Các tin tức tại MEDlatec
Chuyên gia gạo cội với khát khao hình thành mô hình chẩn đoán hình ảnh hiện đại hàng đầu Việt Nam
- 17/09/2022 | THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Hội nghị khoa học "Cập nhật xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị"
- 05/09/2022 | Việt Nam có Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao tập trung đầu tiên
- 18/09/2022 | Đại biểu tham dự “trầm trồ” trước màn trình diễn chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao trong khuôn khổ Hội nghị khoa học tại Ninh Bình
PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng
- Nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.
- Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.
- Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC.
- Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y.
Giữ vai trò chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu hàng chục đề tài, công trình nghiên cứu, bài giảng qua hơn 30 năm cống hiến cho ngành Y.
Sứ mệnh của “người tiên phong”
PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng - từ một quyết định có phần mạo hiểm khi theo học chuyên ngành X-Quang khóa 12, Bác sĩ Nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội, hơn 30 năm sau, ngành chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam may mắn “sở hữu” thêm một vị chuyên gia gạo cội đầy tâm huyết với nghề.
Tại sao lại gọi là mạo hiểm? Khi ấy, X-Quang là một chuyên ngành khó, hệ thống máy móc, trang thiết bị còn thô sơ, hơn nữa, tính chất công việc mang đầy nguy hiểm khi các bác sĩ X-Quang luôn phải đối mặt với nguy cơ bị “ăn tia”.
PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ rằng thuật ngữ “chẩn đoán hình ảnh” chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây, trước đó, trong ngành Y chỉ mới tiếp cận với thuật ngữ “X-Quang”. Cả sự nghiệp của ông song hành cùng nhiều giai đoạn phát triển của lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh ở nước ta mà ông cho rằng đó là những niềm vinh dự “không phải ai cũng có”.
Chỉ ít năm sau những khó khăn ban đầu khi ông tiếp xúc với tia X, Việt Nam đã có máy siêu âm đầu tiên và tiếp đó là năm 1991, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cùng người thầy của mình là GS.TS Hoàng Đức Kiệt - Nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô vinh dự là một trong hai bác sĩ đầu tiên được tiếp cận với máy chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) ở nước ta.
Niềm vui chưa dừng lại, năm 1995, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ, trở thành Tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh thời bấy giờ; đồng thời cũng trong năm này ông được Chính phủ Cộng hoà Pháp lựa chọn trở thành nhóm bác sĩ trẻ đầu tiên sang đây học tập và làm việc. Khi ông trở về Việt Nam vào năm 1996, nước ta đã có máy cộng hưởng từ (MRI), đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Điện quang và Y học hạt nhân.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị Điện quang các nước ASEAN lần thứ 14 tại Hà Nội
Chuyên gia liên tiếp trở thành người đầu tiên được tiếp cận với những công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến ở nước ta, đây là động lực to lớn thôi thúc ông không ngừng học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.
Những năm tháng công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô với vai trò Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, ông luôn ấp ủ nhiều ý tưởng, sáng kiến trong chẩn đoán hình ảnh với mong muốn phục vụ tốt hơn cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng dẫn đoàn lãnh đạo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến… tham quan Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (28/3/1958 - 28/3/2018)
Hơn 30 năm cống hiến tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, niềm “say nghề” chưa từng “nguội” trong trái tim của người bác sĩ. Sau khi nghỉ hưu tại đây, ngày 20/12/2021, ông chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC trực thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Lý giải về việc “nghỉ hưu nhưng không chỉ chân”, khởi đầu một hành trình mới khi đã ở tuổi ngoài 60, ông chia sẻ về mối lương duyên với GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hệ thống Y tế MEDLATEC GROUP từ khi còn là sinh viên nội trú của trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng quan trọng hơn, ông tìm thấy “điểm giao” trong lý tưởng khám chữa bệnh của mình với MEDLATEC đó là đều phục vụ lợi ích của cộng đồng. Tại đây, ông có một mục tiêu xây dựng Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh hiện đại hàng đầu Việt Nam.
“Làm ngành y, tự nhiên trong con người mình trỗi dậy nhiều trách nhiệm với cộng đồng. Đó là nhiệm vụ cao cả mà nghề Y đã trao cho, là một phần sứ mệnh trong cuộc đời”, ông bộc bạch.
Nỗ lực xây dựng thành công “kiềng 3 chân” cho đứa con tâm huyết
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ rằng nguồn nhân lực và hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao ở nước ta đang không có sự đồng đều, chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Những người dân ở các địa phương muốn chẩn đoán hình ảnh để phát hiện, theo dõi bệnh phải di chuyển tới các bệnh viện tuyến trên hoặc những địa phương khác, điều này chưa thực sự thuận tiện và đặc biệt gây khó khăn khi bệnh nhân đang có những dấu hiệu bệnh trở nặng.
