Các tin tức tại MEDlatec

Viêm cơ tim: Hướng dẫn chăm sóc người bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 24/06/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Viêm cơ tim làm cản trở khả năng bơm máu của tim, lâu dần dẫn đến suy tim và gây tử vong. Dưới đây là phương pháp điều trị, cách chăm sóc người bệnh và gợi ý về một số cách đơn giản giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Triệu chứng viêm cơ tim là gì?

viêm cơ tim là viêm một phần khối cơ tim hoặc toàn bộ cơ tim. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Trong đó, người suy giảm hệ miễn dịch hay trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đối tượng khác. 

Nguyên nhân gây bệnh có thể do một số loại virus như virus viêm gan B, virus herpes,.. hay do một số loại vi khuẩn như tụ cầu,... Bên cạnh đó, một số trường hợp bị viêm cơ tim cũng có thể là do nấm Candida hay aspergillus,... Ngoài ra, viêm cơ tim còn có thể do tác dụng phụ của thuốc, hay do tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại,...

Triệu chứng của viêm cơ tim rất đa dạng tùy theo mức độ nặng hoặc nhẹ của bệnh. Có thể phân chia thành 3 nhóm triệu chứng như sau: 

- Nhóm không có triệu chứng: Người bệnh không có biểu hiện, hoặc những triệu chứng bệnh chỉ thoáng qua. Tuy nhiên, bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển. 

Khó thở có thể là do viêm cơ tim 

- Nhóm bệnh nhân triệu chứng điển hình: Trong đó, các triệu chứng bệnh thường gặp có thể kể đến như đau ngực, hụt hơi, Khó thở, đau nhức đầu, sốt, người mệt mỏi, ăn uống kém,...

- Nhóm có triệu chứng nghiêm trọng: Người bệnh có biểu hiện tim đập nhanh, không đo được huyết áp, da tái, thậm chí có thể dẫn đến suy tim và gây tử vong. 

2. Biến chứng viêm cơ tim 

Nếu không được can thiệp kịp thời, viêm cơ tim có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau: 

- Suy tim: Bệnh viêm cơ tim khiến cơ tim bị tổn thương nhanh chóng, gây suy tim, giảm khả năng bơm máu của tim.

- Rối loạn nhịp tim: Khi gặp phải biến chứng này, người bệnh sẽ có biểu hiện hụt hơi, Khó thở, giảm chất lượng sống. 

- Đột tử: Trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ tim có thể gây ngừng tim đột ngột và dễ gây tử vong nếu bệnh nhân không được xử trí can thiệp kịp thời. 

3. Chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim 

Như đã nêu trên, nhiều trường hợp viêm cơ tim không có triệu chứng bất thường. Chính vì thế, bác sĩ sẽ không chỉ chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà còn có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp xét nghiệm cần thiết như:

Người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang tim phổi 

- Đo điện tâm đồ. 

- Siêu âm tim. 

- Chụp X-quang tim phổi.

- Xét nghiệm men tim, các chỉ số viêm. 

- Chụp cộng hưởng từ tim hay chụp mạch vành. 

Việc lên phác đồ điều trị viêm cơ tim sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, mục đích chính của các phương pháp điều trị bệnh vẫn là giảm triệu chứng bệnh bằng một số phương pháp như chống loạn nhịp tim, tăng cường co bóp tim, chống sốc,... Một số phương pháp điều trị bệnh cụ thể như: 

- Điều trị bằng thuốc: Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa theo triệu chứng bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của viêm cơ tim, chẳng hạn như:

+ Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus được dùng trong các trường hợp viêm cơ tim nhiễm khuẩn.

+Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn beta, Corticosteroid,… 

+ Thuốc Digoxin và thuốc lợi tiểu với những trường hợp đã bị suy tim. 

+ Thuốc tăng co bóp thường được dùng cho những trường hợp bị rối loạn chức năng tim.

Người bệnh cần uống thuốc theo đúng liều lượng trong đơn thuốc

- Liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể: Phương pháp điều trị này thường được áp dụng với những trường hợp bệnh nặng, không thể đáp ứng với những liệu pháp thông thường. Tác dụng của phương pháp này là hỗ trợ chức năng tim bằng thiết bị màng trao đổi oxy bên ngoài cơ thể (ECMO). 

- Ghép tim: Thường được áp dụng khi tình trạng của bệnh nhân đã rất nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không thể giúp cải thiện chức năng hoạt động của tim.

4. Chăm sóc người bị viêm cơ tim như thế nào?

Ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, khi chăm sóc người bệnh bị viêm cơ tim, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Xây dựng cho người bệnh một chế độ ăn lành mạnh: Ưu tiên ăn những loại rau xanh và trái cây tốt cho tim mạch như kiwi, các loại quả mọng, đu đủ, dưa hấu, các loại trái cây có múi,... Hạn chế cho người bệnh ăn những loại đồ ăn chế biến sẵn, các món ăn có chứa nhiều dầu mỡ và tránh ăn quá mặn. Người bị viêm cơ tim cũng cần lưu ý uống nhiều nước và nên lựa chọn nước ấm thay vì nước lạnh. 

- Khi ngủ, người bệnh nên dùng gối để cảm thấy dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, người bệnh nên lựa chọn những bộ đồ thoải mái, có chất liệu nhẹ và thấm hút tốt. 

- Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hạn chế tiếp xúc với khói bụi và hóa chất độc hại. 

5. Cách phòng ngừa viêm cơ tim

Rất khó để có thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm cơ tim. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh: 

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh cơ thể mỗi ngày. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại phòng tránh bệnh hiệu quả. 

- Không nên tiếp xúc với người mắc cúm hoặc người nhiễm virus. 

- Không nên sử dụng quá nhiều bia rượu và hãy cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cách có thể giúp bạn phòng tránh được nhiều loại bệnh và hạn chế nguy cơ bị viêm cơ tim. 

Có thể nói rằng, viêm cơ tim là một dạng bệnh lý nguy hiểm. Bệnh có thể dẫn đến suy tim và khiến người bệnh đột tử. Do đó, bạn không nên chủ quan với căn bệnh này. Nếu có những biểu hiện bất thường nghi ngờ viêm cơ tim như khó thở, tim đập nhanh,... bạn nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để được bác sĩ chẩn đoán chính xác về những vấn đề bạn đang gặp phải.

Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 được hướng dẫn cụ thể.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.