Các tin tức tại MEDlatec

Chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Hệ lụy và phương hướng điều trị

Ngày 25/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động, tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Vậy triệu chứng của hội chứng như thế nào, phương pháp điều trị ra sao, bạn có thể giải đáp câu hỏi này qua những thông tin dưới đây.

1. Về khái niệm rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm 

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một loại rối loạn tâm lý có cả trầm cảm và lo âu nhưng trong đó không một trạng thái nào có tính nghiêm trọng đủ để chẩn đoán riêng biệt.

BSCK2. Vũ Thị Lan, Phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Trong Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ mười (ICD-10), rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được xếp vào mã bệnh F41.2 thuộc các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể”. Dạng rối loạn này có nguy cơ cao hơn ở nữ giới.

Người bệnh bị mệt mỏi triền miên do rối loạn trầm cảm lo âu

2. Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Nguyên nhân và triệu chứng

2.1. Nguyên nhân mắc phải chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường do:

- Yếu tố di truyền từ gia đình.

- Chịu căng thẳng kéo dài.

- Sang chấn tâm lý từ vấn đề tiêu cực trong quá khứ, thất bại trong công việc, nỗi đau mất người thân,...

- Chất dẫn truyền thần kinh trong não bị rối loạn.

2.2. Triệu chứng gặp phải ở bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Khi bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm người bệnh cũng sẽ có các biểu hiện:

- Triệu chứng lo âu

+ Người bệnh dễ cảm thấy lo lắng với nhiều vấn đề của cuộc sống, thậm chí cả với những điều rất nhỏ nhặt mà không có lý do nào cụ thể.

+ Mất tập trung vào công việc hay học tập do tâm lý lo lắng, ám ảnh.

+ Cơ thể cảm thấy kiệt sức dù không hoạt động nhiều, thường xuyên trong trạng thái tâm lý căng thẳng.

+ Giấc ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc và không ngủ lại được, khó ngủ.

- Triệu chứng trầm cảm

+ Tâm trạng buồn chán, mất hứng thú với những sở thích cố hữu.

+ Từ chối mọi hoạt động sinh hoạt cuộc sống thường ngày.

+ Người bệnh thường tự đánh giá thấp bản thân, cảm thấy mình vô dụng và có những suy nghĩ tiêu cực.

+ Suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, có hành vi tự tử.

Các trạng thái dễ gặp ở chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

3. Chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân?

3.1. Suy giảm sức khỏe thể chất

- Đau cơ, đau đầu thường xuyên do tâm lý bị căng thẳng và lo âu kéo dài.

- Có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, đau bụng, khó tiêu,... 

- Cơ thể suy kiệt, mệt mỏi do chất lượng giấc ngủ kém, bị rối loạn giấc ngủ.

3.2. Ảnh hưởng về quan hệ xã hội

- Người bệnh có xu hướng thu mình, không tham gia vào bất cứ hoạt động nào trong gia đình, không giao tiếp bạn bè và không muốn tham gia các hoạt động xã hội.

- Thiếu động lực kết hợp cảm giác tự ti khiến người mắc chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp.

- Mệt mỏi, lo lắng, khả năng tập trung kém khiến người bệnh bị giảm sút hiệu suất công việc, sự nghiệp dễ gặp ảnh hưởng.

4. Điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm bằng phương pháp nào?

Để việc điều trị chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đạt được hiệu quả tối ưu, bác sĩ có thể chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều phương pháp:

4.1. Dùng thuốc

Ban đầu chỉ điều trị với liều lượng thấp để cơ thể làm quen sau đó tăng dần cho đến khi đạt được mục tiêu điều trị. Tuy nhiên, nhóm thuốc giảm lo âu cần hạn chế vì nguy cơ gây nghiện.

- Thuốc an thần

+ Nhóm thuốc Benzodiazepines: Hiệu quả nhưng nhưng nếu dùng lâu dài dễ gây lệ thuộc.

+ Nhóm thuốc Non-benzodiazepines.

+ trầm cảm thuộc 1 trong các nhóm: SSRI, SNRI, NASSa,...

+ Thuốc an thần kinh: Risperidon, Olanzapin, Quetiapin,...

Người bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được hỗ trợ điều trị từ chuyên gia tâm lý

4.2. Trị liệu tâm lý

- Liệu pháp nhận thức - hành vi: Mục tiêu tăng nhận thức về thực trạng bệnh từ phía bệnh nhân để họ có quyết tâm thay đổi suy nghĩ tiêu cực.

- Liệu pháp hỗ trợ tâm lý: Người bệnh được điều trị bởi chuyên gia tâm lý để giải tỏa các áp lực tinh thần và học cách đối phó trước những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống.

4.3. Thay đổi lối sống

- Tập thể dục một cách đều đặn để thư giãn các trạng thái tâm lý tiêu cực, kích thích não bộ tăng sản xuất serotonin và endorphin để giảm thiểu cảm giác lo âu và trầm cảm.

- Đảm bảo cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc mỗi ngày, nhất là giấc đêm để sớm phục hồi.

- Chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là nhóm thực phẩm giàu omega-3 và vitamin B để cải thiện hoạt động chức năng não.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tâm lý, cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vì thế, khi nghi ngờ triệu chứng của hội chứng này, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa và chia sẻ với người thân để được hỗ trợ tích cực.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cách thức đặt lịch nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.