Các tin tức tại MEDlatec
Cây ngải dại chữa bệnh gì?
- 28/08/2024 | Cây gáo là cây gì, có thể chữa bệnh nào?
- 01/01/2024 | Cây nhọ nồi có tác dụng gì, sử dụng như thế nào?
- 01/12/2023 | Cây bọ mắm: đặc điểm dược liệu và công dụng chữa bệnh
1. Đặc tính của cây ngải dại
Ngải dại là loại cây họ cúc. Nhiều người thường nhầm ngải dại với ngải cứu. Thực chất đây là 2 loại dược liệu khác nhau và có những công dụng khác nhau. Do đó, cần phân biệt 2 loại cây này để sử dụng đúng cách và hiệu quả.
Ngải dại mọc hoang trong tự nhiên
Phần mặt trên của lá cây ngải dại thường có màu lục nhạt, phần mặt dưới màu xám và ít lông. Đây là điểm khác biệt khá rõ ràng đối với lá ngải cứu, vì lá ngải cứu thường có màu sậm hơn ở mặt trên và phần mặt dưới có một lớp lông trắng mịn. Khi vò lá, cây ngải dại sẽ có mùi hắc nhiều hơn so với lá ngải cứu.
Ngải dại thường mọc thành từng đám. Loại cây này thích nghi tốt ở những vùng đất ẩm ướt, chẳng hạn như đất ven đường, khe suối,... Cây ngải dại phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 13 đến 18 độ C. Ở nước ta, loại cây này thường phân bố tại nhiều tỉnh thành miền núi phía bắc, chẳng hạn như Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu,...
2. Cây ngải dại chữa bệnh gì?
Là một loại cây mọc hoang nhưng ngải dại có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Trong Y học Cổ truyền, đây là loại dược liệu có tính mát nên thường được kết hợp với nhiều loại dược liệu khác để điều trị tiêu viêm, thanh nhiệt cơ thể. Có thể sử dụng lá ngải dại tươi hoặc cũng có thể mang đi phơi khô và dùng dần.
Trong Y học hiện đại, lá ngải dại có một lượng lớn tinh dầu, có chứa nhiều hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt, đồng thời có tác dụng loại bỏ những tác nhân gây hại trên bề mặt da và trong cơ thể.
Ngải dại hỗ trợ điều trị bệnh về da khá hiệu quả
Những hoạt chất có trong lá ngải dại tăng cường sức đề kháng cho da, giúp vết thương mau lành. Ngoài ra, còn giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa và hạ sốt nhanh chóng.
Công dụng phổ biến nhất của cây ngải dại đó là điều trị bệnh viêm da cơ địa, giúp người bệnh loại bỏ những triệu chứng bệnh như nổi mẩn đỏ trên da, ngứa da, phù nề, sưng, đóng vảy,...
Sở dĩ, ngải dại có tác dụng này là do nó có chứa các hợp chất kháng khuẩn, kháng viêm, từ đó ức chế sự hoạt động của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời phòng ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào trong da. Không những vậy, ngải dại còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp vùng da viêm hồi phục nhanh chóng hơn, cân bằng độ ẩm cho da và hạn chế tối đa nguy cơ gây tổn thương đến lớp biểu bì.
3. Một số bài thuốc điều trị bệnh từ cây ngải dại
- Bài thuốc chữa điều hòa kinh nguyệt:
Chuẩn bị 10g lá ngải dại, sau khi rửa sạch và để khô thì mang đi nấu cùng với nước (khoảng 200ml nước). Đun đến khi phần nước còn lại 50ml thì tắt bếp. Uống thuốc mỗi ngày một lần và thực hiện liên tục trong một tuần để kinh nguyệt đều đặn hơn. Lưu ý, uống trước khi kỳ kinh đến.
Ngải dại giúp kinh nguyệt của bạn đều đặn hơn
- Bài thuốc điều trị đau đầu cảm cúm
Cần chuẩn bị khoảng 20g lá ngải dại, 20g lá cúc tần cùng với 10g gừng tươi. Sau khi rửa sạch để ráo thì sắc với nước. Phần nước thu được, cho người bệnh uống và có thể dùng để xông cho mồ hôi toát ra. Đây cũng là một cách điều trị đau đầu cảm cúm rất hiệu quả.
- Bài thuốc điều trị viêm da cơ địa
Lá ngải dại có tính kháng viêm, kháng khuẩn rất cao, có thể giúp vết thương nhanh lành và không gây kích ứng da, rất an toàn cho da. Hơn nữa, bài thuốc chữa viêm da cơ địa lại rất dễ thực hiện.
Để thực hiện bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị 30g lá ngải dại tươi, muối hạt. Trước hết, cần rửa sạch lá và ngâm lá ngải dại vào nước muối trong khoảng 20 phút để loại bỏ vi khuẩn trên lá.
Sau đó, vớt lá và để ráo, cho vào nồi nấu cùng 3 đến 4 lít nước. Cho vào nồi một ít muối hạt, đun trong khoảng 10 phút. Sau đó, cho nước sạch vào hòa cùng để tắm và làm sạch vùng da bị bệnh. Có thể dùng nước này để ngâm chân tay trong khoảng 30 phút cho đến khi nước nguội. Áp dụng bài thuốc này 2 đến 3 lần mỗi ngày, các triệu chứng bệnh như ngứa da, sưng da, phù nề, nổi mẩn đỏ,... sẽ thuyên giảm rõ rệt.
4. Cần lưu ý gì khi dùng cây ngải dại?
Ngải dại mang lại nhiều lợi ích điều trị bệnh, trong đó bao gồm viêm da cơ địa. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng đúng cách mới có thể đạt được kết quả tốt nhất và phòng ngừa nguy cơ rủi ro về sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
Dùng ngải dại đúng cách để tránh nguy cơ rủi ro về sức khỏe
- Ngải dại chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và không hoàn toàn thay thế cho thuốc điều trị bệnh. Do đó, nếu đã được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị thì bạn nên tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra.
- Khi áp dụng bài thuốc từ cây ngải dại, cần sử dụng kiên trì mới có thể đạt được hiệu quả.
- Ngải dại mọc hoang trong tự nhiên và thường mọc ở những khu vực ẩm thấp,... Do đó, trong quá trình thu hái nên chọn những cây mọc ở vùng sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, tạp chất hay những chất độc hại khác,...
- Nếu sau khi sử dụng, cơ thể có biểu hiện lạ thì nên dừng thuốc và đến ngay các cơ sở y tế để được các chuyên gia thăm khám và xử trí sớm.
Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về đặc tính cũng như những công dụng điều trị bệnh của cây ngải dại. Đây là loại cây rất phổ biến và lành tính nhưng cần được sử dụng đúng cách. Các bài thuốc nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!