Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh xơ gan được phân thành mấy loại và dấu hiệu nhận biết là gì?
- 23/06/2022 | Viêm gan B có gây xơ gan không, làm sao để phòng tránh?
- 25/07/2022 | Đông máu trong xơ gan là gì và những thông tin cực kỳ hữu ích
- 23/06/2022 | Làm sao để phân biệt xơ gan còn bù và mất bù chính xác?
1. Định nghĩa và phân loại bệnh xơ gan
Xơ gan chính là kết quả của hiện tượng xơ hóa hay tạo sẹo ở gan. Điều này diễn tiến qua một quá trình dài và do nhiều tác nhân gây nên, ví dụ như nghiện rượu hoặc nhiễm phải virus viêm gan. Sau mỗi lần gặp tổn thương, gan sẽ kích hoạt cơ chế tự làm lành những thương tổn này nhưng vô tình lại để lại mô sẹo. Càng nhiều lần như vậy càng chất chồng và tích lũy thêm cho gan những vết sẹo không thể chữa lành được nữa.
Mô sẹo xuất hiện nhiều sẽ khiến gan bị xơ hóa. Tình trạng này ngăn chặn lưu lượng máu đổ vào gan, cản trở hoạt động xử lý hormone, chất dinh dưỡng, hóa chất trong thuốc và độc tố tại gan. Ngoài ra xơ hóa còn làm hạn chế khả năng sản xuất protein cũng như những dưỡng chất khác do gan tạo ra. Khi bước vào giai đoạn cuối của xơ gan, bệnh nhân có tiên lượng tử vong rất cao.
Quá trình hình thành xơ gan
Phụ thuộc vào giai đoạn mà bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán cận lâm sàng, bệnh xơ gan được phân thành 2 loại như sau:
Xơ gan còn bù:
Là khi gan bị tổn thương nhưng vẫn còn khả năng thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản. Đây được coi là giai đoạn đầu của bệnh, diễn tiến trong nhiều năm, ít bộc lộ triệu chứng đáng kể hoặc nếu có cũng rất mờ nhạt, ví dụ như:
-
Chán ăn, mất cảm giác ăn ngon;
-
Cơ thể thiếu sức sống, mệt mỏi, không còn năng lượng;
-
Sốt nhẹ;
-
Buồn nôn;
-
Giảm cân;
-
Đau vùng hạ sườn phải.
Xơ gan mất bù:
Xảy ra khi gan bị tổn thương lan rộng, phần lớn các vùng gan đều đã bị xơ hóa và mất khả năng vận hành các chức năng cơ bản. Đây là giai đoạn tiến triển của xơ gan và có nhiều biểu hiện rõ rệt hơn. Biến chứng nguy hiểm nhất bệnh nhân sẽ phải đối mặt ở giai đoạn này là nguy cơ bị ung thư gan. Một số triệu chứng người bệnh cần phải hết sức lưu ý đó là:
-
Vàng da, vàng mắt;
-
Hay cảm thấy ngứa ngáy và sạm da;
-
Dấu hiệu bàn tay son (bàn tay chuyển màu đỏ rực lên);
-
Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu;
-
Nước tiểu đậm màu, phân có thể nhạt màu;
-
Có nhiều nốt giãn mạch màu đỏ xuất hiện trên da (nốt sao mạch);
-
Chàn chân, cẳng chân, mắt cá chân có hiện tượng sưng phù;
-
Báng bụng (hay cổ trướng), tụ dịch trong ổ bụng;
-
Nôn mửa ra máu hoặc đi ngoài ra máu;
-
Trí nhớ giảm sút, lú lẫn, tính cách thay đổi;
-
Giảm ham muốn tình dục, ở nam giới là biểu hiện teo tinh hoàn, tuyến vú phát triển, còn ở nữ giới là bị mãn kinh sớm.
Báng bụng là một trong những dấu hiệu của bệnh xơ gan
2. Các nguyên nhân dẫn tới bệnh xơ gan là gì?
Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh xơ gan đó là do virus và lạm dụng rượu trong thời gian dài. Cụ thể như sau:
2.1. Nhiễm virus viêm gan
Virus viêm gan A, B, C là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm gan mạn tính tại Việt Nam. Trong đó, hai loại viêm gan B và C có nguy cơ cao diễn tiến thành ung thư gan nếu không được điều trị từ sớm và đúng cách.
2.2. Xơ gan do rượu
Tại Việt Nam, văn hóa sử dụng rượu bia diễn ra khá phổ biến và đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh xơ gan. Rượu sẽ phá hủy các tế bào gan một cách từ từ. Ban đầu là tình trạng gan nhiễm mỡ, tiếp theo là viêm gan mạn tính và cuối cùng là bệnh xơ gan.
