Các tin tức tại MEDlatec
Quả bứa: Gia vị thân thuộc cho bữa ăn và người bạn lành của sức khỏe
- 14/08/2024 | Quả dâu da đất: trái cây thanh mát, nhiều lợi ích cho sức khỏe
- 22/08/2024 | Quả mơ có công dụng gì và những cách sử dụng phổ biến
- 27/08/2024 | Quả khế: Vị thuốc chữa bệnh, món ăn giàu dinh dưỡng cho gia đình
1. Một số đặc điểm sinh học của cây bứa
Cây bứa thuộc họ măng cụt, thân gỗ, cao khoảng 10 - 15m, cành mảnh và mọc xòe ngang. Lá cây bứa nhẵn và bóng, mép nguyên, mọc đối. Vỏ cây bứa màu xám tro.
Hoa bứa có cả loại lưỡng tính và hoa đực, màu vàng. Hoa lưỡng tính có nhiều nhị, gồm 4 cánh và 4 đài. Hoa đực có 5 cánh và 4 đài.
Bứa là loài cây mọc hoang, chủ yếu có ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Quả chín thường được dùng nấu canh hoặc ăn trực tiếp. Vỏ quả thường được dùng làm dược liệu ở dạng tươi hoặc khô, có thể thu hoạch quanh năm.
Quả bứa nhìn xa hơi giống với quả ổi
2. Thành phần hóa học và công dụng của quả bứa theo y học cổ truyền
2.1. Thành phần hóa học
Thành phần của quả bứa có chứa vitamin C, axit hữu cơ. Vỏ quả bứa chứa flavonozit. Đây là những hợp chất không gây độc mà có thể chống oxy hóa, béo phì, giảm mỡ máu,...
2.2. Công dụng của quả bứa
Y học cổ truyền quan niệm, vỏ quả bứa hơi độc, tính mát, vị đắng, có công dụng hạ nhiệt, tiêu viêm, làm lành vết thương và săn da. Có thể dùng vỏ từ quả bứa để chữa viêm loét dạ dày, tiêu hóa kém, cặn răng, viêm miệng, ho ra máu, dị ứng, mụn nhọt, bỏng da,...
3. Công dụng của quả bứa theo y học hiện đại
3.1. Giảm stress
Hợp chất hữu cơ có trong quả bứa có thể làm giải phóng hormone Serotonin để giảm stress. Hormone này dẫn truyền dây thần kinh và giảm căng thẳng, mang lại cảm giác dễ chịu, vui vẻ, thoải mái cho người bệnh. Nhờ vậy mà việc sử dụng quả bứa có thể hỗ trợ điều trị stress lâu ngày.
3.2. Giảm Cholesterol
Hàm lượng lớn Hydroxycitric axit trong quả bứa có thể làm giảm kích thước tế bào mô mỡ, giảm quá trình chuyển hóa đường thành chất béo, giảm tích lũy cholesterol.
3.3. Giảm cân
Quả bứa có khả năng gây ức chế enzyme citrate lyase có vai trò sản xuất chất béo. Vì thế mà việc sử dụng thức quả này giúp phòng ngừa nguy cơ tăng cân, tăng mỡ máu.
Không những thế, quả bứa còn có thể giảm cảm giác thèm ăn, đốt cháy mỡ thừa nên sẽ hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Ăn quả bứa với lượng vừa đủ giúp giảm cân, ngừa mỡ máu
3.4. Ngừa tiểu đường
So với người bình thường, người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ cao hơn đối với bệnh tiểu đường type 2. Quả bứa giúp giảm cân và ổn định chất béo trung tính trong máu nên có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Việc sử dụng thức quả này còn tăng độ nhạy insulin, giúp cân bằng và ổn định đường huyết, cải thiện viêm nhiễm. Điều này kết hợp với khả năng giảm cân từ quả bứa có thể hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3.5. Chữa sỏi thận
Axit hydroxycitric trong quả bứa được các nhà khoa học ĐH Houston (Mỹ) cho rằng có khả năng làm chậm tích tụ canxi và oxalat. Kết quả này mở ra triển vọng trong tương lai về khả năng điều trị sỏi thận bằng quả bứa.
4. Cách sử dụng quả bứa trong bữa ăn hàng ngày và một số bài thuốc chữa bệnh
4.1. Quả bứa trong bữa ăn thường ngày
Quả bứa chua dịu nên hiện được nhiều người trồng dùng làm gia vị chế biến món ăn. Quả có màu xanh và chuyển dần sang màu vàng khi chín, mùi khá dễ chịu. Thịt quả bứa mọng nước, vỏ dày. Hình dáng của thức quả này tương đối giống quả ổi găng.
Người dân thường thu hoạch quả bứa sau đó thái thành lát mỏng, phơi khô để dùng quanh năm như một loại gia vị cho các món canh chua, kho cá,... Ngoài ra, nhiều nơi người dân còn lựa các quả già, băm nhuyễn với tỏi, ớt rồi cho vào hộp kín cùng bột ngọt và đường, bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng làm gia vị cho các món ăn yêu thích.
Nếu như các loại quả tạo gia vị cho món ăn khác cần phải bảo quản tủ lạnh mới dùng dài ngày được thì quả bứa chỉ cần phơi khô, đóng túi kín và cất nơi khô ráo là có thể bảo quản nhiều ngày. Đây cũng là ưu điểm khiến cho người dân vùng đảo thường lựa chọn loại quả này để lưu trữ ăn dần.
Vị chua thanh của quả bứa làm cho các món ăn trở nên đặc biệt, nhất là vào mùa hè, bát canh chua từ quả bứa rất kích thích vị giác. Người dân miền biển hay nấu bứa cùng hải sản, kho cá. Quả bứa ngâm tỏi ớt cũng có thể ướp thịt, cá để nướng hoặc đem dầm trong nước mắm để chấm.
Để ăn quả bứa có thể dùng cả phần vỏ và phần thịt theo nhiều cách:
- Chỉ ăn phần thịt bên trong giống như ăn măng cụt.
- Dùng vỏ bứa kho cá, nấu canh.
- Thái quả bứa thành các lát mỏng để phơi khô rồi đóng trong túi kín. Hàng ngày lấy không quá 500mg bứa hãm trà để uống.
Quả bứa được phơi khô để dùng quanh năm
4.2. Bài thuốc dân gian chữa bệnh với cây bứa
- Chữa viêm loét dạ dày
Sắc vỏ cây bứa cùng nước cho đến khi cô đặc lại khoảng 30ml thì chắt nước uống.
- Chữa bỏng
Nấu nhựa bứa với dầu để thu được dạng cao lỏng. Dùng cao này bôi lên vùng da bị bỏng mỗi ngày 2 lần.
- Chữa ho ra máu
Sắc 20 - 30g vỏ quả bứa lấy nước uống.
- Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt
Giã vỏ cây bứa rồi đắp trực tiếp lên trên bề mặt da.
Quả bứa được xem là một loại gia vị nên khó tránh khỏi tình trạng lạm dụng, dùng theo thói quen. Điều đáng lưu ý là thành phần trong loại quả này có thể gây tương tác với một vài loại thuốc. Do đó, để tránh việc dùng sai, gặp phải tác dụng phụ, nên tham khảo cách sử dụng từ bác sĩ có chuyên môn.
Trường hợp sử dụng quả bứa để ăn hoặc chữa bệnh, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, ngứa họng,... thì cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC hãy liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!