Các tin tức tại MEDlatec

Tại sao bị đột quỵ, triệu chứng và cách phòng tránh

Ngày 01/05/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

tại sao bị đột quỵ

Tại sao bị đột quỵ, triệu chứng và cách phòng tránh

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu tới não bị chặn hoặc đứt, gây thiếu máu và làm tổn thương, mất chức năng não. Điều này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng di chuyển, nói chuyện, thậm chí là tử vong. Hiểu tại sao bị đột quỵ sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của mình.

1. Về khái niệm đột quỵ

Đột quỵ là một trạng thái y tế khẩn cấp dùng để chỉ tình trạng lượng máu cần cung cấp đến một phần của não bị giảm đột ngột hoặc bị chặn lại. Có 2 dạng đột quỵ chính là:

- Đột quỵ nhồi máu não

Đây là loại phổ biến nhất của đột quỵ, xảy ra khi một mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn làm tổn thương cho một khu vực của não. Triệu chứng của dạng đột quỵ này thường bao gồm tê hoặc yếu của một bên cơ thể, khó nói, nói khó hiểu, mất thị lực.

- Đột quỵ chảy máu não

Bệnh lý này xảy ra khi có tình trạng xuất huyết não toàn bộ gây tổn thương đến một phần lớn hoặc toàn bộ bộ não. Kết quả là não bộ bị mất chức năng nghiêm trọng hoặc thậm chí là tử vong.

Tắc nghẽn mạch máu não là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ

2. Tại sao bị đột quỵ và triệu chứng nhận biết

2.1. Lý do tại sao bị đột quỵ

Nguy cơ bị đột quỵ tương đối đa dạng và phức tạp, bao gồm các yếu tố:

- Huyết áp cao

Huyết áp cao làm tăng áp lực máu và gây tổn thương cho các mạch máu trong não, dẫn đến đột quỵ.

- Hút thuốc lá

Việc hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ mà còn gây tổn thương cho các mạch máu và làm tăng huyết áp.

- Tiểu đường

Trên phương diện này, tại sao bị đột quỵ có thể giải thích như sau: người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao hơn bị đột quỵ do tình trạng tăng lượng đường trong máu có thể gây tổn thương mạch máu.

- Rối loạn chuyển hóa lipid máu

Bệnh lý này làm xơ vữa động mạch, tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ.

- Béo phì

Béo phì và cân nặng vượt quá mức quy định tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch như hẹp hở van tim, rung nhĩ,... và bao gồm cả đột quỵ.

- Di truyền

Có một yếu tố di truyền trong nguy cơ bị đột quỵ. Vì thế, nếu có thành viên trong gia đình đã từng bị đột quỵ thì nguy cơ của bạn có thể cao hơn so với người bình thường.

- Lối sống không lành mạnh

Ăn uống không cân đối, thiếu tập thể dục, căng thẳng,... tất cả đều có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Biết được lý do tại sao bị đột quỵ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

2.2. Triệu chứng nhận biết đột quỵ

Các dấu hiệu sớm gợi ý bệnh đột quỵ

Triệu chứng của đột quỵ có thể biến đổi tùy thuộc vào phần não bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của bệnh: - Yếu hoặc liệt một bên cơ thể

 Người bệnh bị yếu, liệt một bên cơ thể biểu hiện ở việc một bên mặt, tay hoặc chân bị tê, có thể điều khiển được nhưng kém chính xác, khó nhấc tay hoặc chân lên, không thể tự cử động chân tay được,...

- Khó nói hoặc nói khó hiểu

Đây là một triệu chứng khác của đột quỵ. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi nói nên nói khó hiểu, khó nói, nói không rõ ràng, không hiểu thông điệp từ người khác,...

- Mất thị lực

Một số người bị đột quỵ có thể gặp vấn đề về thị lực, bao gồm mờ mắt hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

- Đau đầu đột ngột và dữ dội

Đau đầu đột ngột và dữ dội có thể là một triệu chứng của đột quỵ, đặc biệt khi kèm theo các triệu chứng khác như mất cảm giác hoặc khó nói.

- Mất cân bằng hoặc khó di chuyển

Khi bị đột quỵ, rất nhiều người gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng cân bằng của cơ thể hoặc khó di chuyển. Vì thế họ dễ bị vấp ngã, bị ngã.

3. Biện pháp phòng ngừa bệnh đột quỵ

Tầm soát định kỳ giúp phát hiện sớm, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ

Từ những lý do giải thích tại sao bị đột quỵ nêu trên, mỗi cá nhân có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ đột quỵ bằng cách: - Dinh dưỡng lành mạnh

Ăn uống cân đối và giàu chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ phòng tránh đột quỵ. Để đạt mục tiêu này cần tăng cường việc tiêu thụ rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu omega-3,...

- Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn bộ môn tập luyện phù hợp với thể trạng và thời gian tập vừa với ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Có thể lựa chọn các môn thể dục như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,... đều đặn 30 phút/ ngày.

- Giảm cân nếu cần thiết

Nếu bạn đang ở trên mức cân nặng khuyến nghị, việc giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để có được một kế hoạch giảm cân an toàn và hiệu quả.

- Ngừng hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố rủi ro chính gây ra đột quỵ. Nếu bạn hút thuốc nhiều, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế để dừng hút thuốc. Việc làm này sẽ giúp cho phổi và tim mạch của bạn khỏe mạnh hơn.

- Kiểm soát huyết áp và tiểu đường

Người mắc các vấn đề về huyết áp cao hoặc tiểu đường cần quản lý sức khỏe tốt để giảm nguy cơ bị đột quỵ. Muốn vậy, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, uống thuốc đúng chỉ định và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

- Giảm stress

Stress có thể góp phần làm tăng huyết áp và nguy cơ bị đột quỵ. Để giảm thiểu stress bạn có thể lựa chọn các phương pháp như: thiền, yoga hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích để giữ tâm trạng thoải mái.

Đột quỵ có thể xảy ra với mọi độ tuổi và đang có chiều hướng trẻ hóa. Việc hiểu biết tại sao bị đột quỵ để phòng tránh đúng cách là giải pháp tốt nhất để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Mọi sự hỗ trợ y tế hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh lý tim mạch, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn nhanh chóng, chính xác.

BS Chỉnh đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.