Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu về bệnh trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Ngày 07/05/2022
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ gặp phải tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản. Bệnh có thể khiến cho các bé bị tổn thương thận và nhiễm trùng đường tiết niệu nếu phát hiện muộn và không được điều trị đúng cách.

1. Định nghĩa về bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Hệ tiết niệu được cấu tạo từ các cơ quan bao gồm: thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Trong đó thận là nơi giúp lọc máu và tạo nước tiểu, sau đó đẩy nước tiểu qua niệu quản dẫn tới bàng quang. Bàng quang là một túi trữ nước tiểu và nó sẽ tống xuất sản phẩm này ra khỏi cơ thể theo đường niệu đạo.

Tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản xuất hiện khi nước tiểu không thải ra ngoài theo chiều xuôi thông thường mà thay vào đó là chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản. Bình thường thì nhờ cơ chế chống trào ngược theo kiểu nắp túi áo mà nước tiểu sẽ không thể từ bàng quang quay trở ngược lại niệu quản.

Hình ảnh mô phỏng tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản

Bệnh thường được phát hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong trường hợp không được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây biến chứng rất nguy hiểm. Có 5 cấp độ trào ngược bàng quang niệu quản, đó là:

  • Độ 1: trào ngược chỉ dừng lại ở niệu quản;

  • Độ 2: trào ngược đã lên tới đài bể thận;

  • Độ 3: giãn nhẹ đài bể thận và niệu quản, các góc nhọn ở đài thận vẫn được bảo tồn;

  • Độ 4: niệu quản và đài bể thận giãn vừa, góc nhọn ở đài thận biến mất;

  • Độ 5: đài bể thận và niệu quản giãn nặng (trở nên ngoằn ngoèo), đài thận không hiển thị rõ hình ảnh.

2. Trào ngược bàng quang niệu quản có triệu chứng gì?

  • Triệu chứng tiểu buốt, tiểu đau. Do đó người bệnh thường cảm thấy sợ mỗi lần đi tiểu nên thường xuyên nhịn tiểu;

  • Cảm giác buồn tiểu liên tục và tiểu thành nhiều lần;

  • Mặc dù tiểu nhiều lần nhưng trung bình mỗi lần lượng nước tiểu thải ra rất ít;

  • Nước tiểu đục, mùi hôi, thậm chí tiểu ra máu;

  • Sốt;

  • Có cảm giác bị đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng;

  • Ở trẻ sơ sinh thường có xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, kém ăn, quấy khóc nhiều;

  • Ở những trẻ lớn hơn thường bị táo bón, tè dầm và nghiêm trọng hơn là suy thận.

3. Trào ngược bàng quang niệu quản là do đâu?

Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược bàng quang trẻ em:

Nguyên nhân nguyên phát:

Trẻ bị dị tật bẩm sinh, bất thường ở đường tiết niệu đó là van ngăn chặn dòng chảy ngược của nước tiểu từ bàng quang vào niệu quản bị khuyết thiếu. Khi lớn lên, niệu quản của trẻ đã bắt đầu dài và thẳng ra giúp tình trạng trào ngược được cải thiện.

Bên cạnh đó, trào ngược bàng quang niệu quản còn xuất phát từ nguyên nhân là do các dị tật bẩm sinh khác như:

  • Bàng quang dị dạng: liệt bàng quang, bên cạnh niệu quản có xuất hiện túi thừa của bàng quang;

  • Niệu quản dị dạng: lạc chỗ niệu quản, lỗ niệu quản rộng hơn bình thường;

  • Nhược cơ tam giác niệu.

Dị tật bẩm sinh khiến trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản

Nguyên nhân thứ phát:

Do bàng quang bị tổn thương cơ, tắc nghẽn, tổn thương dây thần kinh điều khiển hoạt động tiểu tiện khiến nước tiểu không thể đào thải được. Điều này sẽ khiến bàng quang bị tăng áp lực dẫn tới trào ngược.