2.3. Những nguyên nhân khác dẫn tới xơ gan
-
Viêm gan tự miễn: đây là hiện tượng hệ thống miễn dịch tự tấn công các tế bào mô khỏe mạnh gây tổn thương gan;
-
Viêm gan nhiễm mỡ không phải do rượu: là dạng viêm gan do bị béo phì, thừa cân, tiểu đường tuýp 2, gan thấm mỡ;
-
Ký sinh trùng gây xơ gan: ký sinh trùng sốt rét, amip, sán lá gan,... là những loại ký sinh trùng phổ biến làm tổn thương gan;
-
Lạm dụng thuốc: thuốc kháng sinh, acetaminophen, thuốc chống trầm cảm,... nếu dùng quá liều hoặc duy trì trong thời gian dài mà không có chỉ định của y bác sĩ thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan;
-
Xơ gan do mắc bệnh di truyền: mắc phải hội chứng Alagille, hemochromatosis, thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh Wilson, các bệnh về dự trữ glycogen;
-
Ứ đọng máu lâu ngày gây xơ gan: viêm tắc tĩnh mạch tại gan, bệnh suy tim;
-
Mắc các bệnh lý làm tắc nghẽn hoặc tổn thương ống mật tại gan: tắc ống mật, viêm đường mật, ung thư đường mật,...
Hãy nói lời từ chối với bia rượu trước khi nó trở thành nguyên nhân phát triển bệnh xơ gan
3. Điều trị bệnh xơ gan bằng phương pháp nào?
3.1. Điều trị nguyên nhân
Bệnh xơ gan khi ở giai đoạn đầu cần được can thiệp xử lý với mục đích là giảm thiểu tối đa tổn thương cho gan. Các phương pháp điều trị có thể là:
-
Cai rượu: bệnh nhân tuyệt đối không được uống rượu, nếu nghiện rượu thì cần phải cai càng sớm càng tốt. Quá trình cai rượu có thể gặp nhiều khó khăn, do đó bệnh nhân và người nhà cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có phương án khắc phục hiệu quả;
-
Dùng thuốc điều trị viêm gan do virus;
-
Giảm cân: áp dụng cho đối tượng mắc bệnh xơ gan bị thừa cân, tiểu đường tuýp 2 hoặc gan nhiễm mỡ;
-
Sử dụng thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng khác nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt biểu hiện khó chịu do bệnh gây ra.
3.2. Điều trị biến chứng
Khi xơ gan đã phát triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp điều trị cụ thể:
-
Tăng áp tĩnh mạch cửa: dùng thuốc huyết áp để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết tiêu hóa và tăng áp tĩnh mạch cửa. Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên định kỳ nhằm kiểm tra tình trạng của các tĩnh mạch giãn tại dạ dày hoặc thực quản để có phương án điều trị kịp thời nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào;
-
Cổ trướng và phù: kiểm soát tình trạng này bằng cách xây dựng một chế độ ăn ít muối, truyền albumin và dùng các thuốc lợi tiểu. Nếu bị nặng thì cần áp dụng thủ thuật dẫn lưu ổ bụng hoặc kỹ thuật thông nối tĩnh mạch chủ trên với tĩnh mạch cửa của gan để giảm áp lực tĩnh mạch cửa;
-
Bệnh não gan: khắc phục hiện tượng nhiễm độc máu do chức năng gan bị kém bằng cách sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn;
-
Nhiễm trùng: dùng thuốc kháng sinh, tiêm phòng viêm gan A, B, viêm phổi và cúm;
-
Phòng ngừa ung thư gan: bệnh nhân cần được tiến hành siêu âm và xét nghiệm máu định kỳ để tìm kiếm dấu hiệu ung thư gan.
3.3. Phẫu thuật ghép gan
Nếu xơ gan làm mất chức năng gan hoàn toàn thì lựa chọn duy nhất để giải cứu bệnh nhân lúc này là phẫu thuật ghép gan. Điều này giúp thay thế lá gan đã bị hư hỏng của người bệnh bằng một lá gan khác khỏe mạnh hơn do tình nguyện viên hiến tặng. Tuy nhiên tỷ lệ người được ghép gan còn khá hạn chế do nguồn tạng được hiến không nhiều.
Gan là một bộ phận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể con người, thường xuyên phải đón nhận vi khuẩn và các chất độc hại nên nguy cơ dễ bị suy yếu và nhiễm độc cao. Chính vì thế bạn nên chủ động bảo vệ cơ quan này bằng cách đăng ký khám cũng như điều trị các bệnh về gan mật tại MEDLATEC cùng các chuyên gia đầu ngành. Tại đây được trang bị các thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại, kết hợp với đó là dịch vụ khám bệnh hoàn hảo, chuyên nghiệp và chi phí thăm khám hợp lý.
Liên hệ ngay đến hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ trực tiếp bạn nhé!
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!