Các tin tức tại MEDlatec

Nhược cơ mắt: Dấu hiệu nhận diện, cách thức chẩn đoán và điều trị

Ngày 17/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nhược cơ mắt là tình trạng cơ mắt không hoạt động hiệu quả khiến cho cơ mi và cơ quanh mắt bị suy yếu hoặc mất khả năng điều khiển. Đây chính là lý do khiến người bệnh có hiện tượng nhìn đôi, sụp mí,... Dưới đây, MEDLATEC sẽ giúp bạn có thêm thông tin để nhận diện và khắc phục bệnh lý này.

1. Khái quát về bệnh nhược cơ

Nhược cơ (Myasthenia gravis) là bệnh lý tự miễn gây rối loạn dẫn truyền ở điểm nối thần kinh - cơ làm giảm chức năng hoạt động của hệ cơ.

Cơ hoạt động bình thường là nhờ chất dẫn truyền acetylcholin đưa xung động từ hệ thần kinh đến cơ. Khi bị nhược cơ, một loại kháng thể kháng acetylcholin được sinh ra để làm giảm số lượng chất dẫn truyền này và giảm khả năng đáp ứng của các thụ thể acetylcholin tại màng hậu synap. Kết quả của tình trạng này là dẫn truyền xung thần kinh đến cơ bị suy giảm hoặc mất đi, cơ bị yếu hoặc liệt.

Khi bị nhược cơ, vào buổi sáng, người bệnh sẽ cảm thấy các cơ của mình khỏe khoắn. Đến buổi trưa và chiều, người bệnh sẽ cảm nhận rõ sự yếu cơ, hoạt động vận động cũng vì thế mà trở nên hạn chế.

Triệu chứng nhược cơ thay đổi theo thời điểm là do sự tác động của quá trình nghỉ ngơi. Ban đêm, cơ được hồi phục theo trạng thái của giấc ngủ, hàm lượng chất dẫn truyền acetylcholin cũng tăng lên. Các buổi trong ngày, lượng acetylcholin giảm dần nên cơ dần suy yếu, thậm chí có thể bị liệt.

Triệu chứng yếu cơ trong bệnh nhược cơ tiến triển âm thầm. Tình trạng yếu cơ thường có xu hướng tăng khi vận động nhưng sẽ phục hồi khi được nghỉ ngơi. Đây là lý do khiến người bệnh không phát hiện ra tình trạng của mình.

Người bị nhược cơ mắt có xu hướng sụp mí mắt dần về chiều và tối

2. Nhược cơ mắt: dấu hiệu và cách thức chẩn đoán

2.1. Dấu hiệu nhược cơ mắt

Trong bệnh nhược cơ, các dấu hiệu thường khởi phát ở mắt sau đó lan ra các cơ vùng đầu cổ. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối, tình trạng tổn thương cơ toàn thân mới được biểu hiện.

2.1.1. Sụp mi

Do cơ nâng mi trên bị tổn thương nên sau khi tỉnh giấc vào buổi sáng, người bệnh thường khó mở mắt. Đến khoảng 9 - 10 giờ sáng thì mi mắt tự động nâng, mắt lại mở to được bình thường. Buổi trưa và chiều, mi mắt có chiều hướng sụp xuống.

Người bị nhược cơ mắt cũng có thể sụp mi một bên và mở to bên mắt còn lại. Đây là phản ứng cố gắng để bù trừ của cơ thể. Khởi phát, tình trạng sụp mí chỉ xảy ra với một bên mắt nhưng nếu không được điều trị ngay, hiện tượng này sẽ xảy ra với cả bên còn lại. Kết quả là người bệnh phải cố gắng rướn mắt, ngửa cổ, nhăn trán lại để nhìn.

