Các tin tức tại MEDlatec
Tiêu chảy cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 30/04/2022 | Tổng hợp những cách trị tiêu chảy tại nhà hiệu quả
- 14/02/2022 | Bệnh tiêu chảy do virus Rota là gì? triệu chứng và cách phòng ngừa
- 19/04/2022 | Đau bụng tiêu chảy - nguyên nhân và cách xử lý an toàn
1. Như thế nào là tiêu chảy cấp tính?
Tiêu chảy cấp tính là bệnh truyền nhiễm với các triệu chứng điển hình như tiêu chảy kèm theo nôn ói, mất nước, rối loạn điện giải. Thời gian tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Các đối tượng dễ có nguy cơ bị tiêu chảy cấp bao gồm:
-
Trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 60 tuổi.
-
Người bị suy giảm hệ miễn dịch như suy dinh dưỡng, hóa trị ung thư, mắc HIV/AIDS.
-
Người mắc bệnh lý viêm dạ dày mạn tính, đang sử dụng thuốc ức chế bài tiết axit.
-
Người đang sử dụng thuốc kháng sinh và bị loạn khuẩn ruột do tác dụng phụ của thuốc.
-
Bị phơi nhiễm độc tố của vi khuẩn ruột do không giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống ô nhiễm, ăn thức ăn ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Bị nhiễm vi khuẩn, virus gây tiêu chảy khi tiếp xúc với các nhân truyền nhiễm qua đường miệng, phân.
Trẻ em dưới 5 tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tiêu chảy cấp
2. Triệu chứng của tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp tính được chia thành 2 nhóm với các triệu chứng rõ rệt sau:
Tiêu chảy cấp xâm nhập
Thường xảy ra ở những người bị tiêu chảy do viêm ruột xuất tiết hoặc do nhiễm ký sinh trùng. Lúc này, người bệnh sẽ bị sốt và đi ngoài phân lỏng, trong phân có máu.
Tiêu chảy cấp không xâm nhập
Thường xảy ra ở những người bị tiêu chảy do nhiễm virus. Lúc này, người bệnh không bị sốt, chỉ đơn thuần đi ngoài phân lỏng, toàn nước, không có máu trong phân.
Ngoài các triệu chứng điển hình ở từng nhóm thì tiêu chảy cấp tính ở cả 2 nhóm đều có thể kèm theo một số triệu chứng khác như:
-
Đau bụng: Có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ. Cảm giác đau tăng lên khi đi ngoài.
-
Nôn mửa: Có thể nôn thức ăn hoặc nước. Một số trường hợp còn nôn cả dịch mật.
-
Da khô và khát nước liên tục.
-
Ít hoặc không đi tiểu, khi đi tiểu, nước tiểu có màu vàng sẫm.
-
Mệt mỏi, chóng mặt, sụt cân,…
Tiêu chảy cấp tính có thể khiến người bệnh cảm thấy đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội
3. Chẩn đoán và điều trị tiêu chảy cấp tính
Người bị tiêu chảy cấp tính cần được đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm.
Chẩn đoán tiêu chảy cấp
Thông thường, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh tật, các loại thuốc đã và đang sử dụng, khám thực thể và chỉ định thực hiện các phương pháp xét nghiệm sau:
-
Xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy cấp.
-
Xét nghiệm phân để xác định có vi khuẩn hay ký sinh trùng trong phân hay không.
-
Nội soi hậu môn và tràng sigma.
Điều trị tiêu chảy cấp
Thường thì bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp khắc phục tình trạng tại nhà. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm thì sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:
-
Dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp tiêu chảy cấp do vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu kháng sinh gây tiêu chảy thì có thể giảm liều hoặc thay thế bằng thuốc khác.
-
Nếu uống nhiều nước gây đau dạ dày, nôn ói thì bác sĩ sẽ truyền dịch qua tĩnh mạch, phòng trường hợp cơ thể bị mất nước.
-
Uống nước điện giải và nước ép trái cây để bổ sung muối, chất điện giải, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Người bị tiêu chảy cần được nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước để bù nước cho cơ thể
4. Các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính, đặc biệt là ở các gia đình có trẻ em và người già, cần chủ động thực hiện các biện pháp và khuyến cáo sau:
Giữ gìn vệ sinh cá nhân và tăng cường vệ sinh môi trường
-
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, tối thiểu trong 20 giây. Những trường hợp bắt buộc phải rửa tay là trước và sau khi chế biến thức ăn, đặc biệt là sau khi xử lý thịt sống. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ra ngoài về,…
-
Không vứt rác, xả rác bừa bãi ra không gian sống. Môi trường xung quanh nhà phải được dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng. Tuyệt đối không dùng phân tươi, phân chưa qua xử lý để trồng cây.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng là một trong những cách phòng ngừa tiêu chảy cấp tính
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi
-
Tuyệt đối không uống nước lã, nước mưa.
-
Thực phẩm cần được rửa sạch và nấu chín. Không ăn những món ăn tái hoặc còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua, hải sản sống,…
-
Thực phẩm ăn xong và còn dư cần được bảo quản cẩn thận bằng cách để nơi khô ráo, thoáng mát, đậy lồng bàn. Nếu chưa dùng ngay thì nên cất vào tủ lạnh.
-
Không ăn thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, nhiễm khuẩn. Nếu là thực phẩm chế biến sẵn thì cần coi kỹ hạn sử dụng.
-
Hạn chế tập trung ăn uống ở những nơi đông người trong vùng đang có dịch tiêu chảy.
-
Chọn mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh trong ăn uống để phòng bệnh tiêu chảy
Phòng ngừa tiêu chảy cấp khi đi du lịch
-
Ăn uống ở các nhà hàng, hàng quán sạch sẽ. Hạn chế ăn rau sống và trái cây xanh.
-
Sử dụng nước uống đóng chai của thương hiệu uy tín. Hạn chế uống nước máy và nước đá viên.
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc trang bị thêm thuốc kháng sinh nếu đi du lịch ở những vùng hoang sơ, hẻo lánh.
Trên đây là những điều cần biết về tiêu chảy cấp tính, hy vọng bạn đọc sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc xử lý và phòng ngừa. Nếu bạn hoặc người thân bị tiêu chảy cấp hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa, có thể đến Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám và điều trị.
MEDLATEC sở hữu đội ngũ Chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm. Đặc biệt, chất lượng phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP sẽ mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng hàng đầu. Vui lòng liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được lịch khám trước nhanh chóng, tiện lợi.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!