo ngọt nhân tạo, được chuyên gia hóa học James Schlatter tìm ra vào năm 1965.

Ngoài nước ngọt có gas, bánh ngọt, kẹo cao su không đường, Aspartame còn là thành phần quen thuộc trong nhiều sản phẩm hỗ trợ ăn kiêng. 

Chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame là thành phần trong nhiều loại nước giải khát

2. Đặc tính của Aspartame

Đặc tính nổi bật của Aspartame là ngọt gấp 200 lần so với các loại đường ăn thông thường. Nhờ vậy, dù chỉ được sử dụng với một lượng nhỏ, Aspartame cũng giúp tạo độ ngọt dễ dàng cho đồ ăn, đồ uống. Vị ngọt của chất tạo ngọt này ngắn hơn đường Sucrose. Vì thế trong quá trình chế biến, các nhà sản xuất thường kết hợp với Acesulfam Kali để cân bằng hương vị, tạo vị ngọt giống với đường tự nhiên. 

Tương tự như phần lớn peptide khác, chất tạo ngọt Aspartame có khả năng phân hủy, biến đổi thành amino axit ở nhiệt độ cao hoặc môi trường pH cao. Chính bởi vậy, loại phụ gia này không được ưu tiên sử dụng để chế biến các loại bánh ngọt, cần bảo quản trong thời gian dài, trải qua chế biến ở nhiệt độ cao. 

Độ ngọt của Aspartame cao gấp 200 lần so với đường thông thường

Tính ổn định khi hòa tan của Aspartame được quyết định bởi độ pH. Trong môi trường nhiệt độ phòng, hợp chất có xu hướng ổn định khi độ pH nằm ở ngưỡng 4.3, thời gian bán huỷ có thể kéo dài khoảng 300 ngày. Thế nhưng nếu độ pH đạt 7.0, thời gian bán hủy lại chỉ còn vài ngày. Độ pH của phần lớn nước giải khát trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 3.0 đến 5.0, đây là môi trường lý tưởng để Aspartame duy trì tính ổn định.

 3. Tính an toàn của Aspartame

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng xếp Aspartame vào nhóm 2B “có nguy cơ gây ung thư ở người”. Tuy nhiên, chất tạo ngọt này vẫn được cấp phép sử dụng trong ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống ở liều lượng an toàn. 

Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy có khả năng gây hại cho người dùng nếu được tiêu thụ ở mức 40mg/kg/ngày. 

Như vậy có thể thấy rằng, Aspartame vẫn là loại phụ gia an toàn nếu được sử dụng ở giới hạn an toàn cho phép. Mặc dù vậy, mọi người cũng không nên quá lạm dụng loại chất tạo ngọt này, nhất là với đối tượng nhạy cảm dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị bệnh. 

Aspartame từng được WHO xếp vào nhóm 2B, những loại phụ gia có khả năng gây ung thư

4. Đối tượng không nên sử dụng Aspartame

Dù được đánh giá là an toàn nếu dùng với liều lượng hợp lý, nhưng vẫn có một số đối tượng không nên sử dụng Aspartame. Cụ thể như: 

4.1. Người mắc Phenylketon niệu (PKU)

Phenylketon niệu (PKU) là bệnh lý liên quan đến tình trạng rối loạn khả năng chuyển hóa axit amin, phenylalanine (Phe). Sự tích tụ Phe trong máu ở mức cao có thể gây tổn thương não, gây khuyết tật về mặt trí tuệ. Trẻ mắc phải bệnh lý này thường tăng động quá mức, rối loạn tâm thần, màu da và màu tóc sáng hơn bình thường. 

Theo FDA, người mắc Phenylketon niệu không nên sử dụng các sản phẩm có chứa Aspartame. Bởi Aspartame có khả năng biến đổi thành Phenylalanine, cơ thể người bệnh không thể chuyển hóa.

4.2. Phụ nữ mang thai

Việc tiêu thụ thực phẩm, đồ uống chứa Aspartame không tốt cho phụ nữ mang thai. Theo CDC, Phenylalanine chuyển hóa từ chất tạo ngọt Aspartame có khả năng tích tụ trong thai kỳ, gây dị tật cho thai nhi.

Phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng sản phẩm chứa Aspartame 

4.3. Người mắc chứng rối loạn thần kinh, động kinh 

Theo National Library of Medicine, một số thực nghiệm đã cho thấy rằng sử dụng Aspartame liều cao có thể gây triệu chứng đau đầu, rối loạn tâm thần, thậm chí là co giật. Vì thế, người mắc chứng rối loạn thần kinh, động kinh tốt nhất nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống chứa chất tạo ngọt Aspartame. 

4.4. Người bị rối loạn chậm vận động 

Rối loạn chậm vận động thường xuất hiện ở người đã hoặc đang trong quá trình điều trị tâm thần phân liệt. Theo đó, Phenylalanine chuyển hóa từ Aspartame có thể khiến triệu chứng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Nếu đang gặp vấn đề về rối loạn chuyển động, bạn tốt nhất không nên dùng Aspartame. 

Ngoài ra, theo khuyến cáo của WHO, trẻ em dưới 3 tuổi không nên sử dụng các loại phụ gia tạo độ ngọt như Aspartame. Bởi khi đó hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị ảnh hưởng bởi những hợp chất có khả năng tác động lên hệ thần kinh. 

5. Lưu ý khi sử dụng Aspartame

Hiện nay, Aspartame là thành phần có mặt trong nhiều loại đồ ăn chế biến sẵn, nước ngọt. Việc tiêu thụ loại chất tạo ngọt này là khó tránh khỏi. Tuy rằng vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh tác động tiêu cực của Aspartame đến sức khỏe, nhưng mọi người vẫn nên thận trọng. Cụ thể: 

  • Không tiêu thụ quá 40mg đến 50mg/kg/ngày: Đây là khuyến cáo được đưa ra bởi những tổ chức uy tín như WHO, FDA. 
  • Luôn đọc thành phần sản phẩm: Để kiểm soát lượng Aspartame tiêu thụ hàng ngày, nên đọc kỹ bảng thành phần của từng sản phẩm. 
  • Không nên đun nóng Aspartame ở nhiệt độ cao: Dưới tác động của nhiệt độ cao, Aspartame dễ bị phân hủy, mất đi độ ngọt. 
  • Không cho trẻ nhỏ sử dụng sản phẩm chứa Aspartame quá sớm: Khả năng chuyển hóa và nhiều hệ cơ quan ở trẻ chưa hoàn thiện như người lớn. Vì vậy, bạn chưa nên cho trẻ dùng sản phẩm chứa Aspartame quá sớm. 

Bạn nên đọc kỹ thông tin về thành phần trong các sản phẩm để kiểm soát lượng Aspartame tiêu thụ

Aspartame giúp tạo độ ngọt cho thực phẩm, đồ uống với độ ngọt cao gấp 200 lần so với đường ăn thông thường. Thế nhưng, loại phụ gia này có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe nếu quá lạm dụng. Vì vậy, bạn nên sử dụng một cách thận trọng. Nếu cần tư vấn chế độ dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.