Các tin tức tại MEDlatec

Giải phẫu tụy: Cấu trúc, chức năng và các bệnh lý liên quan

Ngày 14/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Tuyến tụy đảm nhiệm cả chức năng tiêu hóa và điều hòa nội tiết của cơ thể. Trong bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu giải phẫu tụy về cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan để biết cách bảo vệ cơ quan quan trọng này.

1. Giải phẫu tụy: Vị trí và cấu tạo

1.1. Vị trí

Tụy nằm phía sau dạ dày, trải dài từ tá tràng đến gần lá lách, gồm 3 phần chính:

- Đầu tụy nằm sát với tá tràng.

- Thân tụy kéo dài ngang qua vùng bụng.

- Đuôi tụy nằm gần lá lách.

Hình ảnh giải phẫu tụy

1.2. Cấu tạo

Giải phẫu tụy về mặt cấu tạo, gồm:

- Bao mô liên kết: Bao bọc bên ngoài tụy, bảo vệ và hỗ trợ cấu trúc toàn bộ tuyến tụy.

- Mô ngoại tiết: Chiếm phần lớn thể tích tụy, bao gồm các tế bào hình chóp tập trung thành các nang tuyến nhỏ. Mỗi nang tuyến tiết ra enzyme tiêu hóa và dịch tụy thông qua các ống dẫn nhỏ đổ vào ống tụy phụ và ống tụy chính:

+ Amylase: Phân giải tinh bột thành đường đơn.

+ Lipase: Phân giải chất béo thành axit béo và glycerol.

+ Protease: Tiêu hóa protein thành axit amin.

- Mô nội tiết: Gồm các tiểu đảo Langerhans, tập trung các loại tế bào tiết hormone là:

+ Tế bào Alpha: Tiết glucagon, giúp tăng đường huyết.

+ Tế bào Beta: Tiết insulin, giúp hạ đường huyết.

+ Tế bào Delta: Tiết somatostatin để điều hòa hoạt động của insulin và glucagon.

- Ống dẫn dịch tụy: Bao gồm ống tụy chính và ống tụy phụ dẫn dịch tụy và enzyme tiêu hóa vào tá tràng. Ống tụy chính hợp với ống mật chủ tạo thành bóng Vater, dịch tuỵ từ đây sẽ đổ qua nhú tá lớn vào tá tràng, còn dịch từ ống tụy phụ sẽ đổ vào nhú tá bé.

- Mạch máu: Cung cấp oxy cùng các dưỡng chất cần thiết để ổn định chức năng hoạt động tuyến tụy.

- Dây thần kinh: Các dây thần kinh là những nhánh từ đám rối tạng và đám rối mạc treo tràng trên kiểm soát hoạt động bài tiết của tụy, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa chức năng nội tiết và ngoại tiết.

2. Chức năng chính của tuyến tụy

Với giải phẫu tụy về mặt cấu tạo nêu trên có thể thấy rằng, tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sống còn của cơ thể:

2.1. Chức năng ngoại tiết

Tuyến tụy có vai trò:

- Tiêu hóa thức ăn

Tuyến tụy là nơi tiết ra các enzyme tiêu hóa hỗ trợ phân giải tinh bột, chất béo và protein thành các phân tử nhỏ giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng.

- Hỗ trợ tiêu hóa tại ruột non

Dịch tụy được tiết vào tá tràng, kết hợp với dịch mật để trung hòa axit từ dạ dày, tạo môi trường tối ưu cho hoạt động của các enzyme tiêu hóa.

Tuyến tụy là một phần không thể thiếu để hoàn thiện chức năng hệ tiêu hóa

2.2. Chức năng nội tiết

Trên phương diện chức năng nội tiết, tuyến tụy giúp:

- Điều hòa đường huyết

Tuyến tụy sản xuất hormone insulin và glucagon thông qua các tế bào trong tiểu đảo Langerhans để ổn định đường huyết. Trong đó:

+ Insulin sẽ tăng cường hấp thụ glucose vào tế bào để làm hạ đường huyết.

+ Glucagon kích thích gan giải phóng glucose vào trong máu để tăng chỉ số đường huyết.

