Các tin tức tại MEDlatec
Suy tim độ 4: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 19/07/2022 | Cẩm nang sức khỏe: Khám suy tim là khám những gì?
- 29/02/2024 | Suy tim cấp: hiểu rõ để xử trí kịp thời
- 01/12/2024 | Suy tim trái: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa
1. Suy tim độ 4 là gì?
Suy tim là tình trạng trái tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Theo phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York, suy tim độ 4 là giai đoạn nặng nhất và cũng là giai đoạn cuối của bệnh, khi bệnh nhân gặp khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, hoạt động dù nhẹ cũng khiến khó thở tăng lên, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt.
Suy tim độ 4 là mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh lý suy tim
Các nguyên nhân gây suy tim độ 4 bao gồm:
- Nguyên nhân nền: Các bệnh lý như bệnh mạch vành, huyết áp cao, bệnh van tim, bệnh cơ tim, các dị tật tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, và viêm cơ tim do tác nhân như thuốc, độc chất, tia xạ hoặc virus;
- Yếu tố làm bệnh tiến triển nặng hơn: Những thói quen và yếu tố như ăn nhiều muối, rối loạn nhịp tim (đặc biệt là cơn rung nhĩ kịch phát), nhiễm trùng, thiếu máu, lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc giảm đau không kiểm soát, không tuân thủ điều trị, hoặc thậm chí là mang thai có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với trường hợp mắc suy tim độ 4, bệnh nhân thường mất khả năng vận động thể lực, bất kỳ hoạt động thể lực nào cũng làm tăng cảm giác khó chịu, khó thở cho người bệnh, cụ thể như:
- Ảnh hưởng giấc ngủ: Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc ngủ do khó thở, và lo âu. Triệu chứng khó thở nặng hơn khi nằm do tim to, khiến họ thức giấc vào ban đêm hoặc không thể ngủ sâu;
- Khó thở: Xuất hiện ngay cả khi vận động nhẹ hoặc khi nghỉ ngơi, người bệnh có thể thức giấc giữa đêm vì không thở được và phải ngồi dậy, di chuyển để cảm thấy dễ thở hơn;
- Ho dai dẳng: Máu ứ đọng ở phổi gây ho kéo dài, có thể có đờm trắng hoặc bọt hồng;
- Phù: Sự giảm khả năng bơm máu khiến máu bị ứ đọng, gây phù ở chân, tay hoặc bụng, kèm theo tăng cân và dấu hiệu ấn lõm;
- Tim đập nhanh: Tim phải đập nhanh hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt máu, khiến nhịp tim tăng;
Tim đập nhanh là triệu chứng phổ biến ở người mắc suy tim độ 4
- Mệt mỏi: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi, và việc vận động nhẹ cũng gây kiệt sức;
- Chán ăn: Hệ tiêu hóa không nhận đủ máu, gây đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, khiến bệnh nhân mất cảm giác thèm ăn;
- Lo âu: Sức khỏe suy giảm gây ra lo lắng và có thể dẫn đến trầm cảm;
- Hay quên: Thiếu máu lên não khiến trí nhớ suy giảm, người bệnh thường hay quên và mất phương hướng.
2. Chẩn đoán và điều trị suy tim độ 4
Phương pháp chẩn đoán suy tim độ 4
Bệnh nhân suy tim độ 4 thường có các triệu chứng rõ rệt và gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, phải nhập viện để theo dõi. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều này cũng giúp theo dõi tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
- Đo điện tâm đồ (ECG);
- Chụp X-quang tim phổi;
- Siêu âm tim qua thành ngực;
- Đo Holter điện tâm đồ 24 giờ;
- Chụp động mạch vành;
- MSCT động mạch vành;
- MRI tim;
- Xét nghiệm máu tổng quát.
Điều trị suy tim độ 4
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, thuốc vẫn giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm: thuốc hạ huyết áp, thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu và thuốc an thần. Các loại thuốc điều trị suy tim mới như ARNI, ức chế men chuyển, thuốc kháng aldosterone, chẹn bêta và thuốc ức chế thụ thể SGLT-2 đã được chứng minh giúp giảm nhập viện và kéo dài tuổi thọ.
Bệnh nhân mắc suy tim độ 4 có thể được điều trị bằng thuốc
Điều trị phẫu thuật
Một số phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng như cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim hoặc thay tim nhân tạo toàn bộ.
Điều trị giảm nhẹ
Điều trị giảm nhẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim độ 4. Phương pháp này bao gồm chăm sóc y tế liên tục, hỗ trợ tâm lý xã hội, sử dụng thuốc lợi tiểu tĩnh mạch, oxy và thuốc tăng co bóp cơ tim. Bệnh nhân cũng sẽ nhận sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình và các chuyên gia, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.
3. Biện pháp chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân suy tim độ 4
Chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim độ 4 với một số biện pháp được ứng dụng phổ biến như sau:
Theo dõi triệu chứng thường xuyên
Suy tim độ 4 là giai đoạn nặng của bệnh, vì vậy bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ. Tất cả các triệu chứng và sự thay đổi bất thường cần được ghi nhận để có hướng can thiệp kịp thời. Nếu bệnh nhân được chăm sóc tại nhà, cần thông báo ngay cho bác sĩ khi có triệu chứng như khó thở, phù nề tăng nhanh hoặc tăng cân bất thường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Điều chỉnh chế độ ăn uống là rất quan trọng đối với bệnh nhân suy tim độ 4:
- Tăng cường trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo, thịt nạc, sữa ít béo và dầu thực vật;
- Hạn chế muối, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm tinh chế;
- Uống đủ nước, trung bình khoảng 30ml/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày (khoảng 1,5 lít đối với bệnh nhân suy tim nặng);
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, không ăn quá no;
- Hạn chế tuyệt đối thuốc lá, rượu, bia, cà phê và nước ngọt.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân suy tim độ 4
Chế độ tập luyện phù hợp
Mặc dù bệnh nhân suy tim độ 4 rất khó khăn trong việc vận động, nhưng hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ chậm hoặc dưỡng sinh vẫn có thể giúp cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập mạnh và nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu khó thở hoặc mệt mỏi.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Suy tim độ 4 thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và lo âu, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, cần tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Hy vọng rằng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin bổ ích, góp phần hỗ trợ bệnh nhân mắc suy tim độ 4 trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh. Người dân có nhu cầu cần giải đáp các thắc mắc liên quan về tình trạng suy tim độ 4 nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!