Các tin tức tại MEDlatec
Siêu âm: Phương pháp chẩn đoán và theo dõi u hạch bạch huyết hiệu quả
Key: u hạch bạch huyết
Siêu âm: Phương pháp chẩn đoán và theo dõi u hạch bạch huyết hiệu quả
U hạch bạch huyết đôi khi là lành tính nhưng cũng có khi lại là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, siêu âm là phương pháp rất quan trọng trong việc chẩn đoán cũng như theo dõi tiến triển của hạch bạch huyết.
1. U hạch bạch huyết là gì?
Trên toàn cơ thể, chúng ta có khoảng 500 đến 600 hạch bạch huyết và đây chính là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Những hạch này có cấu trúc trơn, thường giống như những hạt đậu nhỏ và thường kết thành từng chùm. Các hạch bạch huyết có kích thước không giống nhau, có những hạch chỉ nhỏ như đầu kim, cũng có những hạch to như hạt đậu. Vị trí trên cơ thể tập trung nhiều hạch bạch huyết nhất có thể kể đến là vùng cổ, nách, ngực, bụng và bẹn.
Hạch bạch huyết có chức năng lưu trữ những tế bào miễn dịch, loại bỏ vi trùng, tế bào chết và một số chất thải khác ra ngoài cơ thể. Chúng ta thường chỉ cảm nhận hay sờ được một số hạch ở các vị trí như góc hàm, sau tai, hố nách, cổ, háng hay hố thượng đòn.
U hạch bạch huyết xảy ra khi những hạch bạch huyết này bị sưng lên hoặc bị tăng kích thước. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, tuy nhiên, nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
2. Nguyên nhân gây u hạch bạch huyết
Thông thường tình trạng u hạch bạch huyết hay sưng hạch bạch huyết có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nó thường là dấu hiệu cảnh báo cơ quan này đang bị quá tải hay phải làm việc quá sức. Sự tập hợp của những tế bào miễn dịch cùng với chất thải đã khiến các hạch sưng đau. Thông thường, tình trạng sưng thường do nhiễm trùng gây ra. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến sưng hạch như bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc ung thư.
Vị trí sưng hạch bạch huyết thường gần với những cơ quan đang bị tổn thương. Chẳng hạn, bạn sưng hạch bạch huyết ở cổ có thể là do viêm họng, sưng hạch bạch huyết ở nách có thể là do ung thư vú, nếu nhiều hạch bạch huyết sưng cùng lúc và trên toàn cơ thể thì có thể do các vấn đề sức khỏe trên khắp cơ thể (có thể kể đến như ung thư hạch, bệnh HIV, bệnh thủy đậu,...).
Bệnh HIV có thể gây sưng hạch
Nếu bạn thấy đau nhức răng hoặc cơ thể có những vết thương hở chưa lành thì hạch bạch huyết có thể sưng lên. Sau đó, nó có thể tự khỏi sau một thời gian. Nếu bạn không thể giải thích vì sao hạch bạch huyết trên cơ thể mình sưng lên hoặc xuất hiện những khối u hạch bạch huyết thì tốt nhất hãy đến thăm khám bác sĩ.
Cụ thể, nên đi khám nếu những khối u hạch bạch huyết có những đặc điểm như sau:
- Kích thước từ 1,3 cm trở lên.
- Khối u cứng hoặc sờ giống như cao su.
- Da bên ngoài khối u bị đỏ, ấm.
- Khối u hoặc tình trạng sưng không biến mất sau vài tuần.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám nếu xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như khó nuốt, khó thở, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và giảm cân không rõ nguyên nhân.
3. Siêu âm để chẩn đoán u hạch bạch huyết
Trong công tác chẩn đoán u hạch bạch huyết, siêu âm là phương pháp được đánh giá cao vì không xâm lấn, an toàn và cho thấy nhiều thông tin hữu ích trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Siêu âm để chẩn đoán hạch bạch huyết
Kết quả siêu âm không đơn giản là cho bạn thấy sự có mặt của khối u bạch huyết hay không mà còn có thể chẩn đoán được bản chất của bệnh. Các bác sĩ thường lựa chọn siêu âm Doppler màu để có thể thấy rõ hơn những tổn thương và đánh giá chính xác hơn về những bệnh lý hạch bạch huyết. Cụ thể như sau:
- Vị trí hạch, chẳng hạn những hạch sau phúc mạc thường là biểu hiện của bệnh Lymphoma.
- Hình dạng của u bạch huyết có thể hình bầu dục, thon dài, tròn, dẹt, tập trung thành đám, phát triển quanh một trục mạch máu,...
- Độ hồi âm: Nếu hạch có hồi âm kém, có chỗ trống, tăng âm phía sau thì rất có thể là do hoại tử sau quá trình điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị. Hạch có hồi âm hỗn hợp có thể là do di căn. Nếu vôi hóa trong hạch ít gặp thường là do tình trạng lao hạch.
- Kích thước: Nếu hạch phát triển càng lớn thì càng có nguy cơ xâm lấn những cơ quan lân cận. Chẳng u hạch vùng đầu tụy có thể chèn ép ống mật chủ, u hạch bạch huyết ở tĩnh mạch chủ dưới đè xẹp các mạch máu.
4. Chẩn đoán u hạch bạch huyết là lành tính hay ác tính
Hạch lành tính thường có hình bầu dục. Phần lớn những hạch ác tính thì có hình dạng tròn hơn.
Nên đi khám nếu có u hạch bạch huyết bất thường
Tuy nhiên, để chẩn đoán tình trạng lành tính hay ác tính, cần kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm:
● Khai thác về tiền sử bệnh lý của người bệnh.
● Khai thác thông tin về tính chất hạch, chẳng hạn như hạch phát triển nhanh hay chậm, có bao nhiêu hạch, người bệnh có bị đau ở vị trí hạch bị sưng hay không, da bề mặt hạch, tính chất di động,...
● Sinh thiết.
Ngoài phương pháp siêu âm, các bác sĩ còn thực hiện một số phương pháp chẩn đoán khác như chụp CT scan, chụp MRI để có thể xác định hạch cũng như đánh giá giai đoạn ung thư,... Phương pháp chọc tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết để xác định bản chất hạch và chẩn đoán bệnh.
Tùy vào từng trường hợp, hạch có thể thay đổi tính chất và rất khó để phân biệt hạch lành tính hay ác tính. Nếu hạch nổi bất thường mà không tìm được nguyên nhân, bạn nên đến thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chính xác, đồng thời lên phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
Mọi thắc mắc về u hạch bạch huyết hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bạn.
BS Chỉnh đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!