Từ những thực tế đó, ông quyết tâm triển khai hiệu quả công tác dự phòng y tế với mô hình Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh “không khoảng cách”, đáp ứng kết nối trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.
Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC không chỉ là đứa con tâm huyết của riêng ông mà còn là của cả Ban lãnh đạo Hệ thống Y tế MEDLATEC với sự đầu tư vô cùng lớn. Bên cạnh thế mạnh xét nghiệm, đây sẽ là lĩnh vực tiếp theo khẳng định thế mạnh cận lâm sàng của MEDLATEC, hỗ trợ đắc lực bác sĩ để phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác các bệnh lý.
Trong suốt thời gian công tác tại Trung tâm, sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của ông đồng hành cùng các cộng sự đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng tự hào mà các cán bộ tại đây vẫn thường ví như “kiềng 3 chân” giúp Trung tâm phát triển bền vững.
Đầu tiên, phải kể đến việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong chẩn đoán hình ảnh tại Trung tâm. Là một trong những đơn vị ngoài công lập đón đầu kỷ nguyên số hóa 4.0, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh đánh dấu bước ngoặt lớn của MEDLATEC trên “sân chơi” ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Nhớ lại kỷ niệm hơn 20 năm trước, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng bộc bạch: “Ngày đó, khi tôi đi giảng dạy sinh viên trong Sài Gòn, tay khệ nệ ôm theo một chồng phim X-Quang làm tài liệu giảng dạy. Giờ đây, với sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ 4.0, chúng ta không còn phải vất vả nhiều như vậy. Thế hệ của tôi được trực tiếp trải qua những ngày tháng ‘thô sơ' đó mới thấy trân quý những thành tựu công nghệ hiện nay”.
Tại Trung tâm Chẩn đoán hình MEDLATEC sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS cùng nền tảng công nghệ Web-cloud không giới hạn các thiết bị. Vì vậy, Trung tâm đáp ứng kết nối trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, có thể thay thế hoàn toàn cho phim X-Quang nhựa truyền thống.
Nhờ PACS, các chuyên gia, bác sĩ và khách hàng dễ dàng tương tác, trao đổi, chẩn đoán tức thì, không chỉ liên chuyên khoa mà còn kết nối hội chẩn với nhiều bệnh viện khác nhau. Các bác sĩ có thể ngồi ngay tại Trung tâm ở đầu cầu Hà Nội tư vấn kết quả, hội chẩn chuyên môn cho các ca bệnh ở mọi miền trên Tổ quốc. Quan trọng hơn giúp bác sĩ xem rõ thông tin lâm sàng của người bệnh phục vụ trong quá trình chẩn đoán, những dữ liệu này đều đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối.
Đặc biệt, quy trình số hoá được áp dụng triệt để trong việc trả kết quả khi bệnh nhân chỉ cần một mã QR Code hoặc một đường link là có thể truy cập để nhận kết quả. Ở đây, yếu tố “không khoảng cách” được thực hiện.
Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC đáp ứng kết nối trực tuyến hỗ trợ đắc lực các bác sĩ và người bệnh
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, nhờ kết nối trực tuyến giúp loại bỏ nhiều công đoạn rườm rà, tiết kiệm thời gian đáng kể của người bệnh cũng như y bác sĩ, tiết kiệm nguồn chi phí cho bệnh nhân khi không phải mua bệnh án giấy và in phim gây ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Chiếc kiềng thứ hai mà chuyên gia đã nỗ lực chỉ đạo quyết liệt đó là quy trình đọc phim nghiêm ngặt tại Trung tâm. Theo số liệu thống kê, những ngày cao điểm, Trung tâm phải đọc phim cho hơn 4.000 khách hàng. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để đảm bảo sự chính xác trong việc trả kết quả cho một con số lớn như vậy?
Tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC, một kết quả phim phải được trải qua nhiều cấp duyệt, những “ca khó” bắt buộc phải có sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Trong cuốn sổ tay từ thời sinh viên của mình, ông khắc ghi lời dạy của thầy Hoàng Sử - ông tổ của ngành X-Quang Việt Nam: “Thầy thuốc chuyên khoa X-Quang phải có kiến thức lâm sàng đầy đủ thì mới có cơ sở chẩn đoán tốt”. Đó chính là lý do quy trình đọc phim tại Trung tâm luôn phải đối chiếu với các thông tin lâm sàng của bệnh nhân, có sự phối hợp chặt chẽ giữa lâm sàng và cận lâm sàng.
Ông nhấn mạnh thêm, công tác chẩn đoán hình ảnh mang tính tiên phong, mở đường cho việc điều trị, bởi vậy phải đảm bảo sự chính xác, không thể có bất kỳ một sai sót nào bởi có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các công đoạn chẩn đoán và điều trị sau đó.
