Các tin tức tại MEDlatec

Dấu hiệu ung thư não và các phương pháp điều trị

Ngày 01/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Ung thư não có thể gây tử vong. Dấu hiệu ung thư não cũng rất đa dạng vì nhiều yếu tố, đặc biệt là vị trí khối u hay tính chất của tế bào ung thư. Chính vì thế, bạn nên đi khám sớm dù cơ thể chỉ có những thay đổi nhỏ hay những triệu chứng thoáng qua.

1. Dấu hiệu ung thư não

Người bệnh ung thư não thường xuất hiện những triệu chứng như sau:

- Tăng áp lực nội sọ do ứ đọng dịch não tủy, khối u ngày càng lớn.

Đau đầu có thể do ung thư não gây ra

- Đau đầu: Dấu hiệu ung thư não này cũng dễ gặp phải, đây có thể là những cơn đau đầu cục bộ hay đau đầu toàn thể. Cơn đau đôi khi rất dữ dội nhưng đôi khi lại mơ hồ, thậm chí người bệnh không thể xác định rõ vị trí đau. Theo thời gian, mức độ đau sẽ ngày càng tăng dần, không thuyên giảm dù đã dùng thuốc giảm đau.

- Nôn: Bệnh nhân dễ bị nôn vọt. Trước và sau khi nôn không có biểu hiện đau bụng và tình trạng nôn cũng không liên quan đến vấn đề ăn uống.

- Phù gai thị với những triệu chứng như nhìn mờ và kèm theo nôn hay đau đầu.

- Động kinh: Tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên và lặp lại nhiều lần.

Trí nhớ kém có thể là triệu chứng ung thư não

- Một số triệu chứng khác:

+ Khối u tuyến yên gây ra một số biểu hiện bệnh như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, thị lực kém, ăn uống nhiều, đầu ngón chân và ngón tay to, béo phì, thiểu năng sinh dục.

+ U góc cầu tiểu não: Người bệnh dễ bị ù tai và chóng mặt, tê mặt và tê lưỡi, nhìn kém,...

+ U tiểu não: Đi không vững, tăng áp lực nội sọ.

+ U thùy trán: Trí nhớ kém, khó tập trung, mất khứu giác, rối loạn ngôn ngữ,...

+ U thùy đỉnh: Người bệnh bị giảm cảm giác, không thể xác định được vị trí,....

+ U thùy thái dương: Người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ, không thể đọc tên được những đồ dùng hàng ngày, kèm theo đó có thể là chứng sụp mi, giãn đồng tử,...

+ U thùy chẩm: Gây tăng áp lực nội sọ và giảm thị lực.

+ U não thất: Người bệnh thường gặp phải những cơn đau đầu vô cùng dữ dội.

2. Chẩn đoán ung thư não

Ngoài các dấu hiệu ung thư não, bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác về bệnh:

- Xét nghiệm dịch não tủy.

- Chụp CT-scan, chụp MRI.

- Chụp động mạch não.

- Điện não đồ.

- Chụp PET/CT.

- Sinh thiết não.

3. Điều trị ung thư não

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư não. Người bệnh có thể điều trị theo từng biện pháp riêng lẻ hoặc điều trị bằng cách kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các phương pháp điều trị bao gồm:

- Theo dõi tích cực: Nếu trường hợp xác định những khối u là lành tính, đồng thời người bệnh không xuất hiện triệu chứng bất thường và bệnh tiến triển chậm. Bệnh nhân không cần điều trị ngay mà chỉ cần theo dõi thường xuyên để nhận biết những thay đổi, sự phát triển của khối u và có hướng xử trí kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.

- Phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật cần loại bỏ khối u nhưng không gây ảnh hưởng đến các tổ chức, cơ quan xung quanh. Tùy thuộc vào bản chất khối u nông hay sâu, có giới hạn rõ ràng hay không, vị trí ở đâu,... bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc cắt bỏ toàn bộ khối u.

- Xạ trị: Là cách dùng tia năng lượng cao để loại bỏ những tế bào ung thư não. Có thể xạ trị sau phẫu thuật để loại bỏ triệt để những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Có thể dùng thuốc trong điều ung thư

- Hóa trị: Là cách dùng các loại thuốc để loại bỏ tế bào ung thư, thu nhỏ khối u. Có thể áp dụng khối u trước hoặc sau phẫu thuật hay kết hợp với xạ trị để mang đến hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.

- Liệu pháp nhắm trúng đích: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng các loại thuốc có tác dụng mạnh vào yếu tố tăng sinh mạch và có tác động vào gen, protein.

- Vật lý trị liệu: Những khối u ung thư ở não thường khiến bệnh nhân bị rối loạn vận động. Chính vì thế, trong quá trình điều ung thư, bệnh nhân cần áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng sống.

- Lưu ý về chế độ dinh dưỡng: Khi mắc ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị,... người bệnh có thể bị thay đổi vị giác, luôn có cảm giác mệt mỏi và không muốn ăn. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể,.... Vì thế, để cải thiện tình trạng ăn uống của người bệnh, cần lưu ý một số vấn đề sau:

+ Đảm bảo cho người bệnh ăn đúng giờ, ăn đúng bữa.

+ Không nên ép bệnh nhân ăn quá nhiều một lúc. Thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể ăn 6 đến 8 bữa nhỏ và khoảng cách giữa các bữa ăn là 2 đến 3 giờ.

+ Rèn luyện thói quen ăn chậm và nhai kỹ thức ăn.

+ Trường hợp gặp nhiều khó khăn khi ăn, người bệnh có thể uống thêm nước trong bữa ăn để dễ dàng nuốt hơn. Bên cạnh đó, hãy chọn những món ăn, thực phẩm mà bạn yêu thích.

+ Nếu cảm thấy đói, có thể ăn ở các thời điểm bất kỳ trong ngày.

+ Nên ăn đa dạng thực phẩm và mỗi loại thực phẩm bạn có thể bổ sung theo nhiều cách khác nhau để có thể giúp người bệnh cảm thấy thèm ăn hơn và ăn ngon miệng hơn. Có thể dùng một số thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

+ Ngoài ra, người bệnh cũng nên áp dụng tập thể dụng mỗi ngày, lựa chọn những bài tập vừa sức để rèn luyện và nâng cao sức khỏe.

+ Bệnh nhân ung thư cũng nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, giữ thái độ lạc quan, vui vẻ để tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Quý khách hàng nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh lý

Trên đây là những dấu hiệu ung thư và các phương pháp điều trị bệnh. Căn bệnh này rất nguy hiểm và cần được phát hiện cũng như điều trị sớm mới có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.