Các tin tức tại MEDlatec

Ho đờm có mùi tanh - Biểu hiện của một số bệnh lý và cách phòng ngừa

Ngày 08/12/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Ho đờm có mùi tanh là triệu chứng không thể xem thường. Bởi trong nhiều trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến phổi, phế quản. Thông tin cụ thể hơn sẽ được MEDLATEC chia sẻ trong bài viết sau đây.

1. Ho đờm có mùi tanh là dấu hiệu của bệnh gì? 

1.1. Viêm phế quản cấp

Bệnh nhân bị viêm phế quản thường biểu hiện triệu chứng ho rát họng, kèm theo đờm trắng đục. Triệu chứng này có xu hướng diễn biến dai dẳng. Trường hợp đờm chuyển sang màu vàng, màu xanh hoặc đục kèm theo mùi tanh khó chịu, khả năng cao người bệnh đang bị viêm phế quản cấp do sự tấn công của vi khuẩn

Ho đờm có mùi tanh thường là dấu hiệu của tình trạng viêm phế quản cấp tính

Để phòng tránh biến chứng không mong muốn, người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm, ngăn chặn tổn thương lan rộng đến phổi. 

1.2. Hen phế quản

Hen phế quản là bệnh lý liên quan đến hiện tượng viêm đường thở diễn biến theo hướng mạn tính. Người mắc phải căn bệnh này đặc biệt nhạy cảm khi tiếp xúc với tác nhân gây kích thích, dị ứng. Triệu chứng xuất hiện lúc này thường là khó thở, thở khò khè, cảm thấy nặng ngực, ho. 

Người mắc hen phế quản đôi khi ho ra đờm kèm theo mùi tanh

Đôi khi, người bệnh còn bị ho ra đờm, thi thoảng xuất hiện mùi tanh. Bệnh hen khó điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được điều trị giảm nhẹ triệu chứng, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. 

1.3. Lao phổi 

Đây là căn bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp do tác nhân vi khuẩn M.Tuberculosis gây ra. Triệu chứng hay xuất hiện ở người bị lao phổi là ho dai dẳng, kèm theo đờm đặc. Đờm có thể lẫn máu kèm theo mùi hôi tanh trong cổ. 

Người bị ho lao dễ trở nên gầy gò, cân nặng giảm không rõ nguyên nhân, ăn uống không còn ngon miệng. Nếu không chú ý điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ đối mặt với hàng loạt biến chứng như tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, lao thanh quản,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

1.4. Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu người bệnh không điều trị kịp thời. Khi mắc phải căn bệnh này, người bệnh có thể biểu hiện một vài dấu hiệu như chảy máu cam liên tục, khó thở, ho ra máu,... khi dịch mủ di chuyển xuống khu vực cổ họng, mùi hôi tanh sẽ xuất hiện. 

Triệu chứng ho ra đờm kèm mùi hôi có thể xuất hiện ở người bị ung thư vòm họng

Bởi triệu chứng chủ yếu biểu hiện khi bệnh đã bắt đầu trở nặng nên người bệnh khó có thể phát hiện ung thư vòm họng trong giai đoạn đầu. 

1.5. Viêm mũi xoang

Khi mũi xoang bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn hoặc sau nhiễm virus chúng thường tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. Nhiễm khuẩn có thể khiến chất nhầy thay đổi từ chất lỏng trong suốt hoặc màu vàng nhạt loãng hơn thành đặc hơn màu trắng đục, xanh hoặc vàng đục. Dịch xuất phát từ mũi xoang có thể theo thành sau họng chảy xuống dưới vùng hạ họng gây ho, khạc nhổ có đờm mùi hôi tanh. Triệu chứng của bệnh kèm theo thường có:

  • Ngạt mũi.
  • Chảy dịch mũi.
  • Giảm hoặc mất khứu giác.
  • Đau nhức vùng mặt bao gồm răng hàm trên, vùng má, hai hốc mắt lan lên trán.
  • Hơi thở có mùi hôi tanh. 

1.6. Áp xe phổi

Áp xe phổi là tình trạng các ổ áp xe hình thành trong phổi bị vỡ, thông đến khu vực phía trong phế quản. Đây là nguyên nhân hình thành dịch đờm kèm theo mùi hôi tanh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, suy hô hấp, áp xe não. 

