Các tin tức tại MEDlatec

Thoái hóa cột sống dân văn phòng: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 06/01/2023
Thoái hóa cột sống là căn bệnh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Trong đó, nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng có nguy cơ cao. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới bệnh thoái hóa cột sống dân văn phòng và phải làm sao để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này?

1. Những nguyên nhân gây bệnh thoái hóa cột sống dân văn phòng?

Bệnh thoái hóa cột sống xảy ra khi lớp sụn khớp bị mòn. Khi người bệnh vận động, những đầu xương đốt sống cọ xát vào nhau gây viêm, sưng bao hoạt dịch khớp và khô khớp do dịch khớp tiết ra quá ít. Bên cạnh đó, sự cọ sát giữa các đầu xương cũng chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ hình thành các gai xương. Khi những gai xương này càng phát triển sẽ gây ảnh hưởng đến các xương đốt sống, rễ thần kinh cùng với những mô mềm xung quanh.

Bệnh thoái hóa cột sống thường do tình trạng lão hóa gây ra, vì thế thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp người trẻ cũng có thể mắc bệnh vì nhiều lý do khác nhau, có thể là do bệnh lý hay do thói quen sinh hoạt không khoa học. Trong đó, những người làm việc trong môi trường văn phòng cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới bệnh thoái hóa cột sống dân văn phòng:

- Nhân viên văn phòng thường phải ngồi làm việc cố định với màn hình máy tính từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Thói quen ngồi lâu ở một tư thế có thể gây căng thẳng, giảm tưới máu và đồng thời tạo ra những áp lực lớn lên các khớp xương, đặc biệt là cột sống. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng thoái hóa cột sống và nhiều căn bệnh về xương khớp chẳng hạn như gai xương, hội chứng chùm đuôi ngựa,… Hơn nữa, làm việc với máy tính và gõ bàn phím thường xuyên cũng có thể khiến khớp cổ tay, bàn tay và các ngón tay bị đau nhức và tê mỏi và dễ gây ra bệnh viêm khớp.

Ngồi làm việc không đúng tư thế gây hại cho xương khớp

- Do tư thế ngồi không đúng: Trong thời gian ngồi làm việc, nhiều người thường có thói quen cúi khom lưng, vắt chéo chân, ngồi lệch vai, ngồi quá thấp hoặc quá cao so với bàn làm việc, hay nằm gục xuống bàn khi nghỉ trưa,… Những tư thế ngồi không khoa học này là nguyên nhân rất phổ biến gây ra bệnh thoái hóa cột sống.

- Trong thời gian làm việc, nhân viên văn phòng gần như rất ít đứng lên đi lại. Hơn nữa, những ngày nghỉ ở nhà, họ thường có xu hướng thích nghỉ ngơi tại nhà, xem tivi hoặc lướt điện thoại. Kèm theo đó là thói quen thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân khiến cho hệ thống xương khớp bị tổn thương, bào mòn và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

2. Một số triệu chứng thoái hóa cột sống thường gặp

Khi bị thoái hóa cột sống, người bệnh thường bị đau nhức và khó chịu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí đốt sống bị thoái hóa mà cơn đau sẽ khác nhau và kèm theo một số triệu chứng liên quan khác. Cụ thể như sau:

- Với những trường hợp bị thoái hóa cột sống thắt lưng: Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau vùng lưng dưới, cơn đau cũng có thể lan sang vùng mông và đùi sau, thậm chí ảnh hưởng đến cả bắp chân và bàn chân.

Nhân viên văn phòng là đối tượng dễ mắc bệnh xương khớp

- Với những trường hợp bị thoái hóa đốt sống cổ: Những cơn đau nhức thường tập trung ở vùng cổ, vai, lưng trên và lưng giữa. Theo thời gian, cơn đau sẽ lan rộng ra vùng cánh tay, bàn tay, ngón tay.

- Thoái hóa đốt sống ngực: Cơn đau thường tập trung ở vùng lưng giữa, vùng cổ, vai và cánh tay. Khi người bệnh cúi, gập người những cơn đau sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

- Một số triệu chứng khác: Cơn đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, cột sống thường cứng và kém linh hoạt khi mới ngủ dậy vào buổi sáng sớm, nghe thấy âm thanh lạ “lục cục hay lạo xạo” khi cúi người, ưỡn ngực,…

3. Cách phòng ngừa thoái hóa cột sống dân văn phòng

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh thoái hóa cột sống dân văn phòng, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:

- Ngồi làm việc đúng tư thế: Khi ngồi làm việc đúng tư thế, vùng cột sống sẽ không phải chịu quá nhiều áp lực và đồng thời giúp ngăn ngừa đau nhức, tăng cường sức khỏe xương khớp. Một số hướng dẫn về ngồi đúng tư thế như sau:

Nên tập thể dục nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc

+ Bàn chân của bạn cần đặt bằng phẳng với mặt sàn.

+ Đầu gối và hông phải tạo thành góc 90 độ.

+ Vùng đầu và cổ phải luôn giữ thẳng, vai thả lỏng.

+ Đối với vị trí tay cần lưu ý cổ tay luôn để thẳng và phải ngang bằng với khuỷu tay.

+ Lưu ý giữ khoảng cách 50 đến 60cm với màn hình máy tính.

- Nên lựa chọn loại ghế ngồi tốt với xương khớp: Nên lựa chọn ghế có thể xoay trên bánh xe để ổn định và dịch chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm một tấm đệm lót hoặc những chiếc gối mỏng kê sau ghế. Không nên kê đệm dày vì có thể gây ra áp lực cho cột sống.

- Thường xuyên di chuyển và duỗi căng cơ bắp liên tục: Thay vì ngồi quá lâu trong một tư thế, bạn nên đứng dậy và di chuyển nhiều hơn. Tốt nhất cứ sau 30 phút đến 1 tiếng bạn nên đứng dậy, di chuyển trong khoảng 2 đến 5 phút để các khớp xương được giải tỏa căng thẳng và thư giãn.

Tập thể dục để phòng ngừa thoái hóa khớp

- Tập thể dục mỗi ngày: Tùy theo sở thích và thể trạng để lựa chọn những bài tập phù hợp với mình, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe, tập yoga, tập gym,… Đây không chỉ là cách rèn luyện sức khỏe mà còn là cách giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ làm việc và giúp bạn duy trì một vóc dáng cân đối.

- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Để có một hệ xương khớp khỏe mạnh, bạn nên từ bỏ thói quen mua đồ ăn sẵn. Dù có bận rộn đến mấy cũng nên cố gắng chuẩn bị cho mình những bữa ăn lành mạnh, cung cấp đủ dưỡng chất để cơ thể luôn khỏe mạnh và xương khớp luôn dẻo dai, chắc khỏe.

Để được tư vấn thêm về thoái hóa cột sống dân văn phòng hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe xương khớp, mời bạn liên hệ đến chuyên khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số đường dây nóng 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.