Các tin tức tại MEDlatec

Những dấu hiệu thiếu sắt cần nhận biết sớm

Ngày 01/08/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Những dấu hiệu thiếu sắt cần nhận biết sớm

Sắt là loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tạo máu, vì vậy thiếu sắt có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Theo các bác sĩ, một số dấu hiệu thiếu sắt có thể được nhận biết với mắt thường, và việc nắm bắt được các dấu hiệu này sẽ giúp bạn chủ động trong việc bổ sung nếu cần.

1. Vì sao thiếu sắt lại là hiện tượng cần chú ý?

Trước khi tìm hiểu về các dấu hiệu thiếu sắt, hãy cùng MEDLATEC lý giải nguyên nhân vì sao chất sắt lại có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người.

Sắt chính là một trong những yếu tố cấu tạo ra hemoglobin, hay còn được gọi với tên huyết sắc tố. Chúng đóng vai trò giúp cho oxy được lưu thông tới các cơ quan trong cơ thể.

Sắt rất quan trọng với việc giúp máu, oxy lưu thông tới các cơ quan trong cơ thể

Thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu cũng như các mô, cơ sẽ không thể hoạt động hiệu quả được do lượng oxy không được nhận đủ. Các nhóm đối tượng sau thường dễ gặp phải tình trạng thiếu sắt, đó là:

● Phụ nữ trong thời kỳ đang mang thai, trẻ em và người già.

● Người bị mất máu trong tình trạng nặng hoặc xuất huyết bên trong.

● Người mắc bệnh viêm ruột.

● Người ăn kiêng quá mức hoặc có chế độ dinh dưỡng bất hợp lý.

2. Dấu hiệu thiếu sắt của cơ thể mà bạn không thể bỏ qua

Dấu hiệu thiếu sắt đối với cơ thể của con người ở độ tuổi khác nhau, tình trạng sức khỏe khác nhau sẽ biểu hiện qua những dấu hiệu riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, dấu hiệu thiếu sắt có thể được nhận biết qua:

Sự bất thường ở móng tay, chân và tóc

Đối với móng tay, chân, khi cơ thể thiếu sắt có thể khiến chúng trở nên giòn, dễ gãy, mứt hoặc bị tách lớp. Tóc cũng có thể cảnh báo cho bạn về tình trạng này, đó là khi chúng trở nên khô hơn, rụng nhiều, dễ gãy và xơ xác.

Móng tay là một trong những bộ phận có thể biểu hiện rõ tình trạng này

Qua màu da

Khi da bạn trở nên tái hoặc xanh xao, nhợt nhạt, có thể là dấu hiệu biểu hiện của việc cơ thể đang trong tình trạng thiếu sắt. Nguyên nhân là vì khi thiếu sắt, cơ thể không thể tạo ra đủ lượng huyết sắc tố, trong khi huyết sắc tố có màu đỏ nên da không thể hồng hào, khỏe mạnh như bình thường được.

Bộ phận dễ nhận thấy sự nhợt nhạt nhất là gương mặt, đôi môi, nướu, móng tay.

Qua nhịp tim, nhịp thở

Như trên đã nói, khi thiếu sắt, các bộ phận khác nhau trong cơ thể không thể nhận đủ lượng oxy cần thiết để phục vụ hoạt động. Điều này dẫn tới việc ngay cả khi bạn thực hiện các hoạt động bình thường nhất, chẳng hạn: đi bộ, leo cầu thang,... cũng có thể cảm thấy khó thở.

Sở dĩ điều này xảy ra bởi vì cơ bắp không thể được nhận đủ lượng oxy nên bắt buộc phải điều chỉnh, thúc đẩy nhịp thở dồn dập hơn nhằm lấy thêm oxy. Lúc này, tim cũng phải tăng cường hoạt động, đập nhanh hơn để đẩy oxy tới các bộ phận, cơ quan. Khi hiện tượng này kéo dài, có thể gây nên suy tim, suy phổi hoặc to tim,...

Xuất hiện những cơn đau đầu hoặc sự mệt mỏi

Đầu đau, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi có thể là dấu hiệu điển hình, thường gặp của thiếu sắt. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do não bộ không được nhận đủ oxy nên tăng áp lực lên mạch máu và khiến đau đầu. Cùng với đó, cũng do thiếu oxy mà các bộ phận khác cũng trở nên mệt mỏi.

