Các tin tức tại MEDlatec
Cách phát hiện sớm và phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ sau sinh
- 15/06/2021 | Sinh mổ bao lâu thì lành? Phương pháp chăm sóc vết mổ như thế nào?
- 07/10/2024 | Tiếp cận và xử trí bệnh lý ứ dịch vết mổ đẻ cũ
- 31/10/2024 | Vết mổ sau sinh bị ngứa: Tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý
1. Dấu hiệu vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh có thể được nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Vết mổ đỏ và sưng: Khu vực xung quanh vết mổ trở nên đỏ rực hoặc sưng nhiều hơn so với ban đầu.
- Cơn đau tăng dần: Cảm giác đau tại vết mổ không giảm mà trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là sau vài ngày.
- Dịch bất thường: Dịch chảy ra từ vết mổ chuyển sang màu đục, vàng xanh hoặc có mùi hôi khó chịu.
- Sốt cao: Nhiệt độ cơ thể mẹ tăng lên trên 38°C, kèm theo ớn lạnh và mệt mỏi.
- Mệt mỏi toàn thân: Cảm giác yếu ớt, mệt mỏi nhiều hơn so với quá trình hồi phục thông thường.
Nhiễm trùng vết mổ có thể gây đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ
Đây là những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng vết mổ. Vì vậy khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên, mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Vệ sinh vết mổ không đúng cách: Sau phẫu thuật, nếu vết mổ không được giữ sạch và khô thoáng, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng. Việc không thay băng hoặc thay không đúng kỹ thuật cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Hệ miễn dịch yếu: Sức đề kháng của phụ nữ sau sinh thường suy giảm so với người bình thường, do đó, sản phụ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn và vi rút gây nhiễm trùng.
- Kỹ thuật phẫu thuật và chăm sóc không đảm bảo: Trong một số trường hợp, kỹ thuật khâu vết mổ hoặc việc chăm sóc hậu phẫu không đạt tiêu chuẩn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ, dụng cụ y tế không vô trùng hoặc quy trình khâu không đúng cách làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng sau sinh.
- Tiểu đường hoặc bệnh lý nền: Những sản phụ mắc các bệnh lý mãn tính như: tiểu đường, huyết áp cao, béo phì,... có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do quá trình lành vết thương chậm hơn và hệ miễn dịch dễ suy yếu.
- Ngoài ra, còn một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ như: vết mổ cũ nhiều lần; trong quá trình mổ bị sót nhau, sót màng, thời gian mổ kéo dài, mất máu nhiều, vết mổ cũ dính, rách thêm, máu tụ,...
3. Phương pháp điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Khi phát hiện vết mổ bị nhiễm trùng, việc điều trị kịp thời là yếu tố quyết định để ngăn ngừa biến chứng. Tùy vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sau:
Mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay khi bị sốt cao kèm theo các dấu hiệu sưng đỏ bất thường, nghi ngờ nhiễm trùng vết mổ sau sinh
3.1. Điều trị bằng thuốc
Đây là bước điều trị chính trong trường hợp nhiễm trùng nhẹ đến trung bình. Bác sĩ thường sẽ chỉ định mẹ dùng kháng sinh bao vây, phối hợp đường truyền tĩnh mạch thuốc tăng co hồi tử cung. Đa phần các bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp này. Quan trọng là mẹ phải tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình để tránh kháng thuốc.
Trong trường hợp bệnh nhân không hết sốt trong vòng 3 ngày điều trị sẽ cần cân nhắc đổi kháng sinh.
3.2. Chăm sóc vết thương tại chỗ
Vết mổ cần được chăm sóc kỹ lưỡng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc thay băng thường xuyên, đúng cách giúp ngăn ngừa vi khuẩn lây lan và thúc đẩy quá trình lành lại. Đối với những vết mổ có dịch mủ, bác sĩ có thể tiến hành dẫn lưu để loại bỏ dịch nhiễm trùng.
3.3. Can thiệp phẫu thuật lại
Trong các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, khi vết mổ bị hở hoặc mô xung quanh bị hoại tử hoặc sản phụ không đáp ứng với kháng sinh, diễn tiến bệnh nặng hơn,... bác sĩ có thể cần phải phẫu thuật lại lại vết mổ để làm sạch toàn bộ khu vực bị nhiễm. Phẫu thuật lại giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng và bảo vệ các cơ quan xung quanh.
3.4. Theo dõi và tăng cường miễn dịch
Sau khi điều trị, việc theo dõi liên tục và tái khám định kỳ là vô cùng cần thiết. Bác sĩ sẽ đánh giá tiến trình hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần. Đồng thời, mẹ cần tăng cường dinh dưỡng và nghỉ ngơi để nâng cao hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sau nhiễm trùng.
Bằng cách kết hợp các phương pháp điều trị trên, việc kiểm soát nhiễm trùng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, giúp mẹ phục hồi sức khỏe một cách an toàn và nhanh chóng.
4. Một số lưu ý khi vệ sinh và chăm sóc vết mổ sau sinh
- Sau sinh mổ, mẹ nên tránh để vết mổ bị ướt trong 48 giờ đầu, nếu vết mổ bị ướt, hãy thấm khô ngay lập tức để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Khi thay băng, cần đảm bảo thay hàng ngày với băng vô trùng, đồng thời rửa tay thật sạch trước và sau khi thực hiện.
- Mẹ cũng không nên tự ý bôi các sản phẩm như kem, dầu hay thuốc lên vết mổ nếu không có chỉ định từ bác sĩ để tránh kích ứng. Chỉ bôi thuốc sẹo khi vết sẹo mổ đã liền hoàn toàn và mọc thay xong da non.
- Nếu phát hiện các dấu hiệu như vết mổ đỏ, sưng, hoặc dịch chảy bất thường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra.
- Ngoài ra, mẹ cần hạn chế các hoạt động mạnh như cúi gập hoặc nâng đồ nặng để giúp vết mổ nhanh lành và tránh tổn thương thêm.
Chọn cơ sở y tế uy tín để đồng hành trong quá trình vượt cạn sẽ giúp mẹ hạn chế rủi ro nhiễm trùng
Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng vết mổ sau sinh, các mẹ nên lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, quy trình sinh mổ đảm bảo, chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp. Hệ thống Y tế MEDLATEC tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng cao về y tế, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình thăm khám đạt chuẩn chất lượng, giúp mẹ kịp thời phát hiện các biến chứng sau sinh.
Nếu phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh, mẹ hãy liên hệ ngay MEDLATEC hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ!
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!