2.1.2. Nhìn đôi

Nhược cơ mắt khiến cho người bệnh gặp tình trạng nhìn 1 vật thành 2 (nhìn đôi, song thị), nhất là khi mắt chuyển động liên tục. Cơ thẳng trong của mắt thường bị liệt trước sau đó mới đến cơ thẳng dưới. Tình trạng liệt cơ thẳng trên ít khi xảy ra và liệt cơ thẳng ngoài hầu như không xuất hiện.

Sở dĩ tình trạng liệt cơ mắt có mức độ khác nhau ở các nhóm cơ là do xu hướng nhìn gần và thường xuyên có động tác điều tiết quy tụ. Chính những động tác đó làm cho cơ có động tác tương ứng dễ bị mệt, yếu và liệt.

Nhìn đôi là dấu hiệu gợi ý nhược cơ mắt

2.2.3. Dấu hiệu khác

- Dấu hiệu Cogan

Người bị nhược cơ mắt nếu nhìn xuống để cơ nâng mi được nghỉ sau đó nhìn thẳng với tốc độ nhanh thì sẽ gặp tình trạng mi trên giật mạnh và sụp xuống ngay tức khắc.

- Thao tác Gorelick

Thử để cho bệnh nhân nhược cơ mắt nhìn ngước chằm chằm vào một điểm cố định ở trên và quan sát. Lúc này, mi trên của một bên mắt có hiện tượng sụp xuống dần dần. Hãy lấy ngón tay kéo và giữ mi bị sụp lại, một lúc sau sẽ thấy mi phía bên kia sụp xuống.

- Khó nhắm chặt mắt

Suy yếu cơ vòng cung mi khiến cho bệnh nhân nhược cơ mắt không có khả năng nhắm chặt mi mắt như bình thường.

2.2. Chẩn đoán nhược cơ mắt

Để chẩn đoán bệnh nhược cơ mắt, bác sĩ thường sử dụng một số phương pháp sau:

- Test Tensilon

Người bệnh sẽ được chỉ định tiêm 2mg Tensilon tĩnh mạch và theo dõi biểu hiện. Nếu sau tiêm tình trạng sụp mi cải thiện thì kết quả dương tính. Nếu không nhận thấy sự thay đổi mi mắt, bác sĩ sẽ tiếp tục tiêm Tensilon liều 8mg và lại quan sát để đưa ra chẩn đoán.

- Test Prostigmin

Người bệnh được tiêm Prostigmin bắp với liều 1 - 1.5mg. Kết quả dương tính khi dấu hiệu sụp mi thuyên giảm dần rồi mất hẳn sau 30 phút, duy trì được trong 2 giờ.

- Test túi nước đá

Trước tiên, bác sĩ sẽ đo khoảng cách bờ mi trên - bờ đồng tử khi người bệnh nhìn thẳng. Sau đó, bác sĩ đặt một túi nước đá lên trên mi mắt để quan sát trong 2 phút. Kết quả dương tính khi mi nâng 2mm so với khoảng cách đã đo trước đó.

3. Điều trị nhược cơ mắt bằng cách nào?

- Điều trị nội khoa

+ Sử dụng thuốc pyridostigmine hoặc thuốc ức chế cholinesterase để cải thiện chức năng cơ mắt.

+ Điều trị tự miễn nếu nhược cơ mắt xuất phát từ bệnh tự miễn. Thuốc ức chế miễn dịch sẽ được kê đơn trong trường hợp này.

- Điều trị ngoại khoa

Bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để điều chỉnh cơ mí mắt để cải thiện tình trạng sụp mí.

Phẫu thuật mi mắt có thể thực hiện khi điều trị nhược cơ bằng phương pháp khác không hiệu quả

Hầu hết các dấu hiệu nhược cơ mắt sẽ được cải thiện sau khi áp dụng phác đồ điều trị trên. Tỷ lệ bệnh nhân vẫn bị sụp mi sau điều trị thường sẽ được cân nhắc điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nâng mi.

Nhược cơ mắt là một bệnh lý đòi hỏi quá trình điều trị tương đối phức tạp nhưng có thể kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm. 

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bệnh lý về mắt cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt trước lịch hẹn nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.