Bên cạnh ho ra đờm kèm mùi tanh, người bệnh còn biểu hiện nhiều triệu chứng khác như lên cơn sốt, cơ thể ớn lạnh, toát mồ hôi, nước bọt xuất hiện vị lạ,... Triệu chứng thường biểu hiện theo giai đoạn cụ thể: 

  • Giai đoạn ổ mủ kín: Người bệnh bị ho khan, ớn lạnh hoặc sốt cao 39 đến 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon miệng, cân nặng sụt giảm, đau tức ngực. Trong đó, cơn đau tức ngực sẽ xuất hiện tại khu vực bị tổn thương, gây khó thở. 
  • Giai đoạn ộc mủ: Thường xuất hiện sau 6 - 15 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Biểu hiện ho, đau tức ngực ngày càng nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể ho ộc ra mủ kết cấu đặc. Mủ kèm theo mùi hôi là do hoạt động của vi khuẩn kỵ khí, nếu như mủ chuyển xanh thì nguyên nhân thường là do tác nhân liên cầu khuẩn. Lúc này, toàn thân người bệnh sẽ bị toát mồ hôi, uể oải. Mỗi lần ho ra mủ hay đờm, cơ thể lại cảm thấy dễ chịu hơn. 
  • Giai đoạn ổ mủ: Bệnh nhân vẫn bị ho. Cơn ho có xu hướng xuất hiện khi bệnh nhân thay đổi tư thế. Lúc này, đờm khạc ra đã ít hơn. 

Áp xe phổi thường gặp hơn ở các bệnh nhân mắc bệnh lý nền về phổi như: nhồi máu phổi, ung thư phổi, chấn thương lồng ngực hở,… Áp xe phổi kết hợp với bệnh lý nền gây khó khăn trong điều trị và nguy cơ biến chứng cao.

2. Cần làm gì khi nhận thấy dấu hiệu ho đờm kèm mùi tanh? 

Khi nhận thấy triệu chứng ho đờm kèm theo mùi tanh, bạn không nên xem thường mà hãy thận trọng theo dõi. Nếu triệu chứng này kèm theo những dấu hiệu khác, không thuyên giảm, bạn tốt nhất nên đi kiểm tra sức khỏe để được bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân, điều trị can thiệp tránh biến chứng nghiêm trọng hơn. 

Bạn nên đi kiểm tra nếu triệu chứng ho ra đờm kèm mùi tanh không thuyên giảm 

3. Phòng ngừa bệnh lý về phế quản, phổi gây triệu chứng ho kèm mùi tanh 

Triệu chứng ho đờm có mùi tanh trong phần lớn trường hợp đều là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về hô hấp, cụ thể là về phế quản, phổi,... Sau đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa các bệnh lý này bạn có thể tham khảo: 

  • Không hút thuốc: Hút thuốc lá nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý liên quan đến phổi, phế quản như viêm phế quản mạn tính. Do đó, bạn nên cố gắng hạn chế hoặc từ bỏ thuốc lá. 
  • Rửa tay diệt khuẩn hàng ngày: Bạn hãy duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hàng ngày, nhất là khi vừa đi vệ sinh hoặc trước bữa ăn. 
  • Tránh xa yếu tố gây bệnh: Bạn không nên tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Khi đi đến nơi đông người, bạn cần đeo khẩu trang. 
  • Súc miệng họng, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 0.9%: Đây cách đơn giản giúp bạn loại bỏ yếu tố gây dị ứng, chất bẩn và dịch nhầy, cấp ẩm cho màng nhầy tự nhiên. Nhờ vậy, đường thở cũng sẽ thông thoáng hơn, giúp bạn phòng ngừa hiệu quả nhiều bệnh lý về phổi, phế quản. 
  • Uống nhiều nước: Đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước là cách giúp dịch nhầy, đờm bị pha loãng, tăng sự thông thoáng cho đường thở, giảm triệu chứng khó thở. 
  • Không nên lạm dụng bình xịt khí: Một số loại bình xịt khí như xịt khử mùi, xịt tóc thường chứa nhiều hóa chất không tốt cho đường hô hấp. Vì vậy, bạn không nên lạm dụng những sản phẩm này. 
  • Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm: Giúp phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, bảo vệ phổi hiệu quả hơn. 
  • Các biện pháp khác: Tập thể dục thể thao đều đặn, áp dụng chế độ ăn uống khoa học ưu tiên bổ sung vitamin A, vitamin C, vitamin E, kẽm, Selen,... và làm sạch môi trường sống xung quanh. 

Hằng năm, bạn nên tiêm vắc xin phòng cúm 

Mặt khác, để chủ động phát hiện bệnh lý gây triệu chứng ho đờm có mùi tanh, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Một trong những địa chỉ y tế đang nhận được sự tin tưởng của nhiều người là Hệ thống Y tế MEDLATEC với kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm. Nếu cần tư vấn hoặc đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.