- Điều hòa chuyển hóa

Các hormone từ tuyến tụy giúp cân bằng việc chuyển hóa carbohydrate, chất béo, điều hoà bài tiết các hormone khác, duy trì năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

3. Các bệnh lý tuyến tụy thường gặp nhất

3.1. Viêm tụy

Viêm tụy là kết quả của việc tích tụ chất tiết enzyme tuyến tụy để tự tiêu hóa tuyến này. Đây là bệnh lý tiến triển dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính trong nhiều năm:

- Viêm tụy cấp tính

Bệnh xảy ra đột ngột, thường do sỏi mật hoặc uống quá nhiều bia rượu trong thời gian dài. Người bị viêm tụy cấp dễ bị đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn và nôn. Khi không được điều trị tích cực, viêm tụy có thể gây suy tạng.

- Viêm tụy mạn tính

Đây là hệ quả của viêm tụy kéo dài, thường xuất hiện ở những người lạm dụng rượu bia hoặc có tiền sử viêm tụy cấp. Viêm tụy mạn có thể gây tổn thương tụy vĩnh viễn, làm suy giảm chức năng ngoại tiết và nội tiết của tụy, khiến người bệnh bị khó tiêu và mắc bệnh tiểu đường.

3.2. Tiểu đường

- Tiểu đường type 1

Bệnh lý này là kết quả của việc hệ miễn dịch nhận diện nhầm nên tấn công vào tế bào beta trong đảo Langerhans, khiến cho tuyến tụy mất khả năng tự sản xuất insulin. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi và cần điều trị bằng tiêm insulin suốt đời.

- Tiểu đường type 2

Đây là bệnh lý xảy ra do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể bị kháng insulin. Bệnh liên quan mật thiết đến béo phì, lối sống thiếu vận động và chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh.

- Tiểu đường do tuỵ

Bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân bao gồm: viêm tụy (cấp tính và mạn tính), chấn thương hoặc cắt tụy, ung thư, xơ nang tụy,.... làm ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của quá trình bài tiết insulin.

3.3. Xơ nang tụy

Xơ nang tụy là rối loạn di truyền khiến dịch nhầy đặc tích tụ, làm tắc nghẽn ống dẫn trong tụy. Bệnh lý này khiến cho tuyến tụy giảm khả năng tiết enzyme tiêu hóa, suy giảm chức năng tiêu hóa và hô hấp, gây nên các triệu chứng như: tiêu chảy mạn tính, thiếu dinh dưỡng, sụt cân, nhiễm trùng phổi tái diễn.

3.4. Ung thư tụy

Khối u ác tính gây nên ung thư tụy tiến triển âm thầm, hiếm khi gây nên triệu chứng ở giai đoạn khởi phát. Đây là khối u này bắt nguồn từ các tế bào ngoại tiết hoặc nội tiết của tuyến tụy. Do tính chất khó phát hiện sớm nên bệnh lý này thường tiên lượng xấu. Người bị ung thư tuyến tụy thường gặp tình trạng vàng da, đau bụng lan ra lưng, chán ăn, mệt mỏi triền miên, sụt cân không lý do.

Tế bào ác tính hình thành gây nên ung thư tụy

4. Một số biện pháp giúp bảo vệ chức năng tuyến tụy

Để tuyến tụy được bảo vệ trước các yếu tố nguy cơ gây bệnh, mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện một số biện pháp:

- Duy trì chế độ ăn khoa học trong đó chú ý tăng cường trái cây tươi, rau xanh, tránh hoặc giảm thiểu dùng thực phẩm giàu đường và chất béo.

- Hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có cồn và thuốc lá bởi đây là yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm viêm tụy và ung thư tụy.

- Duy trì khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu ảnh hưởng đến tuyến tụy và kịp thời điều trị theo phương án được bác sĩ đề xuất.

Tụy đảm nhận nhiều chức năng quan trọng để ổn định các hệ cơ quan trong cơ thể. Hy vọng sau những thông tin được đề cập ở trên, bạn sẽ hiểu được giải phẫu tụy và các bệnh lý liên quan để chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ, chẩn đoán đúng và điều trị sớm các bệnh lý liên quan, giúp đảm bảo tuyến tụy, ổn định sức khỏe.

Để thăm khám sức khỏe, chẩn đoán đúng bệnh lý tuyến tụy, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.