Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh viêm tai giữa: phân loại, dấu hiệu và điều trị

Ngày 18/05/2022
Bệnh viêm tai giữa là một trong những bệnh lý về tai phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ là chủ yếu và nguy cơ biến chứng cao. Triệu chứng bệnh viêm tai giữa khá dễ nhận biết, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm đến chức năng nghe, não hay cả tính mạng.

1. Cấu tạo của tai

Trước khi tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa, hãy cùng MEDLATEC nắm rõ về cấu tạo của tai để hiểu về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe. Tai của chúng ta được cấu tạo gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ở phía bên trong tai còn có ống nối tai giữa với cổ họng, còn gọi là ống eustachian hay vòi nhĩ.

Viêm tai giữa có thể kéo dài dai dẳng nếu không điều trị tốt

Vòi nhĩ nối trực tiếp có những vai trò sau:

  • Chức năng thông hơi, cân bằng áp suất không khí giữa trong và ngoài tai.

  • Bảo vệ và ngăn chặn dịch từ mũi, họng chảy ngược lên tai giữa.

  • Giảm áp lực khi có âm thanh lớn dồn đến tai.

Khi người bệnh bị viêm tai giữa, các chức năng của vòi nhĩ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là chức năng cân bằng áp suất, trẻ nhỏ sẽ có hiện tượng nghiêng đầu sang một bên.

2. Phân loại bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa gồm hai thể bệnh với đặc điểm triệu chứng khác nhau như sau:

Viêm tai giữa cấp: Khi vi khuẩn xâm nhập tấn công vào tai giữa sẽ tiến triển thành viêm cấp. Tình trạng tổn thương xảy ra ở cả màng nhĩ và tai giữa, thậm chí kéo dài có thể khiến dịch chảy liên tục qua lỗ làm thủng màng nhĩ.

Viêm tai giữa có dịch tiết: So với viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa có dịch tiết ít nguy hiểm hơn do không phải nhiễm trùng. Thay vào đó, dịch tích tụ gây cảm giác nặng tai, triệu chứng cơ năng không rõ ràng nên rất khó phát hiện.

Bệnh viêm tai giữa là bệnh về tai thường gặp nhất

Viêm tai giữa là một trong những bệnh về tai nói riêng và bệnh thông thường thường gặp nhất, chỉ phổ biến sau viêm đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn nhưng trẻ em vẫn là đối tượng nguy cơ cao và dễ gặp biến chứng nặng nhất nếu không may mắc phải.

Do vậy, khi có dấu hiệu bệnh, cần sớm đi khám tại cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán, điều trị sớm bệnh. Thực tế có không ít trường hợp điều trị chậm trễ, viêm tai giữa nặng tiến triển thành các biến chứng trong sọ não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng,...

3. Dấu hiệu điển hình của bệnh viêm tai giữa

Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa biểu hiện khá rõ ràng với các triệu chứng gồm:

  • Sốt vừa đến sốt cao, đặc biệt thường sốt cao ở trẻ nhỏ đến 39 - 40 độ C.

  • Triệu chứng đi kèm: nôn trớ, bỏ bú, quấy khóc nhiều, co giật, kém ăn,...

  • Trẻ lớn đã biết thể hiện tình trạng gặp phải nên sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết biểu hiện như lắc đầu, dùng tay dụi vào tai,...

  • Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài phân lỏng và nhiều lần, triệu chứng này thường đi kèm với sốt.

Dấu hiệu bệnh viêm tai giữa ở trẻ rất dễ gây nhầm lẫn, nhiều trường hợp chỉ bị sốt, nôn và tiêu chảy nên chẩn đoán và điều trị bệnh không kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ có các dấu hiệu trên không rõ nguyên nhân hoặc viêm đường hô hấp nặng kéo dài, cần đưa trẻ đi khám kỹ càng về tai mũi họng.

Nếu không điều trị sớm, viêm tai giữa sau 2 - 3 ngày tiến triển sẽ chuyển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, khi đó dịch mủ chảy ra ngoài lỗ tai. Trẻ không còn kêu đau tai nữa, các dấu hiệu như sốt, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa cũng giảm bớt. Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cho rằng lúc này bệnh đã thuyên giảm và sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, thực ra khi bị chảy mủ, bệnh viêm tai giữa không thuyên giảm mà đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, bệnh dễ tái phát và chức năng nghe của tai cũng bị ảnh hưởng.

Nếu bệnh đến giai đoạn chảy mủ vẫn không được điều trị tốt, người bệnh có thể đối mặt với viêm tai giữa mạn tính, viêm tai - xương chũm mạn tính cùng nguy cơ biến chứng não bất cứ lúc nào.

Viêm tai giữa khi chảy mủ có thể tiến triển thành mạn tính

4. Điều trị viêm tai giữa thế nào?

Điều trị viêm tai giữa cần thực hiện sớm khi có dấu hiệu bệnh để hạn chế tối đa biến chứng cũng như giảm ảnh hưởng đến sức khỏe tai. Có nhiều phương pháp điều trị viêm tai giữa, song phổ biến nhất vẫn là điều trị nội khoa. Thuốc kháng sinh đường uống là lựa chọn hàng đầu để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa vi khuẩn thường gặp gây bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh đồ trong điều trị viêm tai giữa phải dựa trên thông tin về chủng vi khuẩn gây bệnh, nếu bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh thông thường sẽ cần xét nghiệm vi khuẩn trong mủ tai.

Điều trị viêm tai giữa bằng nội khoa thường kéo dài khoảng 8 ngày, nếu màng nhĩ bị thủng có thể cần thời gian dài hơn. Trong đó, 3 - 4 ngày đầu tiên cần dùng thuốc nhỏ tai để vệ sinh, ngăn chặn các bửng mủ làm bít đường dẫn lưu, sau đó rửa với nước muối sinh lý hoặc oxy già.

Nếu điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả, để cải thiện bệnh nhanh chóng có thể phải chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông nhĩ. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân xuất hiện những biến chứng nặng do viêm tai giữa và không đạt kết quả khi điều trị nội khoa thì cần can thiệp phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm,...

Viêm tai giữa nặng có thể phải điều trị bằng kháng sinh liều cao

Có thể thấy, bệnh viêm tai giữa dù thường gặp song nếu các bậc phụ huynh chủ quan, bệnh hoàn toàn có thể gây biến chứng nặng cho sức khỏe của bé. Khi bé có các dấu hiệu bệnh nghi ngờ như trên, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị dứt điểm.

Nếu cần tư vấn thêm hoặc đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.