Các tin tức tại MEDlatec
Tiêu chảy cấp uống thuốc gì để bệnh nhanh khỏi?
- 09/11/2021 | Một số nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở người lớn
- 04/11/2021 | Bị tiêu chảy uống gì và kiêng uống gì để bệnh nhanh khỏi?
- 06/11/2021 | Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ - những điều cha mẹ nên biết
- 04/12/2021 | Bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị tiêu chảy cấp tại nhà
- 24/11/2021 | Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không? Mẹ bầu cần chú ý những gì?
1. Một số nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp
Một số trường hợp, bệnh tiêu chảy cấp chỉ diễn ra trong 1 đến 2 ngày. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý đến vấn đề bổ sung chất lỏng thì bệnh sẽ sớm được cải thiện. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp, tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày hoặc do một số bệnh lý kèm theo một số dấu hiệu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị sớm.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tiêu chảy cấp:
+ Nhiễm virus: Một số loại virus có thể gây ra bệnh tiêu chảy cấp như virus Rota, virus Noro, virus Adeno. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy cấp.
+Nhiễm vi khuẩn: Rất nhiều trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, phổ biến nhất là ngộ độc thực phẩm. Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng dễ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như đi ngoài tóe nước, nôn mửa, đau bụng dữ dội,…
+ Nhiễm ký sinh trùng vì sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cũng có thể dẫn đến tiêu chảy.
Tiêu chảy cấp có thể do ngộ độc thực phẩm
+ Do sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài, chẳng hạn như thuốc kháng sinh.
+ Do mắc phải một số bệnh về rối loạn đường ruột như bệnh viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm túi thừa,…
+ Cơ thể dị ứng hoặc không dung nạp chất ngọt nhân tạo, sữa,…
+ Do thói quen uống quá nhiều bia rượu.
+ Bệnh nhân sử dụng quá nhiều thuốc thuốc nhuận tràng.
+ Tiêu chảy có thể là một vấn đề do bệnh tiểu đường gây ra.
Tiêu chảy cấp có thể do một số bệnh lý gây ra
+ Bệnh nhân thực hiện hóa trị hoặc xạ trị có nhiều nguy cơ bị tiêu chảy. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời. Khi bệnh nhân kết thúc vài tuần điều trị ung thư, tình trạng tiêu chảy sẽ chấm dứt.
+ Một số bệnh ung thư cũng có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy, chẳng hạn như ung thư ruột kết, u tuyến thượng thận, ung thư biểu mô tuyến giáp, ung thư tuyến tụy,…
2. Tiêu chảy cấp uống thuốc gì để bệnh nhanh khỏi?
2.1. Những lưu ý khi điều trị tiêu chảy cấp tại nhà
Đối với những trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Khi điều trị tại nhà, cần lưu ý những điều sau:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn tình trạng tiêu chảy cấp của bạn không phải là nguyên nhân của bệnh lý nguy hiểm và có thể điều trị tại nhà.
Bệnh nhân nên được bổ sung nước và điện giải khi bị tiêu chảy
- Bù nước và điện giải: Đây là lưu ý quan trọng nhất khi điều trị bệnh tiêu chảy. Người mắc bệnh tiêu chảy thường đi ngoài rất nhiều lần và có nguy cơ mất nước. Do đó, người bệnh cần phải uống nhiều nước hoặc có thể bổ sung điện giải để bồi hoàn lượng nước và chất điện giải bị mất đi. Ngoài ra, có thể cho người bệnh uống một số loại nước ép trái cây, nước ép rau củ.
- Chế độ dinh dưỡng: Một số bệnh nhân cho rằng khi tiêu chảy, nên kiêng ăn để hạn chế số lần đi ngoài. Tuy nhiên, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Đây là thời điểm bệnh nhân cần bổ sung dưỡng chất để tránh tình trạng kiệt sức. Điều quan trọng là hãy chọn những thực phẩm có lợi để sớm cải thiện tình trạng bệnh như khoai tây, thịt gà bỏ da, sữa chua, nên ăn những thực phẩm dễ tiêu, đồng thời tránh ăn một số loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc có nguy cơ gây đầy bụng như các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cay nóng, rau sống, cà phê, bia rượu,…
- Bổ sung men vi sinh đúng cách để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, phòng ngừa nhiễm trùng và giúp người bệnh sớm hồi phục. Bạn có thể bổ sung men vi sinh từ nhiều loại sữa chua khác nhau và một số loại thực phẩm lên men khác.
2.2. Tiêu chảy cấp uống thuốc gì?
Sau khi thay đổi chế độ ăn, hầu hết bệnh nhân tiêu chảy cấp sẽ có những cải thiện rõ rệt và không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo một số loại thuốc điều trị tiêu chảy không cần kê đơn, chẳng hạn như:
- Loperamide: Tác dụng của loại thuốc này làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hoá, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Đồng thời thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải, giảm lượng phân.
- Bismuth subsalicylate: Loại thuốc này được sử dụng nhằm mục đích loại bỏ triệu chứng buồn nôn, ợ nóng, khó chịu ở dạ dày, khó tiêu,… và đồng thời cũng giúp kích thích hấp thụ chất lỏng và chất điện giải qua thành ruột.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện nghiêm trọng nên nhanh chóng đưa đi khám để được bác sĩ xử lý kịp thời
- Lưu ý những loại thuốc này không được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị tiêu chảy kèm sốt hay có máu trong phân. Đối với những trường hợp có thể sử dụng thuốc, cần phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì của nhà sản xuất, không nên uống quá liều để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đặc biệt chú ý, không cho trẻ em sử dụng hai loại thuốc trên vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ lưu ý không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà hãy đưa trẻ đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả cho trẻ. Việc tự ý dùng thuốc cho con không khiến bệnh thuyên giảm mà còn có thể gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng.
Trong trường hợp, bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như đau bụng dữ dội, có máu trong phân, bệnh nhân khát nước, khô miệng, đi tiểu ít do mất nước nhiều, mệt mỏi kéo dài, kèm theo sốt hoặc đã chăm sóc tại nhà mà chưa cải thiện,… nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về tiêu chảy cấp uống thuốc gì và một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân. Để được tư vấn trực tiếp, bạn có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!