Các tin tức tại MEDlatec

Tụt huyết áp uống nước đường có tác dụng không? Làm sao để cải thiện?

Ngày 23/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nhiều người có thói quen uống nước đường khi thấy “xuống sức”, mệt mỏi hoặc khi chỉ số huyết áp giảm. Liệu tụt huyết áp uống nước đường có giải quyết được vấn đề? Những loại thức uống nào giúp cải thiện huyết áp thấp? Cùng tìm hiểu ngay sau đây qua những chia sẻ bên dưới.

1. Tụt huyết áp là gì?

Tụt huyết áp là khi chỉ số huyết áp đo được dưới ngưỡng bình thường. Theo đó, huyết áp bình thường trong khoảng 90/60 - 130/85 mmHg. Trường hợp huyết áp thấp hơn ngưỡng này, cụ thể, dưới 90 mmHg với huyết áp tâm thu và dưới 60 mmHg với huyết áp tâm trương gọi là huyết áp thấp, tình trạng huyết áp thấp diễn ra đột ngột được gọi là tụt huyết áp.

Nếu tụt huyết áp nhẹ và thoáng qua, bạn sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu và mệt mỏi. Nếu tụt huyết áp nặng và kéo dài, các triệu chứng nghiêm trọng sẽ xuất hiện như choáng váng, xây xẩm, nôn ói, mất thăng bằng, vã mồ hôi, mất ý thức, ngất xỉu. Đặc biệt, huyết áp tụt nhanh và đột ngột sẽ khiến não bị thiếu máu, thiếu oxy và dưỡng chất, dẫn đến tổn thương não.

Có thể nhận biết tụt huyết áp khi tự đo huyết áp tại nhà

2. Tụt huyết áp uống nước đường có hiệu quả?

Uống nước đường là phương pháp được nhiều người áp dụng khi bị tụt huyết áp. Vậy tụt huyết áp uống nước đường có thực sự hiệu quả? Theo các bác sĩ, cần xác định nguyên nhân và nắm bắt các triệu chứng của tụt huyết áp, sau đó mới quyết định có nên uống nước đường hay không.

Với trường hợp tụt huyết áp do lượng đường huyết trong máu giảm (dưới 70mg/dL), xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng,… bạn có thể uống một cốc nước đường hoặc ăn vài chiếc bánh, kẹo ngọt để tăng đường huyết và cải thiện huyết áp.

Tuy nhiên, nếu tụt huyết do thai kỳ, rối loạn nội tiết, các bệnh lý tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh nhiễm trùng máu,… thì uống nước đường sẽ không mang lại hiệu quả, ngược lại, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe như đường huyết tăng cao, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, suy giảm thị lực,…

huyết áp uống nước đường được nhiều người áp dụng

3. Các loại thức uống cho người bị tụt huyết áp

huyết áp uống nước đường được không? Câu trả lời là có, miễn phù hợp với nguyên nhân gây tụt huyết áp và tình trạng sức khỏe. Ngoài nước đường, bạn cũng có thể sử dụng các loại thức uống sau khi huyết áp giảm.

Uống nước điện giải 

Đây là giải pháp hữu hiệu để bù khối lượng tuần hoàn giúp huyết áp về ngưỡng bình thường. Do đó, khi huyết áp giảm đột ngột, hãy uống ngay một cốc nước điện giải.

Trà gừng

Nếu tụt huyết áp gây chóng mặt, buồn nôn, bạn có thể uống trà gừng. Gừng có tác dụng chống nôn và cải thiện tuần hoàn máu, giảm triệu chứng chóng mặt, hoa mắt. Cách pha rất đơn giản, chuẩn bị một cốc nước sôi, cho thêm vài lát gừng tươi vào, khuấy đều, để nguội bớt rồi uống. Để dễ uống hơn, bạn có thể cho thêm một xíu đường hoặc mật ong.

Trà gừng điều hòa huyết áp hiệu quả, giúp cơ thể mau hồi phục

Trà cam thảo 

Acid glycyrrhizic trong rễ cam thảo có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh mineralocorticoid. Đây là hormone làm tăng khả năng giữ muối và tích nước trong cơ thể, nhờ đó, giúp huyết áp hiệu quả. Vì vậy, bạn hãy uống trà cam thảo để cải thiện tình trạng huyết áp thấp, tụt huyết áp.

Trà húng quế 

Đây cũng là thức uống được nhiều người sử dụng để gia huyết áp. Các thành phần magie, vitamin C trong lá húng quế giúp điều hòa huyết áp cũng như mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, do đó, bạn có thể pha và uống mỗi ngày.

Nước nho khô

Nho khô có tác dụng bổ huyết và tăng cường hoạt động của tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận hoạt động tốt sẽ sản sinh nhiều Aldosterone. Hormone này cân bằng natri và kali trong cơ thể thông qua cơ chế hấp thu natri vào máu và bài tiết kali qua nước tiểu. Ngoài ra, Aldosterone cũng có tác dụng tăng hấp thu nước vào mạch máu, nhờ đó, làm tăng huyết áp. 

Nước sâm

Nước sâm là thức uống được nấu từ nhiều nguyên liệu như rong biển, rễ cỏ tranh, râu ngô, la hán quả, mía lau, đường phèn,… Không chỉ giải nhiệt, làm mát cơ thể, nước sâm còn có tác dụng giảm triệu chứng mệt mỏi, vã mồ hôi do tụt huyết áp, giúp bạn nhanh chóng lấy lại sức.

4. Biện pháp phòng ngừa huyết áp thấp

Người bị tụt huyết áp uống nước đường và các loại thức uống nói trên có thể giúp cải thiện tình trạng. Song song đó, để phòng ngừa tụt huyết áp, bạn hãy thực hiện các hướng dẫn sau.

  • Ăn mặn hơn bình thường để cơ thể hấp thu natri và tích trữ nước. Nhưng để an toàn, hãy hỏi kỹ bác sĩ về lượng muối cần tiêu thụ mỗi ngày.
  • Uống nhiều nước, nhất là với những người huyết áp thấp do cơ thể thiếu nước, mất nước.
  • Không ăn quá no, thay vào đó là ăn vừa bụng và nhiều bữa ăn trong ngày. Việc này giúp ngăn ngừa tình trạng chảy một lượng máu về hệ tiêu hóa khiến não bộ thiếu máu gây hạ huyết áp.
  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết bằng máy đo tại nhà. Nếu thấy đường huyết giảm, thực hiện các cách tăng đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tụt huyết áp.
  • Với người già, người gặp khó khăn khi vận động, chủ yếu nằm và ngồi nhiều, hãy đeo vớ y tế để máu không dồn và ứ đọng tại chân. Đây là cách giúp phòng ngừa tụt huyết áp tư thế.
  • Nếu bạn được chỉ định dùng thuốc điều trị huyết áp thấp, hãy dùng thuốc đúng chỉ định. Không tự ý tăng hoặc giảm liều, rút ngắn hoặc kéo dài thời gian dùng hay thay đổi thuốc.
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, kiểm soát trạng thái tinh thần.

Phòng ngừa tụt huyết áp bằng cách ngủ đủ giấc, sống vui vẻ 

Chúng ta đã cùng tìm hiểu tụt huyết áp uống nước đường được không, làm gì để cải thiện và phòng ngừa huyết áp thấp. Để được kiểm tra huyết áp và điều trị bệnh lý liên quan, quý khách hãy đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.