Các tin tức tại MEDlatec
Ngứa hậu môn là bị làm sao và nên làm gì để khắc phục?
- 14/06/2023 | Mẹo hay giúp giảm đau rát hậu môn sau khi đi vệ sinh
- 01/11/2023 | Da thừa hậu môn là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- 01/12/2023 | Sùi mào gà hậu môn: nguyên nhân và phương pháp điều trị
1. Ngứa hậu môn và các triệu chứng đi kèm
Ngứa hậu môn là cảm giác ngứa ngáy khó chịu xuất hiện xung quanh vùng hậu môn. Khi gặp tình trạng này, người bệnh cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:
- Hậu môn đau rát, nhất là khi vệ sinh không đúng cách hoặc sau khi gãi.
- Chảy máu do trầy xước da, nứt kẽ hậu môn hoặc bị trĩ.
- Hậu môn sưng tấy và nổi mẩn đỏ do nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Ngứa hậu môn gây phiền toái cho sinh hoạt thường ngày
2. Nguyên nhân nào dẫn đến ngứa hậu môn?
2.1. Vệ sinh không đúng cách
Vệ sinh không đúng cách sau khi đi đại tiện như: không rửa sạch, không lau kỹ vùng hậu môn khiến chất thải còn sót lại có thể gây kích ứng da và gây ngứa. Ngoài ra, lau chùi hậu môn quá mạnh tay cũng có thể làm tổn thương da, gây viêm nhiễm và ngứa ngáy.
2.2. Dị ứng với sản phẩm vệ sinh
Sử dụng các sản phẩm vệ sinh chứa cồn, hương liệu, hóa chất mạnh,... dễ làm kích ứng da vùng hậu môn. Đặc biệt là các loại giấy ướt, dung dịch vệ sinh,... có chất làm mềm, chất tạo mùi,... dễ gây ra phản ứng dị ứng, ngứa và viêm da ở quanh hậu môn.
2.3. Nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng, nhất là giun kim, nếu mắc phải rất dễ gây ngứa hậu môn, nhất là ở trẻ em. Giun kim thường di chuyển ra vùng hậu môn vào ban đêm để đẻ trứng nên người bệnh thường bị ngứa dữ dội vào ban đêm, khó chịu và mất ngủ.
2.4. Bệnh trĩ
Ngứa hậu môn có thể là một trong các triệu chứng của bệnh trĩ. Đây là tình trạng sưng tấy tĩnh mạch ở vùng hậu môn, gây ra đau rát, ngứa ngáy và chảy máu khi đại tiện. Nếu búi trĩ tiết dịch làm ẩm ướt hậu môn thì cũng rất dễ gây kích ứng da và khiến người bệnh bị ngứa hậu môn.
Bệnh trĩ có thể gây nên triệu chứng ngứa hậu môn
2.5. Nhiễm nấm hoặc do bệnh lây truyền đường tình dục
Nấm Candida thường xuất hiện ở vùng da ẩm ướt trên cơ thể. Nếu nhiễm nấm này thì cũng có thể bị ngứa hậu môn. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt và vùng hậu môn không được giữ khô ráo hoặc không vệ sinh đúng cách. Người bị nấm Candida không chỉ ngứa mà còn gặp tình trạng nổi mẩn đỏ và đau rát hậu môn.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ngứa hậu môn, như mụn rộp, mụn cóc, bệnh lậu,… đặc biệt hay gặp đối với những trường hợp quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
2.6. Bệnh da liễu
Một số bệnh da liễu như eczema, viêm da tiếp xúc, vảy nến có thể gây ngứa ở vùng hậu môn. Bệnh viêm da tiếp xúc và eczema thường do khô da, nứt nẻ hoặc tiếp xúc với chất gây kích ứng khiến người bệnh bị ngứa ngáy. Bệnh vảy nến khiến da dày lên, bong tróc và ngứa.
2.7. Vấn đề về tiêu hóa
- Táo bón hoặc tiêu chảy thời gian dài
Khi bị táo bón, người bệnh rặn quá mạnh dễ làm tổn thương niêm mạc hậu môn, gây kích ứng da và ngứa. Tiêu chảy kéo dài khiến vùng hậu môn ẩm ướt, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và nấm từ đó dẫn đến ngứa ngáy.
- Bệnh lý liên quan đến tiêu hóa
Một số bệnh lý về tiêu hóa như viêm ruột, bệnh Crohn hoặc hội chứng ruột kích thích cũng có thể làm xuất hiện triệu chứng ngứa hậu môn. Ngứa trong những bệnh lý này là kết quả từ vấn đề về tiêu hóa, viêm nhiễm và kích ứng.
2.8. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là vết rách nhỏ xuất hiện tại niêm mạc hậu môn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do việc rặn quá mạnh khi táo bón. Những vết rách ở kẽ hậu môn không chỉ khiến người bệnh cảm thấy đau rát mà còn gây ngứa khi tổn thương vào giai đoạn lành hoặc khi bị kích ứng bởi phân, dịch tiết.
3. Xử trí như thế nào khi bị ngứa hậu môn?
3.1. Đảm bảo vệ sinh vùng hậu môn
Duy trì thói quen vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ giúp giảm các yếu tố gây ngứa hậu môn. Sau khi đi đại tiện, tốt nhất nên rửa sạch vùng hậu môn bằng nước ấm và dùng khăn bông mềm lau khô. Không nên dùng xà phòng hay dung dịch vệ sinh chứa hóa chất mạnh để rửa hậu môn và vùng kín.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây ngứa là do các sản phẩm vệ sinh cá nhân, bạn nên chuyển sang các sản phẩm dịu nhẹ, không có thành phần hóa chất mạnh hay hương liệu. Bên cạnh đó, chọn mặc quần lót bằng chất liệu cotton thoáng khí sẽ giúp vùng hậu môn khô ráo, tránh tăng cảm giác ngứa ngáy.
Bị ngứa hậu môn kéo dài nên khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị hiệu quả
3.2. Can thiệp y tế
Trong các trường hợp sau, người bệnh nên có sự thăm khám để tìm ra nguyên nhân ngứa hậu môn và điều trị đúng cách:
- Ngứa trên một tuần không thuyên giảm.
- Hậu môn bị đau rát, sưng tấy, chảy máu.
- Sưng đỏ, có dịch tiết hoặc mủ chảy ra từ hậu môn.
Để điều trị ngứa hậu môn do vấn đề bệnh lý, tuỳ từng nguyên nhân bệnh lý bác sĩ thường:
- Dùng thuốc
Nếu ngứa hậu môn do viêm da hoặc nấm Candida, bác sĩ có thể kê toa các loại kem bôi chứa corticoid hoặc thuốc chống nấm hoặc các thuốc kháng sinh.
- Điều trị nhiễm ký sinh trùng
Nếu nguyên nhân gây ngứa hậu môn là do nhiễm giun kim, người bệnh sẽ được hướng dẫn tẩy giun với liều phù hợp độ tuổi. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ cũng sẽ giúp tránh tái phát ngứa hậu môn từ nguyên nhân ký sinh trùng.
- Điều trị bệnh trĩ
Ngứa hậu môn xuất phát từ bệnh trĩ thường được điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống hoặc phẫu thuật loại bỏ búi trĩ. Người mắc bệnh trĩ cũng cần có chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ nước để cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Duy trì thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ và thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng khó chịu là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe vùng hậu môn.
Quý khách hàng cần thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!