Chiếc kiềng cuối cùng góp phần tạo nên điểm nhấn khác biệt với các đơn vị chẩn đoán hình ảnh khác đó là sự đột phá trong cách thức tổ chức của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức đọc phim tập trung đang được áp dụng triệt để tại Trung tâm. Tại đây, các bác sĩ, chuyên gia thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chuyên môn, đảm bảo kết quả phim chính xác nhất tới người bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm còn định hướng phát triển như một đơn vị hạt nhân hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở y tế còn hạn chế về máy móc và nguồn nhân lực chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao.
Từ đó, một ý tưởng độc đáo về mô hình hội chẩn liên viện đã được ra đời. Với kết nối trực tuyến, không chỉ dừng lại ở việc đọc phim, các chuyên gia đầu ngành từ nhiều đơn vị trên cả nước sẽ cùng “ngồi lại” mang đến giải pháp đích, hướng điều trị cuối cùng phù hợp nhất cho người bệnh. Người bệnh ở những địa phương tiềm lực y tế còn “mỏng” chưa cần vội vàng di chuyển ra các thành phố lớn thăm khám gây tốn kém thời gian và chi phí.
Chia sẻ thêm về ý tưởng này, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: “Tất cả vì mục tiêu đẩy mạnh, tập trung nguồn lực y tế vào những nơi thiếu thốn, cung cấp dịch vụ chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao cho người dân vùng sâu xa nhất, bất kể đâu, bất kể thời gian nào; không chỉ phục vụ cho người giàu, người có điều kiện hay một nhóm người dân nào đó mà hướng đến mọi đối tượng”.
Một ca hội chẩn liên viện có sự tham gia trực tiếp của bệnh nhân cùng PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng và các chuyên gia từ bệnh viện đầu ngành
Nhờ những yếu tố vượt trội từ hạ tầng công nghệ hiện đại, năng lực chuyên môn cao cùng cách thức tổ chức đột phá đó mà “tiếng lành đồn xa”, cho đến nay, Trung tâm nhận được sự tín nhiệm của nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Trong thời gian qua, Trung tâm đã ký kết hợp tác với một số đơn vị tiêu biểu như Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Cao Bằng… cùng hệ thống các phòng khám tư nhân trên toàn quốc.
“Khi hiểu được giá trị của hành trình mình theo đuổi, đam mê sẽ tự nhiên nảy mầm…”
Hơn 40 năm trong nghề, ở tuổi 60 nhưng chuyên gia vẫn tràn đầy nhiệt huyết với bao ý tưởng mới cho Trung tâm, quyết tâm cùng các đồng nghiệp thực hiện mục tiêu đưa Trung tâm trở thành đơn vị Chẩn đoán hình ảnh hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Niềm “say nghề” ấy cũng có lý lẽ riêng của nó. Ông nói: “Khi hiểu được giá trị của hành trình mình theo đuổi, đam mê sẽ tự nhiên nảy mầm. Hạnh phúc của thầy được đo bằng sức khỏe của người dân, khi cộng đồng khỏe mạnh thì bản thân mình cũng hạnh phúc hơn”.
Ông đã mang tinh thần “say nghề” ấy đến với tất cả các bác sĩ, cán bộ công tác tại Trung tâm. Như một vị “thuyền trưởng” đứng đầu dẫn dắt sát sao, ông liên tục thôi thúc tinh thần “các thuyền viên” và vô cùng chặt chẽ trong việc trau dồi năng lực chuyên môn cho đơn vị. Đôi khi, nói vui rằng ông “làm khó” bởi các bác sĩ luôn phải phản biện được với ông những vấn đề chuyên môn phức tạp.
Ở tuổi 60, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng vẫn tích cực tham gia các Hội nghị khoa học, không ngừng đóng góp thêm nhiều giá trị cho lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh
Bởi theo ông: “Một người thầy thuốc giỏi không thể được đặt trong một môi trường dễ dãi, phải liên tục có sự va chạm chuyên môn, ‘xào xáo' kiến thức, càng học càng thấy chưa đủ. Để chạy đua với tính mạng của bệnh nhân, chỉ có cách phải giỏi hơn”.
Bác sĩ Trần Văn Thụ - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ: “Trong nhiều buổi họp của Trung tâm, thầy liên tục nhắc nhở về việc đảm bảo kết quả đọc phim chính xác và các cán bộ phải thường xuyên tôi luyện chuyên môn, y đức vững vàng theo suốt những năm tháng hành nghề, coi người bệnh như người thân, nếu kết quả không chính xác là đang làm nguy hại đến người thân của mình”.
Tinh thần, ngọn lửa nhiệt huyết mà ông mang lại như một động lực để toàn bộ đội ngũ cán bộ tại đây kiên định với sứ mệnh và tầm nhìn của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh nói riêng và Hệ thống Y tế MEDLATEC nói chung trong hành trình đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân.
Chúc chuyên gia sẽ luôn giữ mãi sự “say nghề” ấy để tiếp tục đóng góp vào ngành y tế nước nhà, giúp người dân trên cả nước ngày càng được thụ hưởng những thành tựu y tế chất lượng cao nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!