Thiếu máu dẫn đến những cơn đau đầu, choáng váng

Qua sự bất thường ở miệng, chân

Khi nhìn vào trong miệng, nếu thấy hiện tượng lưỡi màu nhạt hoặc bị viêm, sưng thì có thể là dấu hiệu của thiếu sắt. Ở bên ngoài, trong trường hợp này, thường miệng khô, môi cũng khô và nứt nẻ, đặc biệt nơi khóe miệng.

Thiếu sắt cũng khiến cho cơ thể lâm vào trạng thái bồn chồn, đứng ngồi không yên, thường được gọi là hội chứng chân bồn chồn. Hội chứng này sẽ được nhận biết dễ dàng hơn vào ban đêm khi cơ thể nghỉ ngơi. Lúc này, thường là chân trở nên ngứa ngáy, khó chịu khiến cho người bệnh rất khó để đi vào giấc ngủ.

Tỷ lệ người thiếu sắt có thể gặp phải hiện tượng này lên tới 25% và các triệu chứng sẽ trở nặng theo mức độ thiếu.

Một số dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu thường gặp như trên, khi thiếu sắt, cơ thể bạn cũng có thể gặp một số biểu hiện khác như:

● Tay chân lạnh: cũng xuất phát từ việc thiếu oxy tới các chi.

● Dễ bị nhiễm trùng: sắt đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Chính vì vậy, khi thiếu sắt, khả năng miễn dịch sẽ kém hơn khiến cho cơ thể có thể dễ mắc bệnh.

● Thèm đồ ăn lạ: Thiếu sắt có thể khiến cơ thể thèm ăn đá hoặc một số đồ lạ khác.

3. Có thể phòng ngừa thiếu sắt được không?

Khi cơ thể thiếu sắt kéo dài có thể dẫn tới nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe, chính vì thế, việc phòng ngừa thiếu sắt là điều cần thiết.

Tuy nhiên, để xác định chính xác là cơ thể có đang thiếu sắt hay không, bạn cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá mức độ và chỉ định phương pháp khắc phục phù hợp.

Theo đó, ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày, kết hợp với uống viên sắt. Các loại thịt có màu đỏ như: thịt bò, lợn, cừu, gan; động vật có vỏ như: cua đồng, trai, ốc, sò; các loại rau có màu xanh đậm như: bí ngô, rau bina,... chứa nhiều sắt mà bạn nên ưu tiên.

Thực phẩm là nguồn bổ sung an toàn, hiệu quả

Với đối tượng là mẹ bầu có nguy cơ thiếu sắt, cần uống thêm viên sắt, axit folic để vừa đảm bảo đủ sắt cho mẹ và tạo thuận lợi cho con phát triển.

Trường hợp thiếu sắt nặng dẫn tới thiếu máu, có thể bạn sẽ được bác sĩ chỉ định truyền máu để nhanh chóng khắc phục, phòng ngừa nguy hiểm cho cơ thể.

Thời điểm tốt nhất để bổ sung sắt cho cơ thể là trước khi ăn sáng và chúng sẽ được hấp thu tốt nhất nếu uống cùng thức uống giàu vitamin C, chẳng hạn như nước cam. Ngược lại, nếu bạn uống sắt cùng canxi, trà, cà phê, có thể khiến cho chúng khó hấp thụ hoặc giảm tác dụng.

Như vậy, sắt là chất rất cần thiết với cơ thể cho mọi hoạt động hàng ngày. Chính vì thế, khi xuất hiện dấu hiệu thiếu sắt, bạn cần nhanh chóng đi kiểm tra để kịp thời được bác sĩ chỉ định bổ sung sắt phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý ưu tiên những thực phẩm giàu sắt đã được MEDLATEC chia sẻ trong bài viết để tăng cường vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu máu, thiếu sắt của cơ thể, khách hàng có thể đến các cơ sở trực thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được làm xét nghiệm kiểm tra. Hoặc quý khách cũng có thể đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi thông qua số tổng đài của MEDLATEC theo số 1900565656. Tổng đài viên của bệnh viện sẽ nhanh chóng tiếp nhận yêu cầu và hỗ trợ quý khách đặt lịch sớm nhất.

BS Vân đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.