Các bệnh lý làm suy giảm chức năng của bàng quang bao gồm: bàng quang thần kinh, viêm đường tiết niệu, tắc đường tiết niệu dưới (hẹp niệu đạo, van niệu đạo sau).

4. Biện pháp chẩn đoán bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Ngoài những biểu hiện lâm sàng như đã nêu ở trên, để chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả sau khi thực hiện các phương pháp cận lâm sàng dưới đây:

  • Chụp X-quang bàng quang niệu đạo: một ống nhỏ dẫn thuốc cản quang sẽ được đưa vào bàng quang của bệnh nhân. Khi người bệnh đi tiểu hoặc khi nước tiểu đã đầy bàng quang thì chúng ta sẽ quan sát được sự xuất hiện của thuốc cản quang trên phim chụp;

  • Siêu âm: kiểm tra độ giãn của thận và niệu quản. Nếu có hiện tượng giãn niệu quản, thận ứ nước thì rất có khả năng là bệnh trào ngược bàng quang niệu quản;

  • Chụp X-quang bể thận nhằm quan sát đường tiết niệu và thận;

  • Chụp bàng quang niệu đạo (có sử dụng phóng xạ): thường được áp dụng trong các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu. Một lượng nhỏ phóng xạ sẽ được bác sĩ đưa vào người bệnh nhi theo đường tĩnh mạch. Tiếp theo, sử dụng thiết bị đặc biệt để chụp bàng quang và thận của bệnh nhân. Đây là biện pháp có tác dụng phát hiện, quan sát những vết sẹo ở thận, chẩn đoán xác định bệnh trào ngược bàng quang niệu quản.

Dựa trên giới tính, độ tuổi, mức độ và số lần bị nhiễm trùng đường tiết niệu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm hình ảnh phù hợp nhất.

5. Xử trí ra sao khi trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản?

Trong trường hợp trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát:

Bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên nếu bệnh ở mức độ nhẹ. Các bé có thể cần sử dụng thuốc viêm đường tiết niệu theo bác sĩ kê đơn.

Những trẻ bị viêm đường tiết niệu tái phát thì bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để sửa chữa dị vật van ngăn giữa niệu quản và bàng quang. Ngoài ra những bé bị bất thường trong cấu trúc đường tiết niệu hay thận hình thành thêm sẹo mới cũng cần phải thực hiện phẫu thuật.

Nếu là trào ngược thứ phát:

Bệnh nhân cần được chữa dựa trên nguyên nhân gây bệnh, đồng thời dùng kết hợp với kháng sinh để điều trị và dự phòng nếu bị viêm đường tiết niệu. Khi nước tiểu bị tích tụ trong bàng quang không thể đẩy ra ngoài, cần phải tiến hành thông tiểu cho bệnh nhân.

Khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu kèm tiêu chảy, tiểu đục, đau rát khi đi tiểu, sốt,... thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ ngay tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám, tuyệt đối không tự mua thuốc để trẻ uống. Nếu điều trị muộn, trẻ có khả năng bị suy giảm chức năng hoặc teo thận, thậm chí phải chạy thận nhân tạo.

Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường của bệnh, hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào giúp ngăn ngừa bệnh, nhưng các bậc cha mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản sau để đường tiết niệu của trẻ được cải thiện hiệu quả:

  • Tập cho trẻ đi tiểu đều, vệ sinh sạch sẽ từ đằng trước ra đằng sau;

  • Nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày;

  • Thay bỉm sớm;

  • Nếu trẻ bị táo bón cần điều trị ngay.

Phụ huynh nếu quan sát thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh trào ngược bàng quang niệu quản thì cần đưa trẻ đi khám sớm nhằm có phương án điều trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro gặp các bệnh lý về đường tiết niệu cũng như những biến chứng nghiêm trọng khác. Cha mẹ có thể liên hệ trực tiếp với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cho trẻ với bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện nhé!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.