Các tin tức tại MEDlatec
Tác nhân gây xơ gan lây qua đường nào? Nguyên nhân và cách phòng tránh
- 30/11/2023 | Bệnh xơ gan tim hay gan xung huyết: bệnh lý nguy hiểm bạn cần biết
- 29/02/2024 | Bệnh xơ gan - kết cục khi các bệnh lý gan mạn tính không được điều trị
- 31/01/2024 | Xơ gan điều trị như thế nào và những thông tin tổng quan về bệnh
1. Xơ gan là gì?
Xơ gan được xem là giai đoạn nghiêm trọng của quá trình xơ hoá, hình thành mô sẹo trên bề mặt gan trong thời gian dài. Các mô sẹo này sẽ xuất hiện sau mỗi lần gan bị tổn thương và tự hồi phục, quá trình này lặp lại nhiều lần khiến diện tích gan bị xơ hoá ngày càng rộng hơn. Các mô sẹo sẽ gây hạn chế việc lưu thông máu của gan, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi, đào thải, chuyển hoá chất của gan.
Xơ gan là hậu quả của quá trình xơ hóa gan
Khi xơ gan tiến đến giai đoạn cuối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Đặc biệt xơ gan là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư gan nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị đúng cách.
2. Nguyên nhân xơ gan
Hiện nay các nguyên nhân xơ gan được chia thành 3 nhóm gồm 2 nguyên nhân phổ biến nhất do virus viêm gan, lạm dụng rượu bia và còn lại là nhóm các nguyên nhân khác ít gặp hơn.
2.1. Do virus viêm gan
Virus viêm gan chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân phổ biến gây ra biến chứng xơ gan. Virus này hiện nay có 5 loại chính được ký hiệu lần lượt A, B, C, D, E. Trong đó, khi cơ thể nhiễm viêm gan B và C, không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng mạn tính như xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan có thể dẫn đến biến chứng xơ gan
2.2. Lạm dụng rượu bia
Trung bình có khoảng 10 - 20% bệnh nhân xơ gan có tiền sử nghiện rượu nặng. Thói quen sử dụng sử dụng rượu bia thường xuyên là một trong những nguyên nhân phổ biến được tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân xơ gan. Nguyên nhân này được giải thích do hàm lượng ethanol trong các loại thức uống có cồn thường được chuyển hoá thành Acetaldehyde khiến tế bào gan bị tổn thương và hình thành các mô xơ hoá. Tình trạng này diễn ra lặp lại trong thời gian dài khiến gan bị xơ hoá ngày càng nhiều dẫn đến xơ gan và suy giảm chức năng của gan.
Người lạm dụng bia rượu thường có tỷ lệ mắc bệnh xơ gan cao
2.3. Các nguyên nhân khác
● Gan nhiễm mỡ do thừa cân, béo phì hoặc do ảnh hưởng từ các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch,...
● Viêm gan tự nhiễm hình thành khi hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào gan khỏe mạnh và khiến chúng bị tổn thương dẫn đến xơ hoá. Đến nay, viêm gan tự miễn chưa được xác định nguyên nhân cụ thể, có thể do di truyền, căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc đặc trị,...
● Sử dụng các loại thuốc như giảm đau acetaminophen, kháng sinh và một số thuốc dùng trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu không đúng cách hoặc quá liều làm ảnh hưởng chức năng gan.
● Xơ gan do máu ứ đọng xuất phát từ các bệnh lý suy tim hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch ở vùng gan.
● Các loại ký sinh trùng, sán gan cũng có nguy cơ gây tổn thương tế bào dẫn đến xơ gan,...
3. Tác nhân gây xơ gan là gì?
Xơ gan là tình trạng bệnh đáng báo động và có ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Nhưng liệu xơ gan có lây không hoặc xơ gan lây qua đường nào là những câu hỏi luôn được nhiều người quan tâm. Thực tế, xơ gan là hậu quả của một số bệnh lý nên nó không thể lây. Tình trạng lây nhiễm ở đây là lây tác nhân gây xơ gan.
3.1. Loại tác nhân gây xơ gan nào có thể lây?
Bệnh xơ gan có thể lây hay không phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây ra bệnh này. Từ đó có thể chia thành 2 nhóm:
● Nhóm xơ gan không có khả năng lây nhiễm thường xuất phát từ nguyên nhân do lạm dụng bia rượu, ảnh hưởng của bệnh tim, tác dụng phụ của thuốc, viêm gan tự miễn,...
● Nhóm tác nhân gây xơ gan có thể lây bao gồm xơ gan do virus viêm gan B và C hoặc các loại ký sinh trùng. Khi các loại virus, ký sinh trùng truyền nhiễm từ người này sang người khác sẽ bắt đầu quá trình phát triển và gây ảnh hưởng đến tế bào gan dẫn đến viêm gan mạn tính và chuyển dần sang biến chứng xơ gan.
Chính vì thế khi có dấu hiệu xơ gan, người bệnh thường được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh từ đó có thể áp dụng các phương pháp điều trị và cảnh báo tránh lây nhiễm phù hợp.
3.2. Tác nhân gây xơ gan lây qua đường nào?
Chắc chắn tác nhân gây ra xơ gan lây qua đường nào là thắc mắc của không ít người đã mắc hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh xơ gan. Đối với nhóm tác nhân gây ra xơ gan có thể lây nhiễm thì sẽ thường lây qua các trường hợp sau:
Xơ gan lây qua đường nào là câu hỏi của nhiều người
● Từ mẹ sang con: Trước hoặc trong thai kỳ, nếu cơ thể của thai phụ đã nhiễm virus viêm gan B, C hoặc đang trong tình trạng xơ gan thì khi bé ra đời có khả năng cao bị lây virus này từ mẹ. Bởi vì khi mẹ chuyển dạ, tử cung co bóp khiến máu của mẹ tiếp xúc với máu của con tại nhau thai, từ đó lây truyền virus. Đồng thời trường hợp các mẹ bầu có nhiễm virus viêm gan khi sinh thường, trẻ sơ sinh tiếp xúc với dịch âm đạo cũng tăng nguy cơ lây nhiễm. Chính vì thế trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ, thai phụ thường được kiểm tra các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm để có phương án phòng ngừa chủ động.
● Tiếp xúc qua đường máu: Người bình thường khi tiếp xúc với vết thương hở của người bị xơ gan nhóm lây nhiễm có rủi ro bị lây virus cao do chúng tồn tại trong đường máu. Ngoài ra, các vật dụng sinh hoạt như bàn chải răng, dao cạo râu, đồ cắt móng tay hoặc những vật sắc nhọn cũng có nguy cơ truyền nhiễm virus viêm gan, ký sinh trùng.
● Quan hệ tình dục: Ngoài đường máu thì virus viêm gan còn tập trung ở dịch âm đạo và tinh trùng. Vì thế, quan hệ tình dục với người bệnh xơ gan do virus cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không có các biện pháp an toàn và quá trình quan hệ có trầy xước, tổn thương niêm mạc. Theo nghiên cứu cho thấy khả năng lây virus viêm gan cao hơn so với HIV.
4. Cách phòng tránh lây nhiễm tác nhân gây xơ gan
● Tiêm phòng vắc xin chủ động phòng tránh virus viêm gan B.
● Duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh với thực đơn hạn chế chất béo xấu, thức ăn dầu mỡ, chiên xào, kém vệ sinh hoặc chứa các chất gây hại cho sức khỏe.
● Thay đổi thói quen hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá.
● Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ.
● Tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể khỏe mạnh.
● Thường xuyên tẩy giun định kỳ để phòng tránh ký sinh trùng gây hại cho gan.
● Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 2 lần/ năm để tầm soát và phát hiện sớm các vấn đề về gan và cơ quan khác.
Tiêm ngừa và thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để phòng ngừa xơ gan
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp chi tiết thắc mắc tác nhân gây xơ gan lây qua đường nào cũng như các thông tin khác về bệnh xơ gan. Để phòng bệnh, bạn nên tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan và thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Gan - Tụy - Mật thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ, tư vấn